Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ngam La với các mô hình kinh tế mới

BHG - Tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế, xã Ngam La (Yên Minh) đã tích cực triển khai các mô hình mới. Qua đó, nâng cao hiệu quả sản xuất, giải quyết việc làm, tạo tiền đề hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Báo Hà GiangBáo Hà Giang24/04/2025

BHG - Tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế, xã Ngam La (Yên Minh) đã tích cực triển khai các mô hình mới. Qua đó, nâng cao hiệu quả sản xuất, giải quyết việc làm, tạo tiền đề hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Mặc dù là xã vùng 3, địa hình có độ dốc lớn, nhưng với quyết tâm phát huy nội lực, những năm gần đây xã Ngam La đã khai thác được thế mạnh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả. Hiện nay, xã khai thác tốt lợi thế về cây chè Shan tuyết, chăn nuôi hàng hóa, trồng cây dược liệu, lúa... Trong đó, trên địa bàn đã xây dựng được sản phẩm OCOP, hình thành liên kết tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng và giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.

Diện tích cây giang của gia đình anh Lý A Dành, thôn Nậm Cấp đang độ thu hoạch.
Diện tích cây giang của gia đình anh Lý A Dành, thôn Nậm Cấp đang độ thu hoạch.

Đồng chí Hùng Minh Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Ngam La chia sẻ: Từ năm 2024, xã đã nghiên cứu, áp dụng triển khai thí điểm một số mô hình mới là trồng cây giang lấy lá, sắn cao sản và cây quế. Nổi bật, nhiều diện tích thực hiện được chuyển đổi từ đất trồng ngô kém hiệu quả. Mặc dù với địa hình độ dốc lớn, nhưng sau thí điểm hơn 1 năm đã cho thấy tính phù hợp và hiệu quả kinh tế. Trong đó, cây giang là mô hình thực hiện đầu tiên của huyện đang được đánh giá cao. Tổng diện tích triển khai 6,5 ha tại 3 thôn: Nậm Cấp, Ngam La, Nà Ngù. Sau triển khai, người dân thu hoạch được 2 đợt/năm, tổng sản lượng toàn xã đạt trên 2,4 tấn. Hiện nay, các hộ đã ký kết hợp đồng tiêu thụ với 1 hợp tác xã tại huyện Bắc Quang đến thu mua tại vườn với giá từ 9 – 12 nghìn đồng/kg.

Sau khi có chủ trương chuyển đổi giống cây trồng ở địa phương, gia đình anh Lý A Dành, thôn Nậm Cấp đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 1 ha đồi tạp, hiệu quả thấp sang trồng cây giang. Anh Dành cho biết: “Gia đình trồng thử nghiệm 1.000 gốc giang. Quá trình thực hiện được cán bộ khuyến nông sát sao hướng dẫn cách trồng, sử dụng phân chuồng, phân NPK để bón lót và kết hợp bổ sung đạm khi bón thúc. Đến nay gia đình đã thu hoạch được 2 lứa, sản lượng đạt 4 tạ, sau khi trừ chi phí ban đầu đã có lãi trên 25 triệu đồng và sẽ mở rộng thêm diện tích trong thời gian tới”.

Củ sắn cao sản được thương lái thu mua với giá từ 1 – 1,2 nghìn đồng/kg.
Củ sắn cao sản được thương lái thu mua với giá từ 1 – 1,2 nghìn đồng/kg.

Sắn là một trong các cây trồng thuộc danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia. Nắm bắt được tiềm năng to lớn này, xã Ngam La đã định hướng cho người dân chuyển đổi diện tích trồng ngô kém hiệu quả sang trồng sắn cao sản. Với tổng diện tích thực hiện 11,7ha, bà con nông dân rất phấn khởi khi vừa áp dụng mô hình mới đã thu hoạch được mùa, được giá. Cấp ủy, chính quyền địa phương cũng thường xuyên chỉ đạo các thôn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân sản xuất theo lịch thời vụ, phối hợp với đơn vị thu mua hạn chế thu hoạch sớm, tạo ổn định lâu dài cho vùng nguyên liệu. Vốn là cây dễ trồng, không tốn chi phí về giống, lại có thể kết hợp trồng xen canh tạo tơi xốp cho đất, cây sắn cao sản tại xã sinh trưởng rất tốt. Trung bình đạt từ 3 – 5 kg củ/gốc, năng suất 1,2 tạ/ha, tổng sản lượng toàn xã đạt trên 14 tấn. Vụ thu hoạch vừa qua người dân đã hợp đồng bán cho đơn vị thu mua dao động từ 1 – 1,2 nghìn đồng/kg.

Với nhiều thế mạnh về phát triển trồng trọt, xã Ngam La hiện đang duy trì gần 60 ha cây dược liệu gồm: Gừng, nghệ, thảo quả, sa nhân. Nhằm tạo thêm tính đa dạng, xã triển khai mô hình trồng quế. Hiện đã thực hiện được 17,2 ha, mặc dù chưa cho thu hoạch nhưng cây quế sinh trưởng phát triển tốt; góp phần hình thành vùng nguyên liệu dược liệu dồi dào, thu hút đầu tư sản xuất quy mô tại xã. Từ các mô hình kinh tế mới nêu trên bước đầu mang lại hiệu quả, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được cải thiện. Năm 2024 xã Ngam La giảm được 47 hộ nghèo; thu nhập bình quân đầu người đạt 20,85 triệu đồng/người/năm, vượt 10,9% Nghị quyết.

“Các mô hình kinh tế đang có sức lan tỏa, người dân phấn khởi áp dụng, mở rộng diện tích. Không chỉ tạo ra thay đổi về đời sống vật chất, tư duy sản xuất của bà con cũng được nâng lên rõ rệt, sản xuất gắn liền với tập trung hàng hóa, cơ giới hóa. Phát huy lợi thế, thời gian tới xã tiếp tục khuyến khích người dân mở rộng quy mô, xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị; quan tâm trang bị kiến thức, chuyển giao KHCN vào quy trình trồng trọt. Đồng thời, nghiên cứu triển khai các mô hình, nhóm sở thích mới như: Nuôi gà thiến; nuôi cá chép ruộng; chế biến các sản phẩm từ chè Shan tuyết; trồng rừng sản xuất...”- Phó Chủ tịch xã Ngam La Hùng Minh Hà cho biết thêm.

Bài, ảnh: PHẠM HOAN

Nguồn: https://baohagiang.vn/kinh-te/202504/ngam-la-voi-cac-mo-hinh-kinh-te-moi-856156a/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Về với đại ngàn
Tứ đại đỉnh đèo đất Việt
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Khoảnh khắc SVĐ Mỹ Đình ‘vỡ òa’ khi hai xe tăng rầm rập tiến vào

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm