Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thế và lực mới cho phát triển kinh tế cửa khẩu

Từ nền tảng hiện có, cùng sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương, sự đồng hành của doanh nghiệp và người dân, các khu kinh tế cửa khẩu (KTCK) của An Giang đang đứng trước cơ hội lớn để “cất cánh”, đóng vai trò trung tâm giao thương chiến lược ở vùng Tây Nam Bộ.

Báo An GiangBáo An Giang01/07/2025

Cán bộ Trạm kiểm soát Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên kiểm tra người và phương tiện qua lại cửa khẩu. Ảnh: Tiến Vinh

Đầu mối giao thương chiến lược

Những ngày này, tại Khu KTCK Hà Tiên, không khí giao thương diễn ra sôi động từ sáng sớm đến chiều muộn. Nhiều dòng xe tải lớn qua lại trên các tuyến đường dẫn vào cửa khẩu. Những lô hàng được kiểm tra nhanh chóng, đóng gói, niêm phong, rồi chở về các kho trung chuyển.

Khu KTCK Hà Tiên rộng 1.600ha, được tổ chức thành các khu chức năng: Khu phi thuế quan, khu công nghiệp, du lịch đến khu dân cư, đô thị hiện đại. Bí thư Đảng ủy phường Hà Tiên Nguyễn Lưu Trung cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch chung Hà Tiên và Khu KTCK Hà Tiên đến năm 2040 tại Quyết định 189/QĐ-TTg, ngày 22/2/2024. “Đây sẽ là động lực, nền tảng quan trọng giúp Hà Tiên trở thành điểm đến lý tưởng cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp hoạt động xuất - nhập khẩu, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ ở khu vực miền Tây Nam Bộ lựa chọn xuất - nhập khẩu hàng hóa qua Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên”.

Theo ông Nguyễn Lưu Trung, Khu KTCK Hà Tiên được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp xuất - nhập khẩu. Từ đó, doanh nghiệp có thể tiếp cận thị trường Campuchia và các nước lân cận dễ dàng. Cơ quan quản lý tại cửa khẩu tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp làm thủ tục xuất - nhập khẩu, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí. “Có thể nói, Hà Tiên đang từng bước trở thành trung tâm kinh tế biên mậu quan trọng của khu vực Tây Nam Bộ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tỉnh và hội nhập khu vực” - ông Nguyễn Lưu Trung nói.

Với vị trí địa lý giáp biển, gần các nước Đông Nam Á, An Giang thuận lợi trong giao thương quốc tế. An Giang cũng được xem là trung tâm kinh tế thương mại kết nối giữa 3 thành phố lớn: TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ và TP. Phnom Penh (Vương quốc Campuchia). Ngoài Khu KTCK Hà Tiên, tỉnh còn có nhiều cửa khẩu, như: Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, Cửa khẩu Khánh Bình. Theo Quyết định 456/QĐ-TTg, ngày 22/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Khu KTCK tỉnh An Giang được xác định với tính chất là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, bao gồm: Công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch - đô thị và nông - lâm - ngư nghiệp gắn với các cửa khẩu quốc tế; là đầu mối giao thông quan trọng, trung tâm giao lưu phát triển kinh tế giữa các nước tiểu vùng sông Mekong, đặc biệt trong quan hệ với Campuchia... Những năm qua, khu vực Cửa khẩu Khánh Bình thu hút 7 dự án đầu tư, Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương 1 dự án, Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên 10 dự án. Các dự án đưa vào hoạt động đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động.

Động lực phát triển vùng biên

Thời gian qua, An Giang linh hoạt áp dụng các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế biên giới như đầu tư hạ tầng giao thông, thương mại, mở rộng không gian đô thị, tạo thuận lợi cho xuất - nhập khẩu qua cửa khẩu. Hàng loạt giải pháp được triển khai đồng bộ, gồm: Nâng cấp hạ tầng giao thông, thương mại; mở rộng không gian đô thị; thúc đẩy kết nối giao thương với Campuchia, từng bước hình thành các Khu KTCK năng động, hiện đại. Cùng với việc phát triển nhiều ngành kinh tế chủ lực phù hợp với tiềm năng vùng biên, các Khu KTCK của tỉnh đang dần vươn mình trở thành điểm sáng về hợp tác kinh tế xuyên biên giới, góp phần nâng cao đời sống người dân, khẳng định vai trò trung tâm kinh tế - thương mại quan trọng ở khu vực Tây Nam của Tổ quốc.

Với nhiều lợi thế vượt trội, thời gian tới, An Giang sẽ phát huy sức mạnh tổng hợp, tối ưu tiềm năng của hệ thống Khu KTCK. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng cho biết: “Tỉnh sẽ kết nối biên giới qua hệ thống 9 cửa khẩu, trong đó có 3 cửa khẩu quốc tế (Cửa khẩu Khánh Bình đang chuẩn bị nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế), giúp đẩy mạnh kinh tế cửa khẩu, giao thương với Campuchia và tiểu vùng Mekong. Đồng thời, tăng cường kết nối, liên kết vùng thông qua tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (hoàn thành năm 2026), tuyến N1 và sắp tới là tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu để tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng logistics, thương mại biên giới, thúc đẩy giao lưu kinh tế, văn hóa và hợp tác quốc tế với Campuchia”.

Khu KTCK không chỉ là “đầu tàu” kinh tế vùng biên, mà còn đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo quốc phòng - an ninh. Việc phát triển các Khu KTCK hiện đại, gắn kết với giao lưu văn hóa và hợp tác quốc tế sẽ giúp An Giang trở thành điểm sáng về hợp tác xuyên biên giới, góp phần nâng cao đời sống cư dân, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa vùng biên và nội địa.

GIA KHÁNH - DANH THÀNH

Nguồn: https://baoangiang.com.vn/the-va-luc-moi-cho-phat-trien-kinh-te-cua-khau-a423539.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội
Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước cử chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an sáng nay
Bầu trời sông Hàn 'tuyệt đối điện ảnh'
Hoa hậu Việt Nam 2024 gọi tên Hà Trúc Linh, cô gái Phú Yên

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm