Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ngân hàng ồ ạt phát hành trái phiếu trước áp...

Nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao, các ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn trong năm 2025. Theo đó, họ sẽ tích cực phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để nâng cao tỷ lệ vốn huy động trung và dài hạn.

Báo Đắk NôngBáo Đắk Nông03/04/2025

Thống lĩnh cả hai vai trò: Người bán lẫn người mua

Các ngân hàng đang đẩy mạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nhằm bổ sung nguồn vốn cấp 2. Tuy nhiên, động thái này diễn ra trong bối cảnh lãi suất huy động bị kiểm soát chặt chẽ, làm gia tăng áp lực chi phí vốn và ảnh hưởng đến biên lãi ròng, đặc biệt đối với các ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) thấp.

Giới phân tích kỳ vọng hoạt động phát hành TPDN sẽ khởi sắc hơn trong năm nay, với ngân hàng tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt. Thực tế cho thấy, từ năm ngoái đến nay, các ngân hàng thương mại gần như chiếm lĩnh thị trường TPDN, vừa là bên phát hành vừa là bên mua, góp phần mở rộng quy mô thị trường này.

Trong tháng 3, thị trường ghi nhận một số đợt phát hành đáng chú ý từ các tổ chức tín dụng (TCTD). Ngân hàng TMCP Lộc Phát (LPBank) đã phát hành hai lô trái phiếu với tổng giá trị 3.000 tỷ đồng theo hình thức chào bán ra công chúng. Lãi suất được tính dựa trên mức bình quân lãi suất tiết kiệm 12 tháng của bốn ngân hàng lớn, cộng thêm biên độ 2,9% - 3,2%/năm, với kỳ hạn lần lượt 7 năm và 10 năm.

Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) cũng huy động 2.199 tỷ đồng qua phát hành trái phiếu ra công chúng, với lãi suất bằng bình quân lãi suất tiết kiệm 12 tháng của bốn ngân hàng lớn cộng 1,5%/năm, kỳ hạn 6 năm. Bên cạnh đó, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) phát hành tổng cộng 6.767 tỷ đồng trái phiếu, trong khi Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) huy động 6.183 tỷ đồng.

Thị trường tiếp tục chứng kiến nhiều kế hoạch phát hành mới. Điển hình, VietinBank dự kiến triển khai đợt phát hành trái phiếu ra công chúng lần thứ hai với tổng giá trị tối đa 4.000 tỷ đồng, trong khi ACB đặt mục tiêu huy động 20.000 tỷ đồng thông qua 10 đợt phát hành riêng lẻ.

Dựa trên diễn biến những tháng đầu năm, các chuyên gia dự báo các ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát hành TPDN trong năm 2025 nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho tăng trưởng tín dụng. Bên cạnh đó, việc giảm lãi suất tiết kiệm cũng tạo khoảng cách lớn hơn giữa tăng trưởng tín dụng và huy động tiền gửi, đòi hỏi ngân hàng phải tăng cường phát hành trái phiếu để cân đối nguồn vốn.

Theo báo cáo mới công bố của FiinRatings, dư nợ thị trường TPDN năm 2025 dự kiến tăng 15-20%. Trong đó, các ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục phát hành TPDN để tăng vốn cấp 2, đáp ứng nhu cầu mở rộng tín dụng theo định hướng của Chính phủ, trong khi lãi suất huy động vẫn được kiểm soát chặt chẽ để tránh tăng đột biến.

Điều này tạo áp lực lớn lên việc đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn, đặc biệt là tỷ lệ tín dụng/huy động (LDR) và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Một số ngân hàng có kế hoạch tăng vốn cấp 1 (vốn cổ phần), nhưng quá trình này cần nhiều thời gian và phụ thuộc vào diễn biến thị trường chứng khoán.

Ngoài ra, các quy định mới về phát hành trái phiếu riêng lẻ và chào bán đại chúng, dự kiến được áp dụng trong nửa cuối năm 2025, sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm trái phiếu và thu hút thêm nhà đầu tư trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm duy trì ở mức thấp.

Nhu cầu tái tài trợ và tái cấu trúc vốn của các ngành có mức độ thâm dụng vốn lớn như bất động sản, năng lượng, xây dựng và vật liệu dự kiến sẽ tăng mạnh trong các quý tới. FiinRatings nhận định rằng các ngân hàng vẫn sẽ là lực lượng mua chính trên thị trường TPDN. Việc được cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao sẽ tạo điều kiện để các ngân hàng gia tăng đầu tư hoặc tái cấu trúc tín dụng thông qua kênh TPDN.

Ngân hàng ồ ạt phát hành trái phiếu trước áp lực tăng trưởng tín dụng
 Các ngân hàng tích cực phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để nâng cao tỷ lệ vốn huy động trung và dài hạn.

Lãi suất huy động dự báo sẽ tăng trở lại vào quý II

Việc tăng cường phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã khiến chi phí vốn (COF) của các ngân hàng có xu hướng tăng trong năm 2025. Chứng khoán Yuanta dự báo COF có thể tăng từ 10-50 điểm cơ bản, do tác động của tỷ giá USD/VND và nhu cầu huy động vốn dài hạn qua trái phiếu.

Tuy nhiên, phát hành trái phiếu dài hạn là giải pháp giúp các ngân hàng đáp ứng quy định về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn, giới hạn ở mức trần 30%, đặc biệt với các ngân hàng tập trung vào cho vay dài hạn. Dù vậy, điều này làm tăng chi phí vốn, trong khi lãi suất cho vay bị kiểm soát, có thể gây thu hẹp biên lãi ròng (NIM) của ngành ngân hàng.

Các ngân hàng có tỷ lệ CASA cao, như Techcombank, MB, VPBank, TPBank, VietinBank, sẽ có lợi thế trong việc kiểm soát chi phí vốn và tối ưu hóa NIM. Tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ CASA của MB đạt 38%, Techcombank là 35,9%, Vietcombank 35%, MSB 24,9%, VietinBank 23,9%, ACB 22%, TPBank 20,9%, BIDV 19,5%, SeABank 18,8%, và Sacombank 18%.

Ngược lại, những ngân hàng có tỷ lệ CASA thấp như Bac A Bank (2,92%), VietA Bank (4,07%), VietBank (4,95%), Nam A Bank (6,31%), KienLong Bank (6,43%) sẽ phải đối mặt với áp lực lớn khi chi phí vốn gia tăng. Trong tình hình này, chiến lược duy trì tỷ lệ CASA cao và tối ưu hóa chi phí vận hành sẽ là yếu tố quan trọng giúp các ngân hàng duy trì lợi nhuận và khả năng cạnh tranh.

Trước áp lực tăng trưởng tín dụng, kết quả khảo sát xu hướng kinh doanh của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, lãi suất huy động vốn toàn hệ thống dự báo ổn định trong quý II, với mức tăng 0,02% đối với các kỳ hạn trên 6 tháng và tăng 0,17% đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng trong cả năm 2025. Trong khi đó, lãi suất cho vay toàn hệ thống dự báo sẽ giảm nhẹ từ 0,03% đến 0,08% trong quý II và cả năm 2025.

Nguồn: https://baodaknong.vn/ngan-hang-o-at-phat-hanh-trai-phieu-truoc-ap-luc-tang-truong-tin-dung-248228.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những làng quê đáng sống
Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm