Dàn nhạc London Philharmonic - Ảnh: LPO
Nghệ sĩ độc tấu violin không mặc lễ phục, cô mặc một chiếc áo nỉ với quần jeans. Video được thêm hiệu ứng là bản tổng phổ đi kèm để người xem có thể theo dõi song song những nốt nhạc trên trang giấy và những nốt nhạc được cô tấu lên. Video đạt hơn 2 triệu lượt xem.
Một video khác của dàn nhạc giao hưởng cũng được yêu thích không kém là trích đoạn ngắn của dàn nhạc khi tập luyện vở ballet Romeo and Juliet của nhà soạn nhạc Prokofiev. Câu hỏi đi kèm video ấy là: Bạn có nghĩ bản nhạc này được tâng bốc thái quá không?
Mặt kia của nhạc cổ điển
Hầu như các dàn nhạc lớn trên thế giới đều có tài khoản TikTok. Và điểm chung cho những video ngắn thu hút công chúng của các dàn nhạc này là chúng được ghi hình một cách ngẫu nhiên trong những giờ tập luyện bằng ống kính không chuyên.
Nghĩ về nhạc cổ điển, người ta thường nghĩ đến ngay bầu không khí trang trọng, những nghệ sĩ có vẻ mặt đăm chiêu, mặc những bộ đồ lịch duyệt cùng tông đen hay trắng.
Nhưng trên TikTok, khán giả được thấy mặt bên kia của thế giới nhạc cổ điển: những nghệ sĩ cũng có lúc mặc quần bò áo phông, cũng đời thường, cũng chẳng có vẻ gì kinh viện.
Thế là bỗng nhiên thứ âm nhạc của Mahler, của Ravel, của Dvokrak mà thông thường mỗi khi nghe ta phải ngồi thật thẳng lưng, thì nay ta có thể nghe trong tư thế thoải mái hơn và nghe ở bất cứ đâu, khi đang ngồi trong quán cà phê, trong khi đi trên đường.
Trở ngại lớn của nhạc cổ điển khi tiếp cận công chúng là thời lượng quá dài, nhưng trên TikTok thường chỉ những đoạn nhạc ấn tượng nhất được cắt ra: những đoạn giai điệu u buồn nhất của Chopin, những trích đoạn oai nghiêm nhất trong một bản giao hưởng của Mahler, những đoạn nhạc chạy ngón biến ảo của Grieg...
Trong một video khác của Dàn nhạc London Philharmonic tập đoạn nhạc chủ đề kinh điển trong Hồ thiên nga của Tchaikovsky, họ nhắc khán giả "hãy xem hết 2 phút 30 giây nhé". Phần âm nhạc đầy đủ của vở ballet này thường có khi kéo dài tới 2 giờ 30 phút. Bao nhiêu người có thể dành chừng ấy thời gian cho nghệ thuật? Nhưng 2 phút 30 giây thì hẳn ai cũng có.
Nhạc cổ điển bước ra khỏi những nhà hát, những thánh đường, những nghi lễ nghe nhạc, ta có thể nghe trên TikTok
Tới trái tim một con người
Không ít những bản nhạc cổ điển đã được đón nhận trên TikTok theo cách ấy: chúng được tách ra lấy một đoạn hay nhất như teaser của một tác phẩm hoàn thiện, hay như một bản chiết dung tích nhỏ cho người nghe dùng thử.
Những trích đoạn trong Dạ khúc Op.9 số 2 cung Mi giáng trưởng của Chopin, Piano Sonata số 14 cung Đô thăng thứ của Beethoven, Chương 3 trong Piano Sonata số 11 cung La trưởng của Mozart... được hàng trăm ngàn, hàng triệu lượt người dùng đưa vào làm nhạc nền video của họ.
Lướt TikTok một lúc nhiều khả năng ta sẽ bắt gặp Mozart, Beethoven.
TikTok cũng là nền tảng cho những nghệ sĩ cổ điển trẻ tuổi kể câu chuyện của mình. Từ một video ngồi trên xe hơi hát một aria trong vở opera Tay thợ cạo thành Seville của Gioachino Rossini, giọng ca người Mỹ gốc Nigeria Babatunde Akinboboye đã vươn lên thành một hiện tượng; hay những video kể về đời sống thường nhật với rất nhiều cung bậc cảm xúc của một nghệ sĩ cổ điển trẻ tuổi đã giúp Esther Abrami trở thành một trong những "gương mặt đại diện" mới của cây đàn violin.
Dựa trên danh tiếng của mình, Esther giới thiệu cho khán giả đại chúng không chỉ những nhà soạn nhạc đã quá đỗi nổi danh, mà đôi khi là cả những nhà soạn nhạc bị bỏ quên như Teresa Carreno, một nhà soạn nhạc nữ người Venezuela, mà lúc sinh thời được mệnh danh là "sư tử của dương cầm".
Ừ thì hẳn có người sẽ bảo những nội dung bị cắt ngắn như thế, những video về đời sống hậu trường như thế đâu phải cốt lõi của nhạc cổ điển, có khi còn là con đường tiếp nhận sai lệch khiến người chưa biết gì về nhạc cổ điển hiểu sai rằng nhạc cổ điển chỉ có vậy mà thôi.
Nhưng chỉ cần đọc một lời bình luận trên TikTok dưới video trích đoạn giao hưởng Bốn mùa của Vivaldi, rằng "Đây là một lời hứa: khi nào có đủ tài chính tôi sẽ tới London vì buổi hòa nhạc này" và dàn nhạc đáp lại: "Chúng tôi rất mong gặp bạn", thì ta tin ngay lo lắng là không cần thiết.
Âm nhạc luôn biết đường đi tới trái tim một con người, dù là đi con đường nào.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nhac-co-dien-va-tiktok-20250525095309022.htm
Bình luận (0)