Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nguồn tuyển ngày càng ít, tìm giải pháp cho trường nghề

Nhiều năm nay, nguồn tuyển sinh chính của trường nghề, đặc biệt trường trung cấp, CĐ ngoài công lập là học sinh tốt nghiệp THCS. Tuy nhiên, nguồn này đang giảm dần do nhiều yếu tố. Trước khó khăn này, trường nghề cần nhiều giải pháp.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên21/05/2025

HÀNG TRĂM TRƯỜNG CÙNG NHẮM ĐẾN 19.000 HS

Theo số liệu từ Sở GD-ĐT TP.HCM, năm nay TP.HCM dự kiến có 88.772 học sinh (HS) tốt nghiệp lớp 9 sẽ dự thi lớp 10, giảm gần 29.000 HS so với năm học trước. Dựa vào điều kiện cơ sở vật chất các trường THPT và trước nhu cầu học lớp 10 công lập, năm nay chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 công lập là khoảng 70.000 HS, chiếm khoảng 78,8%.

Giải pháp tăng cường nguồn tuyển sinh cho trường nghề tại TP . HCM - Ảnh 1.

Các trường cao đẳng, trung cấp tìm nhiều giải pháp để tăng nguồn tuyển

ẢNH: MỸ QUYÊN

Trong khi đó, năm học 2023 - 2024 có 114.601 HS tốt nghiệp lớp 9 thì chỉ tiêu lớp 10 công lập là 76.735, chiếm 67%.

Như vậy, nếu năm 2024 còn đến 37.866 HS không vào lớp 10 công lập đi theo các hướng vào trường THPT ngoài công lập, trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, thì năm nay chỉ còn gần 19.000 HS.

TP.HCM hiện có gần 100 trường THPT ngoài công lập, chưa kể hàng trăm trung tâm giáo dục thường xuyên và trường CĐ, trung cấp cũng đang tuyển sinh đối tượng tốt nghiệp THCS.

Ông Nguyễn Đức Phương, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng, cho biết trong vài năm trở lại đây, chỉ tiêu vào lớp 10 công lập tại tỉnh xấp xỉ 80% trên tổng số hơn 22.000 HS. Bên cạnh đó, có 6,6% HS vào các trường dân tộc nội trú, trường chuyên và THPT ngoài công lập.

Nguồn tuyển dành cho các trường nghề trên địa bàn còn chỉ hơn 13%, khoảng gần 2.900 HS. Trong khi toàn tỉnh có 4 trường CĐ và 2 trường trung cấp, chưa kể hàng chục trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nhận định HS và phụ huynh vẫn có tâm lý muốn học lớp 10 để học tiếp lên ĐH nên số HS chủ động xác định học nghề ngay sau THCS không nhiều. Chỉ tiêu vào lớp 10 công lập của tỉnh năm 2024 là 13.671 HS, chiếm 70%, năm nay tỷ lệ này cũng tương đương.

TÌM CÁCH TĂNG NGUỒN TUYỂN TỪ CÁC ĐỐI TƯỢNG KHÁC

Thạc sĩ Trần Phương, Hiệu trưởng Trường trung cấp Việt Giao, cho hay: "HS tốt nghiệp THCS học trung cấp chính quy tại trường chiếm 80%. Năm nay TP.HCM giảm tới gần 29.000 HS lớp 9 và tăng chỉ tiêu vào lớp 10 công lập, chắc chắn sẽ tạo ra áp lực cho các trường trung cấp và CĐ có tuyển sinh đối tượng này".

Theo thạc sĩ Trần Phương, để góp phần cải thiện thực tế khó khăn này, trường chú trọng truyền thông về các ngành nghề theo xu hướng thị trường đang có nhu cầu ở bậc trung cấp. "Đặc biệt, thông tin cho phụ huynh và HS lợi ích khi tốt nghiệp THCS đi học trung cấp, đó là được nhà nước hỗ trợ hơn 40 triệu đồng/khóa theo Nghị định 81 của Chính phủ, được tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT, được giảm 20% khối lượng kiến thức khi học ĐH chính quy (tương đương 1 năm học)", ông Phương chia sẻ.

Bên cạnh đó, để mở rộng nguồn tuyển, trường còn hướng tới đối tượng người đã đi làm muốn học thêm nghề để chuyển đổi công việc hoặc nâng cao kỹ năng làm việc. "Trường sẽ thiết kế chương trình học linh hoạt, phù hợp với thời gian làm việc của học viên, như học vào buổi tối hoặc cuối tuần. Tạo các khóa học trực tuyến, học lý thuyết cho những người bận rộn...", ông Phương thông tin.

"Trước tình hình khó khăn trên, các trường nghề cần phải tăng cường các công tác truyền thông mạnh để phụ huynh và người học hiểu rõ lợi thế và các giá trị sau khi tốt nghiệp THCS tham gia học nghề như rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí, sớm tham gia thị trường lao động. Song song đó các trường nghề cần phải có sự chuyển biến mạnh toàn diện về chất lượng đào tạo và tăng cường đáp ứng các giá trị cần đạt tới mà người học và phụ huynh mong muốn có được", thạc sĩ Phan Thị Lệ Thu, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông, nhận định.

Ngoài ra, theo thạc sĩ Thu, thời gian qua trường đã đẩy mạnh kết hợp đào tạo văn hóa THPT để đảm bảo HS học nghề được tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT theo mong muốn của phụ huynh. Trường còn kết nối giáo viên dạy nghề và dạy văn hóa theo Chương trình GDPT 2018 ở các mô-đun ứng dụng kiến thức văn hóa vào nghề và ứng dụng kiến thức nghề vào việc học văn hóa để tạo thêm sự thích thú, giảm áp lực. Trường cũng kết nối với các trường ĐH để HS có cơ hội học liên thông, tăng cường các chương trình đào tạo nghề cho người đã đi làm, bộ đội xuất ngũ để thêm nguồn tuyển.

Trường trung cấp Bách khoa TP.HCM cũng phát triển các khóa học nghề dành cho công nhân, người tốt nghiệp ĐH chưa có việc làm, người thất nghiệp, người đang đi làm muốn chuyển đổi nghề nghiệp...

Giải pháp tăng cường nguồn tuyển sinh cho trường nghề tại TP . HCM - Ảnh 2.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập sẽ được sắp xếp, tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu quả, mở, linh hoạt, tạo cơ hội cho mọi người dân tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ giáo dục nghề nghiệp theo nhu cầu học tập suốt đời

ảnh: Mỹ Quyên


SẮP XẾP LẠI MẠNG LƯỚI TRƯỜNG NGHỀ

Trước thực trạng nhiều trường nghề khó khăn về tuyển sinh, tiến sĩ Phạm Vũ Quốc Bình, Phó cục trưởng Cục Giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên, Bộ GD-ĐT, cho rằng các trường nghề cần nâng cao chất lượng, truyền thông mạnh mẽ, thay đổi cách tiếp cận người học, thay đổi chương trình đáp ứng yêu cầu thực tế...

Ông Bình nhận định một trong các giải pháp đang được hướng tới là thực hiện quy hoạch lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ năm 2023. Theo quy hoạch này, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập sẽ được sắp xếp, tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu quả, mở, linh hoạt, tạo cơ hội cho mọi người dân tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ giáo dục nghề nghiệp theo nhu cầu học tập suốt đời. Đồng thời sẽ phân tầng chất lượng, bảo đảm quy mô, cơ cấu, chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu thị trường lao động và hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đầu tư phát triển giáo dục nghề nghiệp.

Cụ thể, đến năm 2030 sẽ có 380 trường CĐ, 390 trường trung cấp trong đó 260 trường CĐ và 110 trường trung cấp công lập, 120 trường CĐ và 280 trường trung cấp ngoài công lập. Tính đến thời điểm quy hoạch được phê duyệt, cả nước có 412 trường CĐ và 435 trường trung cấp. Như vậy đến năm 2030 sẽ giảm 32 trường CĐ và 45 trường trung cấp.

Theo thạc sĩ Trần Phương, việc quy hoạch lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp và giảm bớt trường công có thể tạo ra một số cơ hội cho trường tư trong việc tăng cường tuyển sinh.

Thạc sĩ Phan Thị Lệ Thu cũng cho rằng thời gian tới khi mạng lưới giáo dục nghề nghiệp được quy hoạch lại, giảm trường công, cũng sẽ là cơ hội giúp cho trường ngoài công lập giảm bớt sự cạnh tranh trong các vấn đề học phí, tuyển sinh…

Các định hướng trọng tâm cho giáo dục nghề nghiệp

Tại Hội nghị tuyển sinh năm 2025 do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 16.5 vừa qua, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đã đưa ra các định hướng trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng và tính công bằng trong tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và giáo dục thường xuyên (GDTX).

Thống nhất, đồng bộ công tác tuyển sinh GDNN, GDTX. Trước mắt, các cơ sở vẫn áp dụng các phương thức tuyển sinh truyền thống, đồng thời nghiên cứu mô hình tuyển sinh ĐH để chủ động tham gia hệ thống chung trong thời gian tới.

Ứng dụng công nghệ số, mạng xã hội để tiếp cận hiệu quả người học.

Chương trình đào tạo cần được rà soát, điều chỉnh theo hướng phát triển năng lực nghề nghiệp, kỹ năng mềm, kỹ năng số. Tăng cường đào tạo ngoại ngữ, tin học; đa dạng phương thức đào tạo...

Mới đây, Bộ GD-ĐT cũng đưa ra dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục. Tại dự thảo này, khái niệm trường trung cấp sẽ không còn nữa mà sẽ chuyển thành trung học nghề, bổ sung trung học nghề là cấp học trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trường trung học nghề sẽ tích hợp kiến thức nghề và kiến thức chương trình THPT.

Các chuyên gia cũng cho rằng nếu luật được ban hành, sẽ không còn sự phân biệt giữa THPT và trung học nghề. Người tốt nghiệp trường trung học nghề và người tốt nghiệp THPT sẽ cùng trình độ, có quyền bình đẳng về cơ hội học tập nâng cao, việc làm và phát triển nghề nghiệp. Việc này sẽ góp phần thúc đẩy phân luồng sau THCS và tuyển sinh trường nghề sẽ thu hút hơn.

Nguồn: https://thanhnien.vn/nguon-tuyen-ngay-cang-it-tim-giai-phap-cho-truong-nghe-185250520190528481.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người
Bãi biển 'vô cực' đẹp như tranh vẽ ở miền Trung, nổi rần rần trên mạng xã hội
 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm