Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 6 khu công nghiệp đang hoạt động, thu hút hàng trăm dự án đầu tư sản xuất. Trong ảnh: Nhà máy của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên đặt tại Khu công nghiệp Yên Bình. |
Khởi sắc từ các ngành chủ lực
Theo báo cáo của Cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Thái Nguyên tiếp tục duy trì ở mức cao, ước tăng 8,86% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý là IIP có sự cải thiện rõ rệt qua các tháng, với mức tăng đạt 11,68% trong quý II.
Các ngành công nghiệp chủ lực như: Chế biến, chế tạo, điện tử, luyện kim và may mặc tiếp tục phát huy vai trò “đầu tàu” của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Các khu công nghiệp (KCN) lớn như: Sông Công I, Yên Bình, Điềm Thụy… duy trì hiệu suất sản xuất cao, đồng thời tiếp tục thu hút thêm dự án mới, trong đó có nhiều dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, chế tạo linh kiện bán dẫn, pin năng lượng, vật liệu mới. Đặc biệt, làn sóng đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn giữ vững đà tăng trưởng, góp phần quan trọng trong tăng chỉ số công nghiệp của tỉnh.
Sản xuất thiết bị dây dẫn điện tại Công ty TNHH Woojinqpd Vina tại Khu công nghiệp Điềm Thụy. |
Đặt nhà máy tại KCN Điềm Thụy, Công ty TNHH Dongsung Vina là doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc, chuyên sản xuất linh kiện ô tô, thiết bị điện tử xuất khẩu. Trong 6 tháng đầu năm, đơn vị đạt giá trị xuất khẩu 5 triệu USD. Tuy kết quả chưa đạt tiến độ so với kế hoạch nhưng đây mới là khoảng thời gian “chạy đà”, bởi từ tháng 7 đến cuối năm là giai đoạn cao điểm đẩy mạnh sản xuất của doanh nghiệp.
Với những tín hiệu tích cực từ thị trường, công ty tự tin hoàn thành mục tiêu doanh thu cả năm trên 19 triệu USD. Ông Lee Sunho, Trưởng Phòng Kinh doanh - Xuất nhập khẩu Công ty TNHH Dongsung Vina, cho biết: Chúng tôi dự kiến tuyển thêm nhân sự để đáp ứng nhu cầu sản xuất đơn hàng đã ký kết. Bên cạnh tăng lương cơ bản, Công ty còn triển khai nhiều chính sách phúc lợi hấp dẫn nhằm thu hút và giữ chân người lao động.
Nhiều doanh nghiệp FDI khác cũng đang chủ động mở rộng quy mô sản xuất, đón đầu xu hướng phục hồi từ thị trường. Ngay từ đầu năm nay, Công ty TNHH Mani Hà Nội đã sớm bắt tay vào triển khai xây dựng thêm nhà xưởng mới để tăng năng lực sản xuất. Với chiến lược kinh doanh bài bản, năm 2025, doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng 10% sản lượng, tương ứng doanh thu tăng trên 5%.
Đại diện Công ty TNHH Mani Hà Nội cho biết: Đơn vị có kế hoạch tuyển thêm khoảng 200 lao động để vận hành các xưởng mới. Thái Nguyên là địa phương lý tưởng để đầu tư dài hạn, bởi có vị trí thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào, đặc biệt là chính sách của tỉnh cởi mở và hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp.
Không chỉ chú trọng thị trường, các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn từng bước đổi mới công nghệ. Đây là hướng đi nhằm nâng cao năng lực sản xuất và tăng sức cạnh tranh.
Tại công ty TNHH KD Heat Technology - doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, chế tạo, năng suất lao động đang gia tăng đáng kể. Dù chỉ có 100 lao động, Công ty vẫn duy trì sản xuất gần 300 đầu mục linh kiện thiết bị, tổng cộng gần 5 triệu sản phẩm mỗi năm. Với 3 thị trường xuất khẩu chính còn nhiều dư địa tăng trưởng là Nhật Bản, Canada và Hoa Kỳ, doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng 30%, tương ứng doanh thu ước đạt khoảng 70 tỷ đồng trong năm nay.
Ông Đoàn Như Hải, Giám đốc Công ty TNHH KD Heat Technology Thái Nguyên: Bên cạnh thị trường truyền thống, Công ty TNHH KD Heat Technology Thái Nguyên chú trọng phát triển thị trường tại châu Âu, Hoa Kỳ, Canada. Chúng tôi đã mở rộng nhà xưởng và đầu tư thêm máy móc hiện đại để sản xuất các sản phẩm chất lượng cao theo đơn hàng đã ký kết. Doanh nghiệp dự kiến đạt mức tăng trưởng 30% trong năm nay.
Không gian công nghiệp được mở rộng
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 6 khu công nghiệp đang hoạt động, gồm: Sông Công I, Sông Công II, Nam Phổ Yên, Yên Bình, Điềm Thụy và Thanh Bình. Tổng hợp sau sáp nhập, toàn tỉnh có hơn 220 dự án vốn đầu tư FDI còn hiệu lực (tổng vốn đầu tư gần 11 tỷ USD); cùng với đó là 1.095 dự án vốn đầu tư trong nước còn hiệu lực, với tổng vốn gần 1,1 triệu tỷ đồng.
Các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ tiếp tục mở rộng sản xuất trong lĩnh vực điện tử và công nghiệp hỗ trợ, xem Thái Nguyên là cứ điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng khu vực Đông Nam Á. Việt Nam tiếp tục thực thi các thỏa thuận thương mại tự do thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA, RCEP… cũng tạo ra lợi thế cạnh tranh vượt trội cho tỉnh, đặc biệt trong thu hút đầu tư vào công nghiệp xuất khẩu, nơi doanh nghiệp có thể tận dụng ưu đãi về thuế quan và tiếp cận thị trường lớn.
Công ty TNHH Mani Hà Nội có nhu cầu tuyển dụng thêm nhiều lao động làm việc tại các xưởng sản xuất mới. |
Việc sáp nhập tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn để hình thành đơn vị hành chính mới có diện tích hơn 8.300km2, dân số gần 1,8 triệu người được coi là “cú hích” để mở rộng không gian phát triển công nghiệp.
Tỉnh Bắc Kạn (cũ) có thế mạnh về tài nguyên rừng, khoáng sản và quỹ đất dồi dào sẽ trở thành “hậu phương” quan trọng để mở rộng sản xuất, phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp nhẹ và logistic.
Kết nối hạ tầng giữa hai tỉnh vốn đã được đầu tư mạnh mẽ trong những năm qua như: Quốc lộ 3, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Chợ Mới và sắp tới là chuẩn bị triển khai cao tốc Thái Nguyên (Bắc Kạn cũ) - Cao Bằng sẽ trở thành xương sống cho liên kết sản xuất - tiêu dùng nội vùng và giao thương liên vùng. Không gian phát triển mới cho phép quy hoạch và xây dựng thêm các khu - cụm công nghiệp và giải quyết bài toán thiếu quỹ đất cho các nhà máy hiện nay.
Tiếp tục bứt phá từ nền tảng vững chắc
Trong quy hoạch vùng Trung du, miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thái Nguyên được xác định trở thành trung tâm luyện kim, cơ khí, điện, điện tử có trình độ cao, trung tâm chuyển đổi số của vùng; trung tâm công nghiệp - đô thị - dịch vụ, giáo dục, y tế.
Trong thời qua, khu vực công nghiệp của tỉnh đã có sự chuyển dịch rất tích cực từ mô hình sản xuất gia công, khai thác truyền thống sang các ngành có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Từ trung tâm luyện kim, nay Thái Nguyên đang nổi lên là điểm đến của các tập đoàn công nghệ toàn cầu, với hệ sinh thái sản xuất ngày càng đa dạng.
Bên cạnh việc đẩy mạnh thu hút vốn FDI, tỉnh cũng quan tâm thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chế biến nông, lâm sản và ứng dụng công nghệ số trong sản xuất. Hệ thống hạ tầng công nghiệp cũng được cải thiện rõ nét.
Không chỉ dừng ở mặt bằng sản xuất, Thái Nguyên đang đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng logistics, kho vận, giao thông kết nối liên vùng, góp phần giảm chi phí vận hành và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Đồng thời, chính quyền tỉnh tích cực triển khai các chương trình cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý đầu tư và vận hành khu công nghiệp theo hướng minh bạch, hiệu quả hơn.
Sản xuất thép thanh vằn tại Nhà máy Cán thép Thái Nguyên (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên). |
Có thể khẳng định, dù gặp không ít khó khăn mang tính khách quan nhưng ngành công nghiệp của Thái Nguyên vẫn duy trì tốt nhịp độ sản xuất, một số ngành chủ lực hứa hẹn có sự phát triển bứt phá nhờ nền tảng tăng trưởng vững chắc, sự mở rộng không gian công nghiệp từ sáp nhập Thái Nguyên - Bắc Kạn và cú hích từ các hiệp định thương mại tự do cùng chính sách hỗ trợ đầu tư của địa phương.
Với điều kiện về hạ tầng, nguồn lực nội địa và môi trường đầu tư ngày càng cải thiện, Thái Nguyên hoàn toàn có thể phát triển thành một cực công nghiệp xanh - hiện đại của vùng và cả nước.
Từ đầu năm tới nay, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh thu hút thêm 14 dự án đầu tư mới, trong đó có 9 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký trên 130 triệu USD và 5 dự án vốn trong nước, với tổng vốn đăng ký hơn 11,15 nghìn tỷ đồng. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 343 dự án còn hiệu lực trong các khu công nghiệp, gồm 188 dự án FDI và 155 dự án vốn đầu tư trong nước. Nhiều khu công nghiệp đang tập trung đầu tư hạ hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi thu hút dự án mới và mở rộng quy mô sản xuất các dự án hiện hữu. Đây là dư địa quan trọng để tỉnh tiếp tục nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp và phát triển bền vững. |
Nguồn: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202507/nhieu-diem-sang-tu-dau-tau-cong-nghiep-b4a1566/
Bình luận (0)