Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương (phải) và Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Bình Phương chủ trì hội thảo - Ảnh: T.ĐIỂU
Hội thảo lấy ý kiến cho nghị định quy định về khuyến khích phát triển văn học được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 4-4 tại Hà Nội.
Nếu nghị định ban ra mà văn học vẫn không tốt lên…
Theo dự thảo nghị định mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng thì bộ này sẽ thực hiện các nhiệm vụ như hỗ trợ, đầu tư cho hoạt động văn học; tổ chức trại viết, sáng tác, cuộc thi viết, sáng tác; trao giải thưởng; giới thiệu, quảng bá, phổ biến văn học.
Đây chính là những việc mà lâu nay Hội Nhà văn Việt Nam vẫn thực hiện.
Hội thảo nhận được một số ý kiến bày tỏ băn khoăn về sự trùng lặp, chồng chéo về nhiệm vụ giữa hai cơ quan.
NSND Vương Duy Biên - phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam - góp ý kiến cần nghiên cứu khi xây dựng nghị định để không trùng lặp nhiệm vụ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với các hội.
Ngoài ra ông cũng băn khoăn nghị định này là để khuyến khích phát triển văn học nhưng nếu nghị định ra đời mà phong trào văn học không lên, không có tác phẩm xuất sắc thì đây là một thách đố với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa - phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nói ông đánh giá cao tấm lòng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khi quyết tâm xây dựng nghị định để phát triển văn học.
Nhưng theo ông Khoa, nghị định cần được làm chặt chẽ hơn, không chồng chéo nhiệm vụ mà các hội đang làm.
Ông dẫn ví dụ nghị định đưa ra việc tổ chức giải thưởng văn học cấp quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.
Ông Khoa băn khoăn khi có giải thưởng này thì Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh có còn trao giải không và mối tương quan giữa chúng thế nào.
Ngoài ra giải thưởng văn học quốc gia này với giải thưởng sách quốc gia mà Cục Xuất bản, In và Phát hành đang tổ chức hằng năm thì có trùng lặp.
Ông Khoa tâm tư rằng hiện nay có nhiều giải thưởng văn học, nhưng thực tế thì sách được giải thưởng in ra cũng rất ít người mua.
PGS Phạm Xuân Thạch (Đại học Quốc gia Hà Nội) đề xuất có thể tham khảo mô hình quỹ phát triển khoa học công nghệ để áp dụng cho văn học.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa phát biểu tại hội thảo - Ảnh: T.ĐIỂU
Không nên chỉ tài trợ cho các tác phẩm tuyên truyền
Góp ý cho nghị định, ông Phạm Xuân Thạch nói nghị định đang quy định Nhà nước chỉ hỗ trợ cho các tác phẩm văn học tuyên truyền, phục vụ trực tiếp nhiệm vụ chính trị. Theo ông, nghị định nên mở rộng để khuyến khích, tài trợ cho cả những khuynh hướng tiến bộ, tích cực trong đời sống.
Ông cũng góp ý nghị định nên có quy định về quỹ phát triển văn học, với những chính sách khuyến khích tư nhân, doanh nghiệp đóng góp, tài trợ phát triển văn học.
Ngoài ra, điều 32 về phổ biến văn học trên không gian mạng, theo ông Thạch, đang trùng với Luật Báo chí, Luật Xuất bản và Luật An ninh mạng.
Trong khi điều cần làm hơn là có thể nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về văn học.
Về chuyện đầu tư cho văn học, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội - góp ý khi xây dựng nghị định này phải kiên trì quan điểm các cơ quan nhà nước chỉ tạo hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi cho văn học phát triển.
Có thể có những đầu tư, tài trợ, tổ chức các sự kiện lớn… nhưng chỉ mang tính định hướng, vốn mồi, tạo điều kiện hướng sự chú ý của xã hội đến hoạt động văn học thôi.
“Quan trọng để văn học phát triển bền vững là hướng toàn xã hội quan tâm đến hoạt động văn học, đặc biệt là sự tham gia của kinh tế tư nhân”, ông Sơn nói.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nghi-dinh-khuyen-khich-phat-trien-van-hoc-lo-ngai-chong-cheo-20250404202005574.htm
Bình luận (0)