
Bà Abigail Bishop - Nhà vật lý thiên văn học ở Trường đại học Wisconsin-Madison, Mỹ, người đã sống và làm việc gần 2 tháng ở Nam Cực - kể rằng: “Khi tôi đứng ở Nam Cực, tôi cảm thấy giống như bất kỳ nơi nào khác trên Trái Đất vì chân tôi vẫn còn trên mặt đất và bầu trời vẫn ở trên đầu.
Tôi không cảm thấy bị lộn ngược, nhưng vẫn có một số điểm khác biệt khiến Nam Cực có cảm giác bị lật ngược so với những gì tôi từng thấy.”
Bà cho biết mình là người yêu thích quan sát Mặt Trăng và bà nhận thấy “cây đa” trên Mặt Trăng bị lộn ngược. Tất cả những hố va chạm trên Mặt Trăng mà bà quan sát thấy khi ở Wisconsin thì khi bà ở Nam Cực lại như ở phía dưới, bởi vì bà nhìn Mặt Trăng từ bán cầu Nam thay vì từ bán cầu Bắc.

“Sau khi nhận thấy sự khác biệt này, tôi nhớ đến một điều tương tự trên bầu trời đêm New Zealand, một quốc gia gần Nam Cực, nơi tôi và những người bạn đồng hành đã mặc những chiếc áo khoác đỏ để giữ ấm ở Nam Cực.
Tôi đã tìm kiếm Orion, một chòm sao mà ở Bắc bán cầu được hình dung như một người thợ săn đang cầm cung và rút tên ra khỏi ống tên. Trên bầu trời đêm New Zealand, Orion trông như thể đang trồng cây chuối", bà Bishop chia sẻ.
“Mọi thứ trên bầu trời đều có cảm giác lộn ngược và trái ngược hẳn với những gì tôi từng thấy. Một người sống ở Nam bán cầu có thể cũng cảm thấy như vậy khi đến thăm Bắc Cực”, bà Bishop kể tiếp.

Một góc nhìn khác thường
Để hiểu điều gì đang xảy ra, và tại sao mọi thứ thực sự khác biệt nhưng lại có cảm giác rất giống nhau, chúng ta hãy hình dung đứng ra khỏi bề mặt Trái Đất một chút, giống như đang trên một con tàu vũ trụ.
Trong các chuyến bay lên Mặt Trăng, các nhà du hành có thể nhìn thấy toàn bộ một mặt của Trái Đất.
Nếu có thị lực siêu phàm, một nhà du hành sẽ thấy những người ở Nam Cực và Bắc Cực đứng lộn ngược nhau. Còn một người ở đường xích đạo sẽ trông như thể họ đang nhô ra khỏi rìa hành tinh.
Thực tế, mặc dù họ có thể đang đứng trên đường xích đạo, người dân ở Colombia và Indonesia cũng sẽ trông như thể họ đang lộn ngược nhau, bởi vì họ đang nhô ra từ hai phía đối diện của Trái Đất.
Tất nhiên, nếu bạn hỏi từng người, ai cũng sẽ nói "chân tôi ở trên mặt đất, còn bầu trời thì ở trên cao".
Bởi vì Trái Đất về cơ bản là một quả cầu khổng lồ, lực hấp dẫn của nó tác động lên mỗi chúng ta đều kéo chúng ta hướng về tâm hành tinh. Hướng mà Trái Đất kéo chúng ta về chính là hướng mà mọi người trên khắp hành tinh gọi là "hướng xuống".
Hãy tưởng tượng bạn đang giữ một quả bóng bằng hai đầu ngón tay trỏ. Nhìn từ góc độ các đầu ngón tay của bạn trên bề mặt quả bóng, cả hai đều hướng "xuống". Nhưng nhìn từ góc độ của một người bạn đứng gần, các ngón tay của bạn lại chỉ theo những hướng khác nhau - mặc dù luôn hướng về tâm quả bóng.

Tuy nhiên, những mối tương quan giữa con người trên bề mặt Trái Đất cũng mang lại chút thú vị.
Bà Bishop kể: “Khi tôi ở Nam Cực, tôi làm động tác trồng cây chuối và người tôi hướng về phía bạn bè ở Wisconsin cùng hướng với họ, nhưng nếu nhìn bức ảnh theo hướng ngược lại, trông tôi như đang nâng đỡ cả hành tinh, hệt như Siêu nhân vậy".
Nguồn: https://dantri.com.vn/khoa-hoc/nguoi-o-nam-cuc-co-dung-lon-nguoc-so-voi-noi-khac-tren-trai-dat-khong-20250717004757491.htm
Bình luận (0)