Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ngành dừa vững vàng hội nhập

BDK - Là một tỉnh đồng bằng nằm ở hạ nguồn sông Cửu Long thuộc miền Tây Nam Bộ, Bến Tre được hình thành từ 3 dải cù lao và bao bọc bởi 4 con sông chính đổ ra biển Đông (sông Tiền, sông Ba Lai, sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên). Với vị trí địa lý đặc biệt và chiều dài của lịch sử hình thành và phát triển, tỉnh vốn từ lâu đã nổi tiếng là “thủ phủ dừa” Việt Nam, với diện tích lớn nhất cả nước. Cây dừa trở thành cây công nghiệp chủ lực (tại Quyết định số 431 ngày 26-1-2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030) và khẳng định vị thế ngành hàng chủ lực của tỉnh.

Báo Bến TreBáo Bến Tre02/04/2025

Khách quốc tế tham quan vườn dừa hữu cơ tại xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày Nam.

Trên bản đồ ngành dừa

Dừa là loại cây trồng được đánh giá có khả năng chịu mặn và chịu ngập tốt hơn so với các loại cây nông nghiệp khác. Cây dừa có khả năng chống chịu được các nguy cơ trên, trở thành một đối tượng cây trồng quan trọng trong hệ thống canh tác, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững của địa phương và định hướng đến năm 2030.

Theo thống kê của Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tại tỉnh, diện tích trồng dừa tăng nhanh từ 51.560ha năm 2010 lên 77.232ha năm 2022, chiếm 39,7% tổng diện tích dừa cả nước. Diện tích trồng dừa tăng nhanh qua từng năm và đạt khoảng 80.000ha vào cuối năm 2024. Năng suất dừa của tỉnh thuộc vào nhóm cao, với 9.863 trái/ha/năm, cao hơn mức bình quân của các nước thuộc Hiệp hội Dừa châu Á - Thái Bình Dương.

Khoảng 15% diện tích dừa tỉnh trồng các giống dừa thuộc nhóm cho trái tươi (dừa uống nước) phổ biến như các giống dừa xiêm. Khoảng 85% diện tích còn lại trồng các giống dừa cho chế biến công nghiệp hoặc đa dụng. Các vùng trồng dừa tươi phân bố xen kẽ với vùng dừa chế biến công nghiệp. Các giống dừa phổ biến là dừa ta, dừa dâu, dừa xiêm xanh... do người dân tự để giống 35 - 40%, còn lại phần lớn người dân mua giống để trồng. Tập quán canh tác dừa ở tỉnh theo nông hộ, quy mô diện tích nhỏ. Có trên 250 ngàn hộ dân trồng dừa, với diện tích bình quân 0,4ha/hộ.

Gần đây, các nghiên cứu đều khẳng định vị thế trung tâm của tỉnh trên bản đồ ngành dừa của cả nước và khu vực. Do đó, dừa là cây công nghiệp có vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển kinh tế của tỉnh. Qua đó, góp phần quan trọng đưa Việt Nam xếp vị trí thứ 4 khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thứ 5 thế giới về xuất khẩu dừa.

Chiến lược phát triển của tỉnh

Chiến lược phát triển cây dừa tỉnh luôn được quan tâm và được cụ thể hóa tại Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29-1-2021 của Tỉnh ủy về việc xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh giai đoạn 2020 - 2025; Chương trình số 08-CTr/TU ngày 29-1-2021 của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp chủ lực, lực lượng doanh nghiệp của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030. Đặc biệt, tiếp thu Đề án Phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai thực hiện gắn với tập trung vào các nhiệm vụ để phát triển ngành dừa của tỉnh.

Đoàn khách quốc tế tham quan mô mình trồng dừa hữu cơ tại tỉnh.

Trên cơ sở các mục tiêu và nhiệm vụ của Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy, đến nay, tỉnh đã xây dựng thành công chuỗi giá trị cây dừa với 2 chuỗi dừa công nghiệp và dừa uống nước. Trong đó, chuỗi dừa công nghiệp có 34 hợp tác xã, 20 tổ hợp tác, với quy mô trên 13 ngàn ha và trên 6,2 ngàn thành viên. Chuỗi dừa uống nước có 2 hợp tác xã, 16 tổ hợp tác, với trên 8,3 ngàn thành viên.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Huỳnh Quang Đức cho biết: Trong giai đoạn 2021 - 2024, tỉnh phát triển thêm gần 8.800ha dừa hữu cơ, nâng tổng diện tích dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ toàn tỉnh trên 20.000ha; trong đó diện tích đạt chứng nhận 16.300ha. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh đã bình tuyển và công nhận trên 9.700 cây dừa mẹ, cấp 6 mã số vùng trồng nội địa cho dừa, với diện tích gần 530ha trên địa bàn các huyện: Châu Thành, Giồng Trôm, Thạnh Phú và TP. Bến Tre; cấp 133 mã số vùng trồng cho hơn 8.300ha dừa xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ và Trung Quốc.

Công nghiệp chế biến dừa đã tiêu thụ 85,74% tổng lượng dừa thu hoạch trên địa bàn tỉnh và chiếm tỷ trọng khá lớn so với ngành công nghiệp chế biến, được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Toàn tỉnh có khoảng 180 doanh nghiệp, chiếm 26% doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tỉnh và gần 2.400 cơ sở sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dừa.

Mở rộng thị trường xuất khẩu

Phó giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới (Khu công nghiệp An Hiệp, huyện Châu Thành) Nguyễn Trường Thịnh cho biết: Cột mốc năm 2000 là giai đoạn các doanh nghiệp tại tỉnh tiên phong đầu tư dây chuyền cơm dừa nạo sấy. Công nghệ sấy khô cơm dừa đưa sản phẩm dừa “xuất ngoại” đến thị trường Trung Đông. Với nhu cầu bán hàng, các doanh nghiệp giao thoa với thị trường và có cơ hội tìm hiểu thị trường. Cập nhật xu hướng công nghệ từ các quốc gia sản xuất chuyên sâu trái dừa như Philippines, Thailand, Indonesia... Từ đó, mở ra các sản phẩm công nghệ mới mang tính đột phá cho ngành dừa Việt Nam.

Theo Tổng cục Hải quan, tính đến cuối năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dừa tươi của Việt Nam đạt 390 triệu USD, tăng 61% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa đạt gần 1,1 tỷ USD, tăng hơn 20% so với năm 2023. Đây là lần đầu tiên sau 14 năm, trái dừa Việt Nam cán mốc tỷ USD, khẳng định vị thế của ngành dừa trên bản đồ xuất khẩu nông sản.

Riêng tỉnh, năm 2024, xuất khẩu ngành dừa đạt trên 450 triệu USD, chiếm hơn 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Tỉnh kỳ vọng vào năm 2025, ngành dừa sẽ mang lại nguồn thu cho tỉnh đạt 1 tỷ USD/năm. Thị trường xuất khẩu sản phẩm dừa được mở rộng, góp phần tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu. Cơ cấu thị trường có sự chuyển dịch từ một số nước là thị trường trung gian ở châu Á như: Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore sang thị trường trực tiếp châu Âu, Bắ́c Mỹ có nhiều tiềm năng.

Trong số những doanh nghiệp dẫn đầu ngành dừa trong nước, Betrimex (Cụm công nghiệp Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm) được đánh giá là nhà sản xuất dừa hàng đầu Việt Nam, lọt vào tốp 6 nhà sản xuất dừa lớn nhất thế giới. Betrimex cũng đã cam kết tiên phong mở rộng hợp tác, đồng hành cùng các bên liên quan để khai thác sâu chuỗi giá trị cây dừa, đưa sản phẩm dừa trở thành biểu tượng châu Á và ngành công nghiệp tiêu biểu của thế kỷ.

Khi được xem là cây công nghiệp chủ lực quốc gia, vị thế, tầm vóc, ngành dừa Bến Tre nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ được nâng lên tầm cao mới kể cả trong nước và quốc tế. Thương hiệu, uy tín các sản phẩm từ dừa Việt Nam được đề cao và cơ hội thâm nhập thị trường trong nước và quốc tế càng trở nên rộng mở…

“Từ năm 2010 đến nay, có thể gọi là giai đoạn “tăng trưởng nhanh” của ngành dừa. Vô số các sản phẩm được tạo ra với đa dạng chủng loại và ở nhiều ngành nghề. Đặc biệt, phải kể đến là các dòng sản phẩm thực phẩm chế biến từ trái dừa. Các xu hướng sản phẩm được doanh nghiệp cập nhật và thực hiện để đáp ứng nhu cầu khách hàng như: sản phẩm hữu cơ thông qua quá trình xây dựng vườn dừa hữu cơ, sản phẩm được công nhận Halal, Kosher...”.

(Phó giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới Nguyễn Trường Thịnh)

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Nguồn: https://baodongkhoi.vn/nganh-dua-vung-vang-hoi-nhap-02042025-a144574.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm