Doanh nghiệp lo ngại hàng hóa giảm sức cạnh tranh
Mặc dù Chính phủ Hoa Kỳ tạm dừng áp thuế đối ứng trong 90 ngày đối với hơn 75 quốc gia, trong đó có Việt Nam, song các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu sang thị trường này vẫn lo ngại hàng hóa Việt Nam giảm sức cạnh tranh so với sản phẩm từ các nước khác. Đại diện Công ty TNHH TMDV ViFood nhận định hiện các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ như gỗ, da giày, nông sản, thủy sản, điện thoại, trái cây mang lại giá trị lớn, nếu phải chịu thuế 46% giá các mặt hàng này tăng cao khách hàng ở Hoa Kỳ sẽ quay sang mua hàng từ Thái Lan hoặc các nước khác.
Đối với ngành dệt may tỉnh Bình Dương, Hoa Kỳ hiện là thị trường chiếm đến 40% sản lượng xuất khẩu. Bài toán duy trì sản lượng xuất khẩu vào thị trường trở nên khó khăn nếu phải chịu mức thuế đối ứng mới 46%. Trong khi đó, theo Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, những năm qua các mặt hàng gỗ nội thất được hưởng thuế 0% khi vào thị trường Hoa Kỳ, việc áp thuế lên đến 46% lần này khiến DN xuất khẩu lẫn người tiêu dùng gặp khó khăn. Điều này có thể dẫn đến tình trạng đình trệ đơn hàng, ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi cung ứng.
"Hiệp hội, các DN thành viên đang tìm giải pháp ứng phó. Giải pháp tối ưu DN ngành gỗ đang thực hiện là tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và củng cố vị thế ở thị trường nội địa để tăng sức chống chịu với xu thế bảo hộ thương mại của các nước", ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, nói.
Sớm hiện thực hóa gói tín dụng 500.000 tỷ đồng
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức họp triển khai chỉ đạo của Chính phủ về việc cho vay đối với các DN đầu tư hạ tầng và công nghệ số. Tại cuộc họp, lãnh đạo NHNN nhấn mạnh sẵn sàng nguồn vốn cho vay các đối tượng khách hàng ưu tiên, đồng thời chủ động có các chính sách hỗ trợ cho khách hàng chịu tác động từ chính sách thuế mới của Chính phủ Hoa Kỳ. Với những trường hợp bị ảnh hưởng về thuế đối ứng của Chính phủ Hoa Kỳ, một số ngân hàng kiến nghị cần có cơ chế cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất, phí để chia sẻ khó khăn với khách hàng. Bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), cho hay ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ các DN về lãi suất, nhưng cần làm rõ về trách nhiệm trong việc cho vay để các ngân hàng mạnh dạn triển khai gói hỗ trợ DN.
Liên quan đến những khó khăn và thách thức hiện nay của DN, đặc biệt là tác động từ chính sách thuế mới của Hoa Kỳ, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN, cho biết việc triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng và các chính sách hỗ trợ DN là rất kịp thời. Để triển khai hiệu quả gói tín dụng này, ông Đào Minh Tú yêu cầu trong thời gian tới, các ngân hàng chủ động tính toán, cân đối dành nguồn lực hỗ trợ DN, khẩn trương có văn bản đăng ký tham gia chương trình tín dụng. Các ngân hàng căn cứ danh mục dự án trọng điểm để xác định đúng đối tượng cho vay, xem xét, thẩm định các dự án theo quy định.
Về mức lãi suất cho vay, các ngân hàng cần chủ động xác định và công khai mức lãi suất áp dụng, phương thức tính lãi suất đối với khách hàng vay vốn theo Chương trình tín dụng trong từng thời kỳ, trên tinh thần hỗ trợ khách hàng DN giảm chi phí vốn. Về thời gian áp dụng ưu đãi, các ngân hàng chủ động xác định thời gian áp dụng, hài hòa với thời gian cho vay bảo đảm tính chất hỗ trợ của Chương trình tín dụng…
Với sự quyết tâm của toàn ngành ngân hàng, gói tín dụng 500.000 tỷ đồng được kỳ vọng góp phần tạo động lực cho sự phát triển của doanh nghiệp, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế nước nhà trong bối cảnh hiện nay. |
THANH HỒNG
Nguồn: https://baobinhduong.vn/nganh-ngan-hang-gop-suc-ho-tro-doanh-nghiep-a345312.html
Bình luận (0)