Nỗ lực đáp ứng chỗ học
Tại xã Bình Lợi, cụm 2 trường học mới đang hoàn tất các công đoạn cuối, chuẩn bị đưa vào sử dụng trong năm học mới 2025-2026. Bà Nguyễn Thị Liêm, Chủ tịch UBND xã Bình Lợi, cho biết, sau hợp nhất 2 xã (Bình Lợi và Lê Minh Xuân), địa phương có dân số trên 55.000 người, nhu cầu về trường lớp cho học sinh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được xã đặc biệt quan tâm. “Do dân số tăng hàng năm, nên dù xã có 10 trường công lập nhưng tình trạng quá tải học sinh vẫn kéo dài. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo địa phương tháo gỡ khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tổ chức thi công cấp tập nên 2 dự án trường học mới trên địa bàn hiện đạt 95% khối lượng xây lắp, kịp đưa vào sử dụng vào ngày 20-8”, bà Nguyễn Thị Liêm chia sẻ.

Hai dự án trường học bà Liêm nhắc đến là Trường Tiểu học Lê Minh Xuân 2 (quy mô 30 phòng học, đầy đủ phòng chức năng trên diện tích đất gần 13.000m2, tổng mức đầu tư trên 135 tỷ đồng) và Trường THCS Lê Minh Xuân 2 (45 phòng học, đầy đủ phòng chức năng trên diện tích gần 24.114m2, tổng mức đầu tư hơn 180 tỷ đồng). Việc đưa vào sử dụng 2 ngôi trường mới với cơ sở vật chất đạt chuẩn, có sân bóng, bể bơi, nhà thi đấu đa năng... vừa đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, vừa nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn. “Thêm 2 ngôi trường mới sẽ giúp xã Bình Lợi đạt 350 phòng học/10.000 dân, vượt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025”, bà Liêm phấn khởi bày tỏ.
Tương tự, theo ông Lê Hải Long, Chủ tịch UBND xã Tân Nhựt, hiện xã có diện tích khoảng 43,5km² với 109.000 dân, nhu cầu trường lớp cho con em ở địa phương rất lớn. Để phần nào đáp ứng nhu cầu đó, Trường Tiểu học Nguyễn Cửu Phú được xây mới tại ấp 22, trên diện tích gần 12.000m², quy mô 45 phòng học, phòng chức năng, tổng mức đầu tư trên 138 tỷ đồng. Ngôi trường này sẽ tiếp nhận 965 học sinh, bình quân 35 học sinh/lớp; tổ chức học 2 buổi/ngày và ăn bán trú, phụ huynh không còn phải lo “cắt ca” ở chỗ làm, chạy về đón con như trước đây.
Nâng cao chất lượng giáo dục
Năm học 2025-2026, thầy và trò Trường THCS Lai Uyên (xã Bàu Bàng) phấn khởi khi được học trong ngôi trường mới vừa hoàn thành. Ngôi trường này được xây dựng mới từ nguồn ngân sách hơn 180 tỷ đồng. Trong đó, khối nhà chính có quy mô 5 tầng, với tổng diện tích sàn trên 11.134m2, gồm 45 phòng học và các phòng chức năng chuyên môn; khối nhà tập đa năng có quy mô 3 tầng, với tổng diện tích sàn xây dựng trên 2.100m2, gồm khu để xe, nhà tập đa năng, khu dụng cụ.... Thầy Võ Tự Duy Linh, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Năm học tới, thầy và trò nhà trường phấn khởi được dạy - học trong ngôi trường mới khang trang, hiện đại. Chúng tôi sẽ nỗ lực, quyết tâm hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đã đề ra nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh”.

Tại công trình sửa chữa Trường THCS Bình Chuẩn 2 (phường Thuận Giao), không khí thi đua xây dựng giữa các tốp thợ diễn ra khẩn trương. Kỹ sư Trần Đình Thành, giám sát trưởng công trình, cho biết, công trình sửa chữa, cải tạo Trường THCS Bình Chuẩn 2 được triển khai từ ngày 15-6, đến ngày 15-8 sẽ bàn giao cho chủ đầu tư để kịp phục vụ cho năm học mới. Cô Trần Thụy Hưng Hảo, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay, khi hoàn thành, trường sẽ có 74 lớp với hơn 3.000 học sinh. Đây cũng là điều kiện để nhà trường nỗ lực dạy và học, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình.
Trên địa bàn phường Rạch Dừa, hiện 2 dự án xây mới trường học đã đạt tiến độ 95%, gồm dự án Trường Mầm non Rạch Dừa (xây dựng trên khu đất hơn 7.000m², tổng mức đầu tư trên 41 tỷ đồng) và Trường THCS Nguyễn Trãi (xây dựng trên diện tích hơn 23.000m², tổng mức đầu tư trên 178 tỷ đồng). Bà Nguyễn Thị Mai Liên, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Xã hội phường Rạch Dừa, thông tin, phường Rạch Dừa là địa bàn đông dân (khoảng 80.000 người), do đó nhu cầu học tập của học sinh rất lớn. Những năm học trước, phường chỉ có 3 trường THCS: Nguyễn Thái Bình, Ngô Sĩ Liên và Thắng Nhất. Sĩ số học sinh trung bình tại các trường lên tới 50 học sinh/lớp, gây nhiều khó khăn trong công tác dạy và học. “Việc Trường Mầm non Rạch Dừa, Trường THCS Nguyễn Trãi được xây dựng mới và đi vào hoạt động từ năm học 2025-2026 mang lại nhiều giá trị tích cực cho công tác giáo dục tại địa phương. 2 ngôi trường mới này không chỉ đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trong khu vực, mà còn tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc học tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao dân trí”, bà Nguyễn Thị Mai Liên chia sẻ.
Trước thềm năm học mới 2025-2026, với sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo TPHCM, nhiều công trình xây mới, cải tạo trường học đã sẵn sàng đưa vào sử dụng. Cùng với cơ sở vật chất khang trang là các thiết bị đạt chuẩn, phòng chức năng hiện đại, góp phần tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn thành phố.
TS NGUYỄN THỊ NHẬT HẰNG, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM:
Có cơ chế đặc thù để đẩy nhanh việc xây trường, mở lớp
Ở cấp thành phố, Đề án 4.500 phòng học mới với 276 dự án, tương ứng 5.910 phòng học, được thành phố đặc biệt quan tâm trong công tác chỉ đạo triển khai thực hiện. Các địa phương đã nỗ lực xây trường, mở lớp; tuy nhiên, dự ước đến cuối năm 2025, tỷ lệ phòng học xây mới và sửa chữa, cải tạo đạt khoảng 45% (2.565/5.910 phòng, trong đó xây mới 1.860/2.565 phòng và sửa chữa, cải tạo 705/2.565 phòng). Nguyên nhân tỷ lệ đạt được chưa cao là do nhiều dự án chưa có chủ trương đầu tư (chiếm 47,8%, tương ứng 132/276 dự án); số dự án vướng mắc về pháp lý, quy hoạch, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng lớn (101/276 dự án).
Ngành giáo dục thành phố kiến nghị bộ, ngành, các cơ quan Trung ương có cơ chế đặc thù cho các khu vực nội thành của thành phố về tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26-5-2020 của Bộ GD-ĐT, vì gặp khó khăn trong đảm bảo diện tích đất/học sinh. Các sở, ngành liên quan, địa phương của thành phố tập trung rà soát cơ sở pháp lý các dự án chưa thông qua chủ trương đầu tư công, kịp thời tham mưu để UBND TPHCM trình HĐND TPHCM thông qua đối với các dự án đủ điều kiện.
Ông VÕ ĐỨC THANH, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TPHCM:
Đốc thúc tiến độ xây mới hàng chục trường học
Nhằm từng bước hoàn thiện và hiện đại hóa cơ sở mạng lưới trường lớp của thành phố, trong kỳ trung hạn đầu tư công giai đoạn 2021-2025, UBND TPHCM đã giao cho Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TPHCM thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, lập dự án để triển khai đầu tư nâng cấp, sửa chữa, xây mới 8 công trình với quy mô xây dựng 276 phòng học (không tính các phòng học bộ môn), tổng mức đầu tư từ ngân sách thành phố là trên 1.270 tỷ đồng. Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TPHCM đã tổ chức khởi công, xây mới giai đoạn 2 dự án Trường THPT Võ Trường Toản (gần 176 tỷ đồng), Trường THPT Marie Curie (trên 42 tỷ đồng), và chuẩn bị khởi công xây dựng, nâng cấp, cải tạo nhiều trường THPT khác.
Ông BÙI TRỌNG THỐNG, Giám đốc Ban Quản lý dự án khu vực Bình Chánh:
7 ngôi trường mới sẵn sàng đón học sinh
Trên địa bàn huyện Bình Chánh trước đây còn 7 dự án sắp được đưa vào hoạt động. Trong đó, ngoài 3 ngôi trường hoàn thành, các dự án Trường Tiểu học Đa Phước (xã Hưng Long, vốn đầu tư trên 165 tỷ đồng), Trường Tiểu học Vĩnh Lộc 1 (xã Vĩnh Lộc, vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng), Trường THCS Vĩnh Lộc A (xã Vĩnh Lộc, vốn đầu tư 254 tỷ đồng), Trường Mẫu giáo Tân Nhựt (xã Tân Nhựt, vốn đầu tư gần 67 tỷ đồng) sắp về đích. Dự án Trường Tiểu học Vĩnh Lộc B (xã Tân Vĩnh Lộc, vốn đầu tư trên 230 tỷ đồng) đạt trên 65% khối lượng xây lắp.
QUANG HUY - HỒNG PHƯƠNG ghi
Nguồn: https://ttbc-hcm.gov.vn/nhieu-cong-trinh-xay-dung-sua-chua-truong-hoc-tai-tphcm-day-nhanh-tien-do-truoc-them-nam-hoc-moi-1019236.html
Bình luận (0)