Giá căn hộ chung cư liên tục tăng cao đang trở thành rào cản lớn, khiến nhiều người trẻ sinh sống và làm việc tại TP HCM gặp khó khăn khi hiện thực hóa giấc mơ "an cư lạc nghiệp". Anh Võ Phương Phi (35 tuổi, quận Tân Bình, TP HCM) dù đã đi làm hơn 10 năm và tích lũy được một khoản tiền đáng kể nhưng vẫn chưa thể mua nhà.
Căn hộ khan hiếm, giá tăng cao
Khi tìm căn hộ, anh đặt ra các tiêu chí như thuận lợi để đi làm, chất lượng công trình và chính sách hỗ trợ vay mua nhà. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá nhà tăng nhanh hơn thu nhập, những người trẻ như anh Phi dù nỗ lực tìm kiếm vẫn khó có được một căn hộ ưng ý. Đôi lúc, anh thậm chí nghĩ đến việc từ bỏ ý định mua nhà ở thành phố để về quê khởi nghiệp bằng số tiền tích cóp. "Hiện tại, tôi không còn quá áp lực với chuyện phải mua nhà. Quan niệm "an cư rồi mới lạc nghiệp" không còn quá cứng nhắc như trước. Một số địa phương vùng ven đang phát triển tốt, và tôi cũng đang cân nhắc về quê trong vài năm tới để sinh sống, tránh cảnh bon chen chạy theo giá nhà" - anh Phi chia sẻ.
Tương tự, anh Cao Hồng Phúc (quận 11, TP HCM) dù đã có một khoản tiền tiết kiệm và thu nhập hằng tháng đủ để vay ngân hàng mua căn hộ trả góp nhưng sau hơn một năm tìm kiếm, anh vẫn chưa sở hữu cho mình một chốn an cư. Lý do chính, theo anh Phúc, là giá chung cư đã tăng quá nhanh trong thời gian qua. "Tôi đã tìm hiểu rất nhiều dự án nhưng giá thị trường tăng mạnh trong khi thu nhập không tăng. Có căn hộ ban đầu tôi thấy giá khoảng 2,3 tỉ đồng, chỉ sau một thời gian ngắn đã vượt ngoài tầm chi trả. Đến nay, tôi vẫn chưa tìm được căn hộ phù hợp với khả năng tài chính. Hy vọng sẽ có những chính sách hỗ trợ về lãi suất để người trẻ có cơ hội sở hữu nhà riêng" - anh Phúc chia sẻ.
Báo cáo tổng quan về thị trường bất động sản (BĐS) quý I/2025 ở TP HCM và các vùng phụ cận của DKRA Group cho thấy thị trường vẫn khan hiếm căn hộ vừa túi tiền, khi căn hộ hạng C giá tầm dưới 35 triệu đồng/m2 chỉ chiếm khoản 3,8% tổng nguồn cung; phân khúc căn hộ hạng B cũng chiếm 11,3%. Trong khi phân khúc căn hộ hạng A, với hơn 5.000 căn chiếm gần 76%. Đặc biệt, thị trường xuất hiện căn hộ có giá bán lên tới 500 triệu đồng/m2 ở khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Dự án Căn hộ Phú Đông Sky Garden của Phú Đông Group giáp ranh giữa Bình Dương và TP HCM, có mức giá phù hợp với nhiều người. Ảnh: PHẠM ĐÌNH
Theo DKRA Group, mặt bằng giá bán sơ cấp cũng tăng 2%-5% so với quý trước, cục bộ một số dự án tại Bình Dương và Long An ghi nhận mức tăng 5% - 11%.
Thực tế, trong bối cảnh thị trường ngày càng khan hiếm quỹ đất và giá BĐS không ngừng leo thang, việc sở hữu một căn nhà trở thành thách thức lớn đối với nhiều người lao động có thu nhập thấp. Dù chương trình phát triển nhà ở xã hội đã được triển khai trong nhiều năm nhưng kết quả vẫn chưa đạt kỳ vọng.
Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội vào năm 2030. Tuy nhiên, đến nay, con số này mới chỉ đạt hơn 66.755 căn, tức chưa đến 7% kế hoạch. Sự chậm trễ này khiến hàng triệu người lao động vẫn phải loay hoay với cảnh thuê trọ chật chội, thiếu tiện nghi.
Sớm lập Quỹ Nhà ở quốc gia
Đứng trước thực trạng này, tại buổi làm việc với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu nghiên cứu thành lập "Quỹ nhà ở quốc gia" để phát triển nhà giá rẻ tại các đô thị lớn. Đây cũng là giải pháp để thúc đẩy đô thị trở thành động lực tăng trưởng quốc gia, mang đến kỳ vọng lớn về việc giải quyết tình trạng khan hiếm nguồn cung nhà giá rẻ tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM.
Để hiện thực hóa chỉ đạo này, Tổng Bí thư yêu cầu tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phấn đấu giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí kinh doanh, chi phí tuân thủ pháp luật và chi phí không chính thức. Đồng thời, cần bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết.
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội, cho rằng để phát huy hiệu quả của Quỹ Nhà ở quốc gia, cần xác định mục tiêu rõ ràng, đa dạng hóa nguồn vốn và tăng cường quản lý minh bạch. Đồng thời, quỹ cần tập trung hỗ trợ tài chính cho người dân có nhu cầu mua hoặc thuê nhà với mức giá phù hợp. Trên thực tế, nhiều người lao động có thu nhập trung bình thấp không đáp ứng đủ điều kiện để mua nhà ở xã hội nhưng cũng không đủ khả năng tài chính để sở hữu nhà ở thương mại, đặc biệt tại các đô thị lớn.
Ngoài ra, để Quỹ Nhà ở quốc gia vận hành hiệu quả, cần có cơ chế quản lý chặt chẽ và minh bạch nhằm tránh thất thoát, tham nhũng và bảo đảm sử dụng đúng mục đích. Một số giải pháp có thể áp dụng bao gồm: ban hành quy định cụ thể về cách thức huy động, quản lý và phân bổ quỹ; quy định tiêu chuẩn nhà ở nhằm tránh tình trạng xây dựng kém chất lượng; đặt ra các điều kiện ràng buộc để ngăn chặn đầu cơ, sử dụng sai mục đích…
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA), tin rằng các quyết sách của Bộ Chính trị sẽ tạo đột phá về cơ chế, chính sách, giúp các địa phương thuận lợi hơn trong việc tạo lập quỹ đất, lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội. Điều này cũng giúp DN rút ngắn thời gian làm thủ tục hành chính trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và triển khai dự án nhà ở xã hội.
Theo ông Châu, việc Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội giao cho Chính phủ quy định chi tiết về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Phát triển nhà ở quốc gia là một chủ trương rất phù hợp. Hiện nay, cả nước đã có hai quỹ phát triển nhà ở cấp tỉnh, gồm Quỹ Phát triển Nhà ở TP Hà Nội (thành lập năm 1999) và Quỹ Phát triển nhà ở TP HCM (thành lập năm 2004), với vốn điều lệ ban đầu của mỗi quỹ là 1.000 tỉ đồng. Trong đó, Quỹ Phát triển nhà ở TP HCM hoạt động khá đa dạng và đã đạt được một số thành quả đáng tham khảo để góp phần xây dựng cơ chế quản lý, vận hành cho Quỹ Phát triển nhà ở quốc gia.
Ông NGÔ QUANG PHÚC - Tổng Giám đốc Phú Đông Group:
Cần cơ chế đặc biệt
Phú Đông Group nhiều năm nay kiên định phát triển phân khúc nhà ở vừa túi tiền, tập trung vào người trẻ mua nhà lần đầu. Chúng tôi đã triển khai hơn 3.000 căn hộ tại Bình Dương, giáp ranh TP HCM, trong đó gần đây nhất là dự án Phú Đông Sky Garden vừa được bàn giao với mức giá chỉ từ 1-3 tỉ đồng/căn.
Để làm được điều đó là cả một hành trình rất gian nan. Thách thức đầu tiên là quỹ đất. Nếu chọn khu vực xa trung tâm để có giá rẻ, thì hạ tầng giao thông lại chưa thuận tiện. Ngược lại, nếu chọn nơi có kết nối tốt, giá đất lại cao, không còn phù hợp với phân khúc nhà ở cho người trẻ.
Khó khăn tiếp theo đến từ thủ tục pháp lý. Thời gian để hoàn tất pháp lý một dự án thường kéo dài từ 2-3 năm, trong thời gian đó DN phải gánh khoản chi phí tài chính rất lớn. Ví dụ với lãi suất vay trung bình 12%/năm, sau 3 năm, chi phí vốn có thể đội thêm 36%. Nếu đầu tư 200 tỉ đồng, tổng chi phí có thể bị đẩy lên hơn 270 tỉ đồng - chưa kể chi phí nhân sự vận hành.
Ngoài ra, lãi vay hiện nay cũng cao, vượt quá khả năng chịu đựng của nhiều chủ đầu tư muốn theo đuổi phân khúc này. Tôi cho rằng Nhà nước cần có cơ chế đặc biệt để hỗ trợ các DN rút ngắn thời gian pháp lý, ưu đãi lãi suất vay, đến hỗ trợ tiếp cận quỹ đất. Có như vậy, thị trường nhà ở vừa túi tiền cho người trẻ mới có thể phát triển bền vững.
Ông NGUYỄN QUỐC CƯỜNG - Chủ tịch HĐQT C-Holdings:
Mua nhà hoàn toàn bằng lương
Ngay từ khi thành lập, C-Holdings đã xác định rõ mục tiêu: tạo ra những tổ ấm chất lượng cao với mức giá hợp lý cho người trẻ - những người đang nỗ lực mỗi ngày nhưng thu nhập không theo kịp tốc độ tăng giá nhà tại các thành phố lớn như TP HCM. Chúng tôi gọi đó là chiến lược "luxury but affordable" - nhà sang nhưng giá phải vừa túi tiền.
Mới đây, chúng tôi đã giới thiệu Quỹ Trợ giá Fit Fund, hỗ trợ người trẻ vay mua nhà với lãi suất 5,5%/năm cố định trong 5 năm - một con số gần như chưa từng có trên thị trường. Đồng thời, chúng tôi đang phát triển chương trình Fit Gen, giúp người trẻ mua nhà hoàn toàn bằng lương, chỉ cần trích khoảng 50% thu nhập hằng tháng mà không cần vay vốn ngân hàng. Chúng tôi tin rằng với những giải pháp thiết thực và sát với thực tế thu nhập, C-Holdings có thể giúp hàng ngàn người trẻ chạm tay vào giấc mơ an cư.
Tọa đàm "Bất động sản 2025: Nhà ở cho người trẻ"
Trong bối cảnh giá nhà ngày càng tăng, thu nhập người trẻ chưa theo kịp, giấc mơ sở hữu một căn nhà tại các đô thị lớn, trong đó có TP HCM, trở nên xa vời với nhiều người, Báo Người Lao Động phối hợp với Hiệp hội BĐS Việt Nam sẽ tổ chức tọa đàm chủ đề "BĐS: Nhà ở cho người trẻ" vào lúc 8 giờ 30 phút ngày 3-4 tại TP HCM.
Tọa đàm là cơ hội để các cơ quan quản lý, chuyên gia, DN và những người trẻ cùng trao đổi, đề xuất giải pháp nhằm thu hẹp khoảng cách giữa "giấc mơ có nhà" và thực tế thị trường.
Nguồn: https://nld.com.vn/nguoi-tre-loay-hoay-tinh-chuyen-an-cu-196250402211029644.htm
Bình luận (0)