Nhiếp ảnh - Họa sĩ Trần Văn Hùng, nghệ danh là Hùng Hoa Lư đến với nghệ thuật bằng con đường riêng với lòng đam mê vẻ đẹp con người, văn hóa Tây Nguyên.
Thi đỗ vào khoa Ngữ văn, trường Đại học sư phạm Huế niên khóa 1977-1981. Sau khi ra trường được Bộ Đại học Trung học chuyên nghiệp điều động lên công tác tại Sở Giáo dục tỉnh Gia Lai- Kon Tum, phụ trách biên tập Tập san và là người chuyên viết giấy khen của Sở Giáo dục Gia Lai-Kon Tum lúc bấy giờ. Vốn có năng khiếu vẽ, nên vừa làm việc ông vừa nhận tranh của tiệm về vẽ để kiếm thêm thu nhập. Những năm thập niên 90 lương thấp, kinh tế gia đình khó khăn, ông nghỉ việc cơ quan ra ngoài mở phòng vẽ, viết vẽ bảng hiệu quảng cáo, kèm theo nghề chụp ảnh, đến ngày lễ, ngày Tết đi chụp hình dạo. Khách chụp ảnh ngày càng nhiều, ông bỏ công việc vẽ quảng cáo theo hẳn nghề nhiếp ảnh dịch vụ, mở studio, làm tượng xi măng các con vật để chụp ảnh.
Dần dần ông mê bộ môn nhiếp ảnh nghệ thuật, thời gian rảnh ông học thêm phần mềm chỉnh sửa ảnh Adobe Photoshop, mua máy vi tính để làm ảnh phục hồi đầu tiên của tỉnh Gia Lai. Sau những ngày tháng đam mê ảnh nghệ thuật, nhờ có phương tiện máy móc kỹ thuật hiện đại và vốn có năng khiếu vẽ chân dung, kết hợp sử dụng Adobe Photoshop, nên ảnh của ông nhận được nhiều huy chương và cúp nhiếp ảnh khắp các nước trên thế giới. Tác phẩm ông vẽ đầu tay là hai tác phẩm nhiếp ảnh đoạt giải thưởng của nhiều quốc gia trên thế giới và tham gia triển lãm khu vực V Nam miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 28 năm 2023 tại tỉnh Đăk Lăk. Sự ra đời của tác phẩm nhiếp ảnh này là sự nhận thức đến cặp phạm trù triết học Hiện tại và Tương lai “Present and Future”.
Hưởng ứng ngày Bảo tồn Di sản Văn hóa Gia Lai năm 2024, Hội VHNT tỉnh phát động cuộc thi sáng tác mỹ thuật chủ đề “SẮC MÀU TÂY NGUYÊN” ông tham gia 3 tác phẩm mới, trong đó tác phẩm vẽ sơn dầu kích thước 100cm X 151cm “ Chiều của mẹ” đạt giải 3.
Tại Hội thảo “Nghệ sĩ Gia Lai với Di sản văn hóa địa phương” do Bảo tàng tỉnh Gia Lai tổ chức vào tháng 11/2024. Được sự động viên khích lệ của bạn bè và các họa sỹ, hơn nữa bản thân rất yêu cái đẹp từ buôn làng, cả cuộc đời rong ruổi khắp các địa bàn trong tỉnh Gia Lai, nên ông quyết tâm trong năm 2025 sẽ trình làng triển lãm cá nhân những sáng tác của mình.
Đến ý tưởng hình thành kênh Youtube Di sản văn hóa
Du khách thưởng thức chương trình “Cồng chiêng cuối tuần- thưởng thức và trải nghiệm” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai tổ chức vào mỗi tối thứ 7 hàng tuần trong khung giờ từ 19 giờ- 21 giờ tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, thường thấy một người đã lớn tuổi, tóc dài, cầm máy quay, có mặt thường xuyên trong các buổi biểu diễn, đó là nhiếp ảnh Hùng Hoa Lư. Chắc có lẽ ông là người quay phim duy nhất, có số lượng phim nhiều nhất không bỏ sót tiết mục nào, quay từ đầu cho đến khi kết thúc chương trình và lưu trữ phim chất lượng cao. Là một nghệ sĩ nhiếp ảnh, ông đã đưa hàng ngàn hình ảnh, đất nước và con người Gia Lai đến hầu hết các nước trên thế giới để giới thiệu với công chúng.
Ông chia sẻ: Những bàn chân trần độc đáo của đồng bào Bahnar và Jrai đã làm ông thực sự rung động, dù có bận rộn thế nào ông cũng sắp xếp thời gian mang máy ảnh ra để tác nghiệp. Ông đầu tư thiết bị máy quay phim, máy dựng phim, ổ cứng lưu trữ, để lưu lại những khoảnh khắc đó. Sau này ông sẽ chuyển toàn bộ những thước phim quý giá này cho Bảo tàng tỉnh Gia Lai lưu giữ để giới thiệu đến công chúng.
Chương trình “Cồng chiêng cuối tuần - thưởng thức và trải nghiệm” tối thứ bảy hàng tuần là chương trình cồng chiêng kết hợp múa truyền thống (suang), hát dân ca, trình diễn nhạc cụ làm từ tre nứa, phục dựng các nghi lễ, lễ hội truyền thống. Ngoài ra, khách tham gia cùng trải nghiệm múa hay đánh cồng chiêng, thưởng thức rượu ghè, gà nướng do các đoàn nghệ nhân mang từ buôn làng của mình lên thành phố để mời du khách.
Cùng với chương trình cồng chiêng cuối tuần vào tối thứ 7, còn có chương trình ngày hội Di sản văn hóa do Bảo tàng tỉnh Gia Lai tổ chức thường niên với nhiều hoạt động hấp dẫn thu hút đông đảo công chúng tham gia. Bên cạnh đó, Chương trình “Sắc màu văn hóa Gia Lai” tổ chức sáng chủ nhật hàng tuần; chương trình ngày hội Văn hóa các dân tộc do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức. Cồng chiêng, nhạc cụ, trang phục, đạo cụ được các nghệ nhân sử dụng trong chương trình đều là dạng nguyên bản, đúng với truyền thống. Các hoạt động này diễn ra trong một không gian tự nhiên thoáng đãng trên thảm cỏ xanh, dưới những tán cây, không sân khấu hóa; xen kẻ cùng chương trình cồng chiêng là hoạt động đan lát, dệt thổ cẩm, trải nghiệm ẩm thực các món ăn dân dã nguyên bản từ buôn làng.
Những chương trình đó tạo cho ông ý tưởng xây dựng hình thành kênh YouTube DI SẢN VĂN HÓA, ông cho biết: Đến nay kênh đã có hơn 600 video, 550 ngàn lượt xem, 14 triệu giờ xem. Truy cập nơi xem nhiều nhất là: Thành phố Đà Nẵng, sau đó là Đà Lạt, Quy Nhơn, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Phnom Pênh Campuchia, Kon Tum, Biên Hòa, Tuy Hòa, Thanh Hóa, Quảng Ngãi… Tôi rất mừng là mình đã đóng góp truyền tải hầu hết các tỉnh thành khắp đất nước Việt Nam.
Hiệu ứng tích cực trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn Gia Lai mà Kênh YouTube DI SẢN VĂN HÓA của ông xây dựng đến nay đã lan tỏa ra thế giới không khác gì những tác phẩm ảnh của ông đã trưng bày tại Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật toàn cầu. Hiện nay ngoài lãnh thổ Việt Nam, đất nước xem chương trình cồng chiêng Gia Lai nhiều nhất là: Hoa Kỳ, tiếp theo là Campuchia, Ấn độ, Myanmar, Indonesia, Thái Lan, Mêxicô, Nga, Hàn Quốc, Brazil, Phlippines, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Lào, Acgentina, Đức, Ukraina…
Là một nghệ sĩ nhiếp ảnh và là một họa sĩ, ông sẽ tiếp tục đồng hành với tất cả chương trình bảo tồn, lưu giữ bản sắc văn hóa, phát huy giá trị di sản Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh Gia Lai để công chúng cả nước và bạn bè quốc tế hiểu sâu hơn về văn hóa của người Tây Nguyên- Việt Nam, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và gắn với phát triển du lịch địa phương.
Khoa Thi
Nguồn: https://svhttdl.gialai.gov.vn/News/Details.aspx?id=Mjk4Mg==&idtype=Mg==
Bình luận (0)