Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ngôi mộ đặc biệt trong Nghĩa trang Liệt sĩ Cần Đước

Như bao nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) khác trên cả nước, các ngôi mộ trong NTLS Cần Đước được thiết kế với kích thước khoảng 40cmx80cm. Duy chỉ có một ngôi mộ liệt sĩ là lớn hơn hẳn, bằng với kích thước của một ngôi mộ bình thường, ôm ấp một thi hài liệt sĩ còn nguyên vẹn sau nửa thế kỷ...

Báo Long AnBáo Long An26/07/2025

26_776_mo-ls-pham-thi-tam.jpg

Mộ liệt sĩ Phạm Thị Tám

Ngôi mộ đặc biệt

Một lần, vào dịp 27/7, vào viếng mộ người thân trong NTLS huyện Cần Đước, tôi được người quản trang (ông Cao Thành Lai) đưa đến khu mộ liệt sĩ xã Tân Lân (cũ) quê hương tôi. Trong chiến tranh, xã nghèo Tân Lân có chưa tới 10.000 dân mà có đến gần 500 liệt sĩ! Các cô chú, anh chị đang yên nghỉ trong lòng đất mẹ sau khi đã anh dũng đáp tròn “nợ nước”! Thắp nhang mộ liệt sĩ xong, tôi chuẩn bị ra về.

Người quản trang như chợt nhớ ra điều gì, kéo tay tôi lại nói: “À, tôi quên, còn có một ngôi mộ liệt sĩ nữa người Tân Lân nhưng mộ không nằm trong khu mộ các liệt sĩ xã Tân Lân mà nằm riêng bên ngoài”. Rồi với giọng vừa xúc động, vừa tự hào, người quản trang kể cho tôi nghe chuyện về ngôi mộ liệt sĩ đặc biệt đó.

Ngôi mộ ấy của liệt sĩ Phạm Thị Tám, người ấp Xóm Chùa, xã Tân Lân. Chị Tám hy sinh năm 1966, khi mới 25 tuổi, chưa có gia đình riêng, lúc đang đi giao liên phục vụ liên lạc cho lực lượng cách mạng giữa xã và huyện, bị đối phương phục kích. Người dân xã Tân Lân đã chôn cất người nữ liệt sĩ trong điều kiện khó khăn thời chiến, trên thửa ruộng ngập nước ở quê nhà của chị.

Do Cần Đước là vùng đất ngập nước, bị mặn xâm nhập kéo dài mỗi năm hơn 6 tháng, nên thi hài người quá cố thường bị phân hủy rất nhanh. Ông Nguyễn Văn Đông - nguyên Bí thư Huyện ủy Cần Đước, có người em ruột là liệt sĩ hy sinh năm 1978 trong chiến tranh biên giới Tây Nam. Hơn 10 năm sau, hài cốt khi được khai quật mang vào NTLS, chỉ còn lại mảnh xương sọ và ít tóc.

Còn mãi theo thời gian

Nhưng với trường hợp liệt sĩ Phạm Thị Tám thì lại khác, rất khó giải thích. Bà Chung Thị Gương - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tân Lân, tỉnh Tây Ninh, một cán bộ cách mạng lão thành ở địa phương - nhớ lại: Vào đầu thập niên 1990, Cần Đước bắt tay vào xây dựng NTLS ngay ngã ba Tân Lân (lúc đó thuộc xã Tân Lân), nơi ghi dấu nhiều sự kiện hào hùng của địa phương. Chính quyền địa phương và Nhân dân trong huyện đã quy tập hầu hết mộ liệt sĩ được chôn cất ở các nơi để đem về NTLS mới xây dựng xong.

Mộ nữ liệt sĩ Phạm Thị Tám cũng được khai quật để cải táng đưa vào nghĩa trang ngay đợt đầu tiên. Nhưng thật lạ, khi khai quật mộ, thi hài người nữ liệt sĩ còn gần như nguyên vẹn trong lớp vải dù đã mục nát, mái tóc dài của người nữ liệt sĩ vẫn còn suôn mượt.

Theo kinh nghiệm của những người từng tham gia khai quật mộ, chỉ cần để thi hài ngoài nắng gió vài giờ là phần thịt tan hết do tiếp xúc với không khí, chỉ còn lại xương. Đội cải táng đã làm đúng như vậy và ngồi đợi. Thế nhưng, dù để suốt 1 ngày ngoài không khí, nắng gió, thi hài người nữ liệt sĩ vẫn còn nguyên vẹn, không chút biến dạng.

Không thể cải táng vào nghĩa trang vì phần vỏ mộ trong nghĩa trang huyện được thiết kế nhỏ vừa cho bộ hài cốt (kích thước khoảng 40cm x 80cm), không vừa để chôn cất thi hài còn nguyên vẹn. Những người có trách nhiệm ở huyện Cần Đước đã quyết định chôn tạm thi hài người nữ liệt sĩ ở rìa nghĩa trang, sau này sẽ cải táng đưa vào nghĩa trang hoặc có cách xử lý thích hợp hơn.

Gần 10 năm sau, trong một lần chỉnh trang NTLS huyện, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cần Đước (cũ) quyết định khai quật lại ngôi mộ tạm của liệt sĩ Phạm Thị Tám để cải táng đưa vào nghĩa trang. Và lần này cũng vậy, thi hài người nữ liệt sĩ vẫn nguyên vẹn khi được đưa lên từ dưới mộ. Lãnh đạo huyện Cần Đước đã họp bàn và đưa đến một quyết định ngoại lệ chưa từng có: Chôn cất người nữ liệt sĩ trong nghĩa trang theo cách bình thường với quan tài và xây ngôi mộ theo kích thước thường có của người dân địa phương.

Từ đó, giữa hàng ngàn ngôi mộ liệt sĩ màu trắng, nhỏ nhắn trong nghĩa trang, có 1 ngôi mộ lớn hơn nhiều, được ốp đá màu vàng theo cách truyền thống của người dân nơi đây, đó là mộ của nữ liệt sĩ Phạm Thị Tám.

Về sau, khi các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ở địa phương và các đồng chí nguyên là lãnh đạo huyện qua đời, thi hài cũng được chôn cất trong NTLS huyện, ở khu vực chôn cất liệt sĩ Phạm Thị Tám, cũng làm mộ bình thường giống như mộ người nữ liệt sĩ nhưng ốp đá màu xám.

Vào dịp lễ, tết, nhất là vào Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, Cần Đước tổ chức cho gia đình liệt sĩ và người dân trong huyện đến viếng nghĩa trang, thắp nhang mộ liệt sĩ. Thường thì sau khi viếng và thắp nhang mộ người thân, người dân địa phương hay đến thắp nhang khu vực mộ các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và mộ liệt sĩ Phạm Thị Tám. Tại đây, họ được nghe kể về câu chuyện người nữ liệt sĩ hy sinh anh dũng, thi hài còn nguyên vẹn theo thời gian./.

Nguyễn Phấn Đấu

Nguồn: https://baolongan.vn/ngoi-mo-dac-biet-trong-nghia-trang-liet-si-can-duoc-a199447.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm