
Chủ động ứng phó
Những ngày qua, thị trường ngoại hối trong nước chứng kiến diễn biến “nóng” khi tỷ giá USD/VNĐ liên tục thiết lập mức kỷ lục mới. Đỉnh điểm vào ngày 25/4, giá USD tại các ngân hàng thương mại được niêm yết mua vào ở mức 25.805 đồng/USD và bán ra ở 26.195 đồng/USD, tăng 235 đồng so với cách đó 2 tuần. Đây là mức cao lịch sử trong thị trường ngoại tệ.
Là doanh nghiệp chuyên sản xuất, gia công và xuất khẩu các sản phẩm nhôm định hình tại cụm công nghiệp Tân Dân (Chí Linh), Công ty TNHH Nhôm Đông Á có nguồn thu chủ yếu từ hoạt động gia công theo từng đơn hàng thông qua các hợp đồng gia công xuất khẩu ký kết hằng năm với các đối tác chiến lược. Một số đơn hàng có mức thu phí gia công lên tới 6 triệu USD/tháng.
Tương tự, Công ty CP May II Hải Dương cũng có nguồn thu chủ yếu từ phí gia công các đơn hàng may mặc với một số đối tác để xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Một số đơn hàng có tổng trị giá từ 1,3 – 1,5 triệu USD/năm.
Về lý thuyết, khi tỷ giá tăng, các doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu như Nhôm Đông Á hay May II Hải Dương được hưởng lợi hơn so với các doanh nghiệp nhập khẩu. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng trong thực tế, biến động tỷ giá thường mang lại tác động hai chiều.
"Với các lô hàng xuất khẩu, tỷ giá USD/VNĐ tăng sẽ giúp doanh nghiệp tăng thu từ chênh lệch tỷ giá. Tuy nhiên, để có hàng xuất khẩu, doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên vật liệu. Khi giá USD tăng, chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào tăng theo. Tỷ giá biến động càng mạnh thì tác động đến doanh nghiệp càng lớn”, bà Nguyễn Thị Quế, Giám đốc tài vụ Công ty Nhôm Đông Á nói.
Để ứng phó với biến động tỷ giá, một trong nhiều giải pháp được doanh nghiệp lựa chọn là các sản phẩm ngoại tệ phái sinh từ ngân hàng, như mua bán ngoại tệ kỳ hạn (forward).
Ví dụ, ngân hàng và doanh nghiệp ký hợp đồng mua bán ngoại tệ 10 triệu USD tại ngày A, theo tỷ giá niêm yết của ngày A để lấy VNĐ, theo kỳ hạn nhất định, ví dụ 3 tháng. Sau 3 tháng, ngân hàng sẽ mua lại 10 triệu USD này bằng VNĐ theo tỷ giá đã ký tại ngày A vừa nêu.
Thông thường, các doanh nghiệp sẽ lựa chọn kỳ hạn 1, 2 hoặc 3 tháng. Nếu có sự tính toán, nhận định tốt về sự lên xuống của tỷ giá, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được hàng tỷ đồng, tránh được tối đa ảnh hưởng biến động tỷ giá. "2 trong số 5 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn GFT - nhà sản xuất đồ chơi bằng nhựa và kim loại rất lớn tại Việt Nam đã tiết kiệm được gần 2,5 tỷ đồng từ hợp đồng mua bán ngoại tệ kỳ hạn trong quý I/2024”, ông Phạm Văn Thái, Trưởng Phòng Khách hàng doanh nghiệp FDI (BIDV Hải Dương) thông tin.
Linh hoạt công cụ về ngoại tệ
Tỷ giá USD/VNĐ rất nhạy cảm với các chính sách vĩ mô từ các nước lớn. Việc Mỹ sử dụng công cụ thuế quan để bảo hộ hàng hóa sản xuất trong nước thời gian qua khiến tỷ giá biến động mạnh, tăng giảm khó đoán, thậm chí biên độ dao động có khi lên đến vài trăm đồng/USD.
"Nhiều doanh nghiệp, trong đó có chúng tôi rất khó dự đoán tỷ giá để lựa chọn biện pháp bảo vệ phù hợp. Nếu tới đây, mức thuế mà Mỹ áp đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam cao, tỷ giá biến động mạnh, có thể chúng tôi sẽ tính toán đến việc tìm thị trường khác, giảm thiểu sự phụ thuộc vào đồng USD”, chị Lê Thị Ngọc Trâm, Trưởng Phòng Tổ chức Công ty May II Hải Dương nói.

Trong bối cảnh tỷ giá ngày càng biến động khó lường, sự quan tâm đến các công cụ bảo vệ rủi ro tỷ giá dường như còn hạn chế. Tại BIDV Hải Dương, trong số 2.619 giao dịch ngoại tệ với doanh nghiệp năm 2024 chỉ có 19 giao dịch sử dụng công cụ bảo vệ tỷ giá. Từ đầu năm 2025 đến nay, chưa doanh nghiệp nào sử dụng những công cụ này.
Chính sách thuế quan của Mỹ ngày càng khó đoán tạo ra những tác động sâu rộng đến kinh tế trong nước, nhất là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Cộng đồng doanh nghiệp đang hy vọng vào những tín hiệu khả quan từ các vòng đàm phán thương mại với Mỹ đang diễn ra, song dù theo kịch bản nào, doanh nghiệp cũng cần chủ động.
Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu đầy hấp dẫn. Vì vậy, doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần phối hợp ngân hàng, tìm hiểu kỹ các công cụ bảo vệ tỷ giá để linh hoạt lựa chọn. Bên cạnh forward, giao dịch hoán đổi ngoại tệ (swap), giao dịch hoán đổi tiền tệ chéo (CCS) cũng là những lớp bảo vệ hữu ích.
“Ví dụ, nếu dự đoán diễn biến tỷ giá có xu hướng tăng, doanh nghiệp có thể dùng giao dịch tỷ giá kỳ hạn với đơn hàng nhập khẩu để hạn chế chênh lệch tỷ giá, dùng giao dịch giao ngay với đơn hàng xuất khẩu để hưởng lợi từ chênh lệch. Doanh nghiệp cũng có thể cân nhắc sử dụng công cụ hoán đổi tiền tệ chéo. Hiểu nôm na là sẽ sử dụng thêm một ngoại tệ khác trong quá trình giao dịch, có thể là đồng EUR (đồng tiền chung châu Âu), JPY (yên Nhật) hoặc một ngoại tệ khác. Công cụ này được đánh giá tương đối hiệu quả trong phòng ngừa biến động tỷ giá, nhất là trong trung, dài hạn, thông qua việc linh hoạt chuyển đổi đồng tiền thanh toán”, ông Phạm Văn Thái cho biết thêm.
Theo đại diện Vietcombank Hải Dương, doanh nghiệp xuất nhập khẩu lớn đã có sự quan tâm nhất định đến công cụ bảo vệ tỷ giá nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa thường bỏ qua các công cụ này. Trước những diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới, doanh nghiệp cần thay đổi phương thức quản trị dòng tiền, tránh bị động trước biến động tỷ giá.
HÀ KIÊNNguồn: https://baohaiduong.vn/nhieu-lop-bao-ve-doanh-nghiep-truoc-bien-dong-ty-gia-411113.html
Bình luận (0)