Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ngày trở về đặc biệt của thầy giáo 40 năm bám bản

(Dân trí) - Sau khi tốt nghiệp, năm 1985, thầy Trần Trực vác ba lô lên vùng núi cao biên giới nhận nhiệm vụ. Sau 40 năm miệt mài gieo chữ, tạm biệt núi rừng, thầy trở về với gia đình.

Báo Dân tríBáo Dân trí23/04/2025



Dấu chân người thầy in trên khắp dải biên cương

Ngày 17/4 đánh dấu ngày cuối cùng thầy Trần Trực (SN 1964, quê huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) kết thúc công việc tại Trường Tiểu học A Nông, huyện Tây Giang, Quảng Nam để nghỉ chế độ.

Buổi liên hoan chia tay được tổ chức bởi các giáo viên và cán bộ Phòng giáo dục và Đào tạo huyện Tây Giang, nhằm tri ân người thầy đã 40 năm gắn bó với học trò Cơtu nơi vùng biên cương.

"Tôi với một tâm trạng vừa xúc động, vừa bồi hồi, khi bước vào ngày cuối cùng của hành trình dài trong sự nghiệp giáo dục của mình. Thời gian trôi qua thật nhanh, nhưng mỗi một khoảnh khắc trong suốt quãng đường ấy luôn là những ký ức đẹp đẽ, đáng trân trọng và khắc sâu trong lòng tôi", thầy Trực chia sẻ. 

Ngày trở về đặc biệt của thầy giáo 40 năm bám bản - 11-edited-1745034037122.webp

Thầy Trực tại Trường Tiểu học A Nông (Ảnh: Quốc Kỳ).

Năm 1985, sau khi tốt nghiệp sư phạm, thầy giáo trẻ Trần Trực xung phong lên vùng biên giới huyện Hiên của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) dạy học. Từ đây, dấu chân thầy in trên khắp dải biên cương của vùng núi phía Tây Quảng Nam.

Thầy Trực cho biết, với 13 năm giảng dạy và làm cán bộ quản lý ở thị trấn P'rao và xã Tà Lu (huyện Hiên, nay là huyện Đông Giang, Quảng Nam), là chặng đường chông gai vất vả, vừa lập gia đình, sinh con, tự làm nhà tranh để ở.

"Đồng lương giáo viên lúc ấy không đủ mua một ang (dụng cụ đo lường, một ang thường tương đương 10kg) gạo, tôi phải bươn chải để nuôi sống gia đình. Trưa thứ Sáu hàng tuần đi dạy về ăn tạm, rồi đi lấy hàng chạy lên xã A Tiêng, Lăng bán dạo. Trưa Chủ nhật về để soạn bài ngày sau đi dạy. Đoạn đường từ thị trấn P'rao đến xã A Tiêng, Lăng phải lội qua biết bao sông suối", thầy Trực chia sẻ.

Ngày đi tỉnh chưa tách, ngày về tỉnh nhập lại

Năm 1997, sau khi tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng được tách ra, Quảng Nam lúc này là tỉnh nghèo, thầy Trực được giao nhiệm vụ làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Lăng, huyện Tây Giang.

Trường không có bàn ghế, học sinh phải ngồi dưới nền gạch, sách giáo khoa thiếu. Toàn trường có 13 giáo viên nam và một giáo viên nữ, cuộc sống thầy cô giáo khốn khổ. Với sự quyết tâm của đội ngũ trẻ, qua năm học 1998-1999, mọi thứ dần đi vào ổn định.

Sau 6 năm ở xã Lăng, thầy Trực được điều động làm Hiệu trưởng Trường THCS bán trú cụm xã Lý Tự Trọng. Trường lúc đó có 200 em. Do cuộc sống khó khăn, chế độ hỗ trợ còn ít nên nhiều em học vài tháng rồi bỏ.

Hai năm sau đó, thầy Trực về làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học A Vương, rồi Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học A Vương 7 năm.

Năm học 2013-2014, thầy Trực về Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, phụ trách chuyên môn về công tác giáo dục dân tộc.

Năm học 2014-2019, thầy làm Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Tr'hy. Từ năm 2019 đến nay, thầy Trực làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học A Nông.

Ngày trở về đặc biệt của thầy giáo 40 năm bám bản - 23-edited-1744971441754.webp

Thầy Trực (bên phải) nhận hoa của lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo tại buổi chia tay (Ảnh: Quốc Kỳ).

"Nhìn lại chặng đường 40 năm, từ giáo viên đứng lớp đến viên chức quản lý, dù khó khăn vất vả, có lúc chán nản nhưng tôi cảm thấy tự hào khi được đóng góp một phần nhỏ bé vào sự nghiệp giáo dục nơi đây, vào sự trưởng thành của bao thế hệ học trò. Những thành công, những bước tiến của các em chính là niềm vui, phần thưởng lớn lao nhất mà tôi có được", thầy Trực chia sẻ.

Thầy Trực bày tỏ tấm lòng và cảm ơn vợ mình đã luôn thông cảm, hỗ trợ trong cuộc sống, chăm sóc, nuôi dạy 2 con trai học giỏi và thành đạt. 

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tây Giang, khẳng định, bằng tình yêu nghề và trách nhiệm với thế hệ tương lai, gác lại cảm xúc riêng, thầy đã chọn vùng biên giới với những bản làng xa xôi làm nơi gieo chữ.

"Những đóng góp của thầy không thể đo, đếm bằng thành tích, giấy khen hay số năm công tác. Thành quả to lớn của thầy là hàng trăm học sinh đồng bào dân tộc Cơtu thoát khỏi mù chữ, những lớp người trưởng thành từ mái trường biên giới để trở về xây dựng quê hương, bản làng. Đó là tình cảm yêu mến của đồng bào nơi đây, coi thầy như người con của bản làng", ông Kỳ chia sẻ.

Ngày thầy giáo trẻ bước chân vào nghề, lúc đó Quảng Nam - Đà Nẵng là một tỉnh. Và 40 năm sau, khi thầy nghỉ chế độ về với gia đình, Quảng Nam và Đà Nẵng chuẩn bị "tái hợp" theo chủ trương tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp của Trung ương.

Nguồn:https://dantri.com.vn/giao-duc/ngay-tro-ve-dac-biet-cua-thay-giao-40-nam-bam-ban-20250418172353806.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Khoảnh khắc SVĐ Mỹ Đình ‘vỡ òa’ khi hai xe tăng rầm rập tiến vào
Cờ Tổ quốc, cờ Đảng tung bay giữa trời Nam rực nắng
Vì sao Kiên Giang lọt tốp ‘điểm đến thân thân thiện nhất thế giới’

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm