"Chìa khóa" đào tạo nhân lực
Giao thông vận tải đang trải qua những chuyển biến mạnh mẽ, đặc biệt với sự phát triển của đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao.
Báo cáo đề dẫn tại hội thảo khoa học quốc gia lần thứ VI, do Trường Đại học Giao thông vận tải TPHCM (UTH) vừa tổ chức, chủ đề "Thực tiễn ứng dụng công nghệ thông minh trong quản lý, giám sát trật tự an toàn giao thông tại Việt Nam" do ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Công ty GTEL OTS JSC, thành viên Tổng công ty Công nghệ - Viễn thông Toàn cầu (GTEL), trình bày, đã thu hút sự quan tâm đặc biệt.
Tham luận này đã gợi mở những hướng đi mới trong việc phát triển đô thị thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn (big data) vào công tác quy hoạch và điều hành giao thông đô thị và giải quyết nhiều vấn đề có liên quan khác trong hoạt động xã hội như quản lý trật tự xã hội…

Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Công ty GTEL OTS JSC, chia sẻ tại hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề "Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải - CTST 2025" (Ảnh: Huyên Nguyễn).
Chia sẻ thêm về nhu cầu nhân lực trong thời đại mới, ông Phạm Tuấn Anh cho hay, trong bối cảnh công nghệ phát triển vượt bậc, đặc biệt là sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo (AI), yêu cầu về nguồn nhân lực cũng có những thay đổi đáng kể. Ông đặc biệt nhấn mạnh vai trò của các kỹ năng mềm, nhất là tư duy logic, tư duy phản biện, khả năng thích ứng, cộng tác, quản lý cảm xúc và không thể thiếu tư duy đạo đức, trách nhiệm.
Theo ông, trong bối cảnh AI ngày càng phát triển, khả năng phân tích, đánh giá và phản biện thông tin trở nên vô cùng quan trọng.
"Bây giờ AI làm rất giỏi, nhưng nếu mình không có sự phản biện, đánh giá mà chỉ áp dụng máy móc thôi, thì cuối cùng giá trị của mình nằm đâu?", ông đặt vấn đề.
Về mặt kiến thức chuyên ngành ứng dụng, ông Tuấn Anh cho rằng điều này ngày càng trở nên quan trọng hơn cả kiến thức kỹ thuật thuần túy.
"Vấn đề về kỹ thuật cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn là mình phải hiểu để vận dụng kiến thức chuyên ngành vào lĩnh vực nào, ứng dụng nó như thế nào. Ví dụ, trong lĩnh vực giao thông vận tải, người làm công nghệ thông tin cần hiểu biết về các quy tắc giao thông, nghiệp vụ vận tải và đặc thù của ngành", ông giải thích.
Trả lời câu hỏi về xu hướng tuyển dụng sinh viên mới ra trường, Giám đốc Công ty GTEL OTS JSC, cho rằng các doanh nghiệp đang phải thay đổi yêu cầu tuyển dụng để phù hợp với sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là AI và tự động hóa.
Theo ông, các doanh nghiệp không chỉ còn xem xét kinh nghiệm làm việc với một công nghệ cụ thể mà còn chú trọng đến kiến thức về lĩnh vực ứng dụng và khả năng thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ.
"Hôm nay, bạn biết cái này nhưng ngày mai AI đã làm rồi, ngày mai không còn cần bạn làm nữa. Bạn sẽ có giá trị nếu biết đánh giá, điều hành và kiểm soát AI", ông Tuấn Anh phân tích.
Ngay cả đối với những người đã có kinh nghiệm làm việc, cũng cần phải luôn trau dồi thêm kiến thức, nâng cao để không bị tụt lại trong thị trường lao động đầy biến động.
Ông Tuấn Anh khẳng định người làm việc lâu năm có giá trị của họ là kinh nghiệm, đặc biệt là trong việc đưa ra quyết định dựa trên trực giác và trải nghiệm.
Song, không ai có thể "thoát khỏi" xu hướng phát triển của công nghệ. Lời khuyên của ông dành cho nhân lực có kinh nghiệm là cần chủ động cập nhật kỹ năng, phải chạy theo xu hướng công nghệ như người trẻ.

Hội thảo thu hút hơn 300 nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, đại diện doanh nghiệp và người học (Ảnh: Huyên Nguyễn).
Đào tạo đi theo xu hướng ứng dụng, liên ngành
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải TPHCM, cũng nhận định rằng trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, ngành giao thông vận tải sẽ bước vào thời kỳ tái cấu trúc mạnh mẽ, đặc biệt với sự phát triển của đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao - những lĩnh vực đang được Nhà nước ưu tiên đầu tư.
Nhu cầu nhân lực trong hai mảng này sẽ tăng nhanh và đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, liên ngành. Bên cạnh đó, các lĩnh vực như hạ tầng giao thông thông minh, logistics tích hợp, giao thông xanh và vận tải số cũng sẽ phát triển mạnh mẽ.
Nhu cầu thị trường lao động sẽ dịch chuyển theo hướng cần những kỹ sư - cử nhân có năng lực công nghệ, quản lý hệ thống số, và tư duy đổi mới sáng tạo.
Điều này đặt ra yêu cầu rất lớn cho các cơ sở đào tạo như UTH trong việc cập nhật chương trình, phát triển năng lực đào tạo liên ngành, và gắn chặt với nhu cầu thực tế từ doanh nghiệp và các đô thị lớn.
"Chúng tôi xác định AI không chỉ là công cụ mà còn là nền tảng công nghệ định hình tương lai ngành giao thông vận tải. Vì vậy, nhà trường đã và đang tích hợp các nội dung về trí tuệ nhân tạo, học máy, xử lý dữ liệu lớn… vào chương trình đào tạo ở nhiều ngành như công nghệ thông tin, kỹ thuật giao thông, tự động hóa và quản lý vận tải", ông Tuấn chia sẻ.
Nhóm nghiên cứu Lê Thị Linh Giang và Thân Thị Lệ Quyên cũng đề xuất phương pháp sư phạm mở trong giáo dục đại học thời đại 4.0. Nhóm đặt vấn đề về chương trình đào tạo ngày càng linh hoạt, cá nhân hóa theo nhu cầu thực tiễn, trong khi phương pháp giảng dạy đổi mới theo hướng dạy cách học, khuyến khích người học chủ động kiến tạo tri thức thay vì tiếp thu thụ động.
Cùng với đó, sự phát triển của thế giới mở và xu hướng giáo dục mở đã mở ra nhiều cơ hội tiếp cận tri thức không giới hạn.

Các nhà khoa học trao đổi thảo luận nghiên cứu (Ảnh: NT).
Với chủ đề "Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải - CTST 2025", hội thảo đã giới thiệu và thảo luận nhiều ý tưởng đổi mới sáng tạo, các giải pháp công nghệ tiên tiến và các mô hình quản lý hiệu quả. Điều này góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, phục vụ sự phát triển bền vững của ngành.
PGS.TS Nguyễn Tiến Thủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM, nhấn mạnh hội thảo không chỉ là nơi gặp gỡ của giới học thuật mà còn là nơi hội tụ các sáng kiến, giải pháp nghiên cứu có tính ứng dụng cao, góp phần kiến tạo hệ thống giao thông vận tải hiện đại, thông minh và bền vững cho Việt Nam.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/nhan-luc-giao-thong-thoi-40-kinh-nghiem-thoi-chua-du-vu-khi-moi-la-gi-20250518072144460.htm
Bình luận (0)