Người được nhắc đến chính là nữ tình báo Lâm Thị Phấn.
Bà Lâm Thị Phấn tên khai sinh là Lâm Thị Elise (1918-2010), quê ở quận Châu Thành, tỉnh Cần Thơ (nay là quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Bà là con của đại điền chủ nổi tiếng, đồng thời là hiệu trường Taberd Cần Thơ (trường Châu Văn Liêm - TP Cần Thơ hiện nay).
Từ nhỏ, bà Phấn sớm bộc lộ tư chất thông minh hơn người. Bà có cả bằng tú tài của trường Taberd và tư tưởng hiện đại, ủng hộ giải phóng phụ nữ. Ngoài ra, bà Phấn còn được mệnh danh là Người đẹp Tây Đô nhờ gương mặt xinh đẹp, vóc dáng cao ráo nổi bật.
Bà Lâm Thị Phấn. (Ảnh tư liệu)
Đến năm 17 tuổi, bà Lâm Thị Phấn được nhà Bá hộ Bì ở Bạc Liêu mang lễ vật đến hỏi cưới, rước về làm vợ cậu ấm Phan Tấn Dĩnh, thuộc họ hàng dòng tộc Công tử Bạc Liêu. Từ đây, cuộc đời Người đẹp Tây Đô bắt đầu những chuỗi ngày khổ sở dưới chế độ phong kiến.
Bá hộ Bì nổi danh là "chúa gạo" của Nam Kỳ thời đó, gia sản đồ sộ ăn mấy đời không hết nhưng quý tử lại ít học, lại thích chơi bời. Cũng vì thế mà hai bên bắt đầu rạn nứt tình cảm.
Năm 1944, bà thoát ly gia đình, tham gia kháng chiến. Không lâu sau bà xây dựng nên Hội phụ nữ huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, làm Hội trưởng Phụ nữ Cứu quốc huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Năm 1950, bà Phấn được kết nạp Đảng.
Nổi bật với ngoại hình xinh đẹp, bà dễ dàng tiếp cận với các viên chức cấp cao của địch nhằm khai thác thông tin, báo về cho quân ta. Không những không bị phát hiện khi làm các nhiệm vụ tình báo, bà còn được quân Pháp ưu ái đặt biệt danh là “Thần vệ nữ phương Đông”.
Với tấm bằng tú tài Pháp cùng ngoại hình đẹp, bà được giao nhiệm vụ đặc biệt là xây dựng đội ngũ điệp báo miền Tây ngay tại Cần Thơ, nơi quân địch đóng quân. Bà gia nhập tổ điệp báo trong nội thành TP Cần Thơ, lấy bí danh là Thanh Phong, có nhiệm vụ khai thác những tin tức trong bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp tại Cần Thơ.
Bà còn đảm nhiệm nhiệm vụ chuyển vũ khí, đưa đường cho các chiến sĩ đặc công làm nhiệm vụ, tham gia giải cứu cho các chiến sĩ bị địch bắt. Em gái bà Phấn, bà Lâm Thị Phết cũng là thành viên của tổ điệp báo này. Hai chị em hỗ trợ nhau trong các nhiệm vụ đầy thách thức và hiểm nguy.
Hai chị em bà Lâm Thị Phết (trái) và Lâm Thị Phấn (trái).
Cũng trong thời gian làm tình báo, bà Phấn cảm hóa được ông Trần Hiến (phiên dịch của quân Pháp). Hai người nảy sinh tình cảm rồi kết hôn, cùng hoạt động cách mạng.
Năm 1954, hai vợ chồng bà Phấn ra Hà Nội. Bà học tiếp lấy bằng Đại học Kinh tế, sang Liên Xô học ngành tình báo. Năm 1962, bà trở lại miền Nam hoạt động tình báo, phụ trách hoạt động tình báo trong đội ngũ đầu não cao cấp nhất chính quyền Sài Gòn, mang về nhiều chiến công vang dội.
Với thành tích xuất sắc trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, bà Lâm Thị Phấn đã được Đảng, Nhà nước, Quân đội tặng thưởng những phần thưởng cao quý: Huân chương chiến công Nhất, Nhì, Ba và nhiều huân huy chương khác. Bà mất vào ngày 15/4/2010, thọ 92 tuổi.
Cuộc đời của bà Lâm Thị Phấn là hình ảnh tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam đứng lên giải phóng bản thân, được nhà văn Trầm Hương viết thành tiểu thuyết mang tên "Người đẹp Tây Đô", sau đó được chuyển thể thành phim truyện cùng tên do đạo diễn Lê Cung Bắc thực hiện.
Cuộc đời nữ tình báo xinh đẹp là nguồn cảm hứng để nhà văn Trầm Hương viết tác phẩm "Người đẹp Tây Đô", sau đó được dựng thành phim cùng tên. Bộ phim đã làm nên tên tuổi của hàng loạt diễn viên như Việt Trinh, Hồng Ánh...
Thiên Bình
Nguồn: https://vtcnews.vn/nhan-sac-khuynh-dao-cua-nu-tinh-bao-lung-danh-su-viet-khien-dich-mo-mat-ar942934.html
Bình luận (0)