Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

"Người tình" và cuộc hôn nhân của chàng trai Sa Đéc với cô gái Gò Công

Sau biết bao nhiêu dâu bể cuộc đời, chàng có dịp đến Paris (Pháp) cùng vợ. Chàng gọi điện cho nàng ngỏ ý chỉ để nghe giọng nàng nói. “Rồi chàng nói với nàng rằng cũng giống như trước kia, chàng vẫn yêu thương nàng, chàng không thể ngừng yêu thương nàng cho được, không bao giờ chàng có thể ngừng yêu thương nàng, chàng yêu thương nàng cho đến chết” (trích tiểu thuyết "Người tình").

Báo Tiền GiangBáo Tiền Giang16/04/2025

Vợ chồng chàng trai Sa Đéc -  Huỳnh Thủy Lê và người con gái  Gò Công - Nguyễn Thị Mỹ.
Vợ chồng chàng trai Sa Đéc - Huỳnh Thủy Lê và người con gái Gò Công - Nguyễn Thị Mỹ.

Nhân vật chàng được nhắc đến trong tiểu thuyết "Người tình" của Nhà văn Pháp Marguerite Duras đó là ông Huỳnh Thủy Lê (sinh năm 1906 - 1971), 1 trong 4 người con của ông Huỳnh Cẩm Thuận, giàu có nổi tiếng ở Chợ Lớn và Sa Ðéc, làm nghề xây nhà, rồi cho người bản xứ thuê. 

Ông Lê được cha cho sang Pháp học ngành thương mại để phục vụ công việc kinh doanh của gia đình. Ông còn được chia khoảng 120 căn nhà phố cho thuê nằm cặp sông Tiền và một số đất đai ở Sa Ðéc. Bản tính ông vốn là người nhân hậu, theo Nho giáo, yêu thương người nghèo và hay góp tiền xây chùa, xây miễu. Ngày trước, ở Sa Ðéc có một bệnh viện cạnh bờ sông được ông xây tặng một dãy phòng để điều trị cho bệnh nhân lao. 

Lịch sử kể rằng, năm 1929, trên chuyến phà Mỹ Thuận, ông Lê tình cờ gặp gỡ rồi quen với cô gái Pháp Marguerite Duras khi cô chưa tròn 16 tuổi. Họ đã có một mối tình thật đẹp trong khoảng một năm rưỡi.

Tuy nhiên, chuyện tình của chàng trai người Việt gốc Hoa vấp phải sự phản đối kịch liệt của gia đình ông vì sự khác biệt văn hóa Đông - Tây và không môn đăng hộ đối giữa hai gia đình, cha ông đã không thuận tình cho hai người đến với nhau. Mối tình chỉ kéo dài 18 tháng và ngày Marguerite Duras lên tàu về Pháp cũng là ngày ông chuẩn bị cưới người vợ môn đăng hộ đối ở xứ Gò Công. 

Người con gái xứ Gò Công xinh đẹp ấy là bà Nguyễn Thị Mỹ, con của bà Nguyễn Thị Marie và Dược sĩ Nguyễn Văn Tri thuộc gia đình ông Cả Trượng ở Cầu Tàu (TP. Gò Công ngày nay). Về nguồn gốc xuất thân, bà Nguyễn Thị Mỹ là cháu cố của bà Dương Thị Hương (hiện được chôn cất trong khuôn viên chùa Long Thuyền - xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông trong ngôi mộ bát lăng đẹp nhất xứ Nam bộ) và là cháu sơ của bà Trần Thị Sanh, vợ của Anh hùng dân tộc Trương Định.

Theo lời kể của những người thân trong gia đình, đám cưới giữa ông Huỳnh Thủy Lê và bà Nguyễn Thị Mỹ kéo dài 3 ngày đêm, đây là ngày hội của gia đình ông chủ giàu có Huỳnh Cẩm Thuận, Sa Đéc - Đồng Tháp kết thông gia với gia đình quyền quý Nguyễn Văn Tri, Gò Công - Tiền Giang. 

Tuy nhiên, có một sự trùng hợp là đám cưới này phải rước dâu qua chuyến phà Vĩnh Long - Sa Ðéc. Trên chuyến phà đó, tình cờ cô dâu Nguyễn Thị Mỹ cũng bước xuống xe, cũng đến ngay chỗ mà Marguerite Duras từng đứng trong chuyến phà về Sài Gòn cuối năm 1929 để ngắm dòng sông Mê Kông mênh mông sóng nước. Trái tim ông đau thắt khi hình ảnh người tình cũ lại hiện về.

Thời gian và mọi thứ dần trôi, ông Huỳnh Thủy Lê phải lo làm tròn chức phận của người chồng, lo quán xuyến sản nghiệp của cha giao lại và chăm lo vun vén tổ ấm gia đình. Sau khi cưới, vợ chồng ông Lê sinh sống tại căn nhà cổ được xây dựng từ năm 1895 và đến nay ngôi nhà này được công nhận là Di tích Kiến trúc cấp quốc gia nằm trên đường Nguyễn Huệ, phường 2, TP. Sa Ðéc, tỉnh Đồng Tháp. Cuộc sống hôn nhân của chàng trai Sa Đéc và người con gái Gò Công vô cùng hạnh phúc, có với nhau 5 người con.

Con gái đầu lòng là Huỳnh Thị Thủy Tiên, từng làm lãnh đạo ở Bệnh viện Nhi California - Mỹ; người con gái thứ hai Huỳnh Thị Thủy Hà, từng làm giáo sư Ðại học Sorbonne - Pháp và con gái thứ ba tên Huỳnh Thị Thủy Anh. Hai người con trai út là Huỳnh Thủy Tuấn và Huỳnh Thủy Tòng là kỹ sư và sinh sống ở Mỹ. Sau khi ông Lê mất, các con và vợ của ông đều định cư ở nước ngoài. Năm 2004, bà Nguyễn Thị Mỹ, người con gái Gò Công năm xưa xinh đẹp ấy đã mất trên đất Mỹ.

Hồi tưởng lại câu chuyện tình dang dở, nữ văn sĩ Marguerite Duras đã viết nên thiên tình sử nổi tiếng, kể lại câu chuyện tình mình hơn nửa thế kỷ tưởng đã ngủ yên trong lòng. Năm 1984, tiểu thuyết Người tình được xuất bản, gây tiếng vang lớn, được dịch ra 43 thứ tiếng trên thế giới và đoạt Giải thưởng Goncourt (Giải thưởng Văn học danh giá nhất của Pháp). Năm 1986, cuốn tiểu thuyết được dựng thành phim cùng tên và được công chiếu tại Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1991. 

Có thể nói rằng, nửa trái tim ông Huỳnh Thủy Lê tan nát khi yêu người con gái Pháp Marguerite Duras nhưng nửa trái tim còn lại của ông vô cùng hạnh phúc khi sống cùng bà Nguyễn Thị Mỹ, người con gái xứ Gò Công. Chuyện tình đẹp giữa hai con người của hai vùng đất hiền hòa, trù phú Đồng Tháp - Tiền Giang đến nay còn lưu danh.

LÊ HỒNG QUÂN

Nguồn: https://baoapbac.vn/van-hoa-nghe-thuat/202504/nguoi-tinh-va-cuoc-hon-nhan-cua-chang-trai-sa-dec-voi-co-gai-go-cong-1039881/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trào lưu 'em bé yêu nước' lan tỏa khắp mạng xã hội trước thềm đại lễ 30/4
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4
Ký ức của người lính biệt động trong chiến thắng lịch sử
Khoảnh khắc nữ phi hành gia gốc Việt nói "Xin chào Việt Nam" ngoài Trái đất

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm