Người tiêu dùng cần trách nhiệm và chung tay để đẩy lùi vấn nạn hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng
Chị Nguyễn Thị Nhung (phường Long Xuyên) có thói quen trước khi mua mỹ phẩm sẽ tìm hiểu thông qua nhận xét, đánh giá từ bác sĩ, chuyên gia. Gần đây, chị định mua kem dưỡng da của 1 nhãn hàng nổi tiếng, nhưng còn đắn đo về giá cả (hơn 1 triệu đồng). Tìm kiếm trên sàn Shopee, chị bất ngờ vì có hàng trăm shop đang bán sản phẩm trên, mức giá chêch lệch khá lớn, có nơi chỉ bằng 1/5 giá chính hãng. Đáng nói, những nơi giá rẻ đã bán được hàng ngàn đơn, vài trăm phản hồi đánh giá “5 sao” của khách hàng.
Hiện nay, nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng mạnh, rất dễ dàng để tìm mua một sản phẩm bất kỳ trên các sàn thương mại điện tử và nền tảng mạng xã hội. Những người tự tin có vốn kiến thức cơ bản về mua sắm tiêu dùng như chị Nhung đôi lúc cũng hoài nghi chính mình: “Các trang bán hàng sử dụng cả video, clip của bác sĩ, chuyên gia về da liễu đăng kèm trong bài sản phẩm, kể cả Shop Mall (được Shopee chứng nhận là shop chính hãng, uy tín và chất lượng) cũng chưa chắc đã mua được đúng hàng chất lượng”.
Gần đây, liên tục các vụ việc về hàng nhái, hàng giả bị phát hiện, đăng tải trên báo đài, người tiêu dùng đã cảnh giác hơn sau mỗi thao tác đặt hàng trực tuyến. Không ít người đã bị sốc khi hay tin “thần tượng” hoặc người họ hâm mộ lâu nay trên Tiktok lại “tổng kho” sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng. Thực trạng này cho thấy một bộ phận người tiêu dùng đặt niềm tin vào người bán hơn là quan tâm đến sản phẩm, các thông tin, giấy phép, công bố chất lượng… Số khác có thể nghi hoặc vì giá bán của sản phẩm rẻ, song vẫn tự an ủi rằng rẻ một chút, chất lượng thấp một chút cũng không sao, xui xẻo ở đâu chứ chắc không đến lượt mình!
Chị Đ.M.D. (xã Vĩnh Xương) là một đơn cử. Cả xóm của chị đều hâm mộ và là “khách ruột” mua mỹ phẩm của Tiktoker tên Quỳnh Như. “Cô đó có mấy clip vui, siêng đi làm từ thiện lắm, mình đâu ngờ sẽ bán hàng dỏm lừa gạt mọi người. Sau chuyện này tôi nghiệm ra, trên mạng có nhiều sản phẩm giá chỉ vài chục ngàn đồng đến tiền triệu, người bán dựa vào sự nổi tiếng, đánh bóng tên tuổi bằng câu chuyện về cuộc sống, nói đạo lý, giúp người nghèo… Để tự bảo vệ mình thì phải xem thời sự, nắm bắt thông tin nhiều hơn, tỉnh táo hơn” - chị M.D. chia sẻ.
Trước đây, người tiêu dùng có thể dễ dãi chấp nhận quần áo, giày dép, nước hoa nhái theo những thương hiệu nổi tiếng, bởi có “cầu” thì có “cung”. Nhưng hiện nay, câu chuyện tiêu dùng đã ở một cục diện khác, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng nhan nhản và mở rộng ra thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, phụ kiện. Các món đồ sử dụng bên ngoài ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống đã đành, còn những thứ đưa vào cơ thể, đánh đổi sức khỏe, thậm chí cả tính mạng… là điều không thể xem nhẹ được nữa. Kể cả quan niệm “tiền nào của nấy” vẫn chưa chắc đã đổi được đúng chất lượng mà người tiêu dùng đang mong đợi.
Niềm tin của người tiêu dùng càng thêm lung lay khi ngay cả những nơi uy tín như nhà thuốc, cửa hàng lớn, siêu thị… cũng xuất hiện hàng kém chất lượng chen chân vào. Theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, lực lượng chức năng quyết tâm đấu tranh với hàng gian, hàng giả theo phương châm “xử lý 1 vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực” và “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Nhiệm vụ này không chỉ đẩy mạnh trong tháng cao điểm (từ ngày 15/5 - 15/6) vừa qua, mà sẽ thực hiện xuyên suốt cả năm, mang tính lâu dài.
Thời gian qua, người dân rất quan tâm theo dõi vấn đề này. Sữa cho trẻ em, cồn y tế, thuốc chữa bệnh, bánh kẹo, nước mắm, bột ngọt… cho đến các loại mỹ phẩm, phân bón, gạo, giống cây trồng, hàng tiêu dùng… Tất cả đều gắn liền với đời sống thường nhật, số lượng tiêu thụ cao, nếu không kiểm soát thì người thiệt hại nặng nhất chính là người tiêu dùng. “Tôi rất ủng hộ Nhà nước trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái. Đồng thời, rất cần ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý những trường hợp vi phạm; pháp luật đủ sức răn đe nhằm đẩy lùi hành vi tiếp tay cho hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng đưa ra thị trường” - ông Nguyễn Văn Huân, cán bộ hưu trí ở phường Châu Đốc bày tỏ.
Đáng lưu ý, hiện nay có một số “chuyên gia” trên mạng nắm bắt tâm lý hoang mang của người dân, chia sẻ các bài viết phân biệt hàng thật - hàng giả, chỉ dẫn biện pháp sống lành, sống xanh (chưa được chứng minh) để tránh lệ thuộc sử dùng hàng hóa công nghiệp. Một số cá nhân giới thiệu bán thuốc gia truyền, thảo dược, trị bách bệnh… nhằm câu view, lợi dụng sự hoang mang của người tiêu dùng để tiếp tục bán hàng dưới hình thức gian lận khác. Do đó, người dân cần tỉnh táo, chủ động trước các thủ đoạn tinh vi, tránh bị trở thành nạn nhân tiếp tục bị dẫn dắt từ lừa đảo này sang hình thức lừa đảo khác.
HOÀI ANH
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/nguoi-tieu-dung-va-chuyen-hang-gia-hang-nhai-a423540.html
Bình luận (0)