Ông Lê Tăng Trọng Nghĩa – Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ, Giám đốc Vietravel chi nhánh Đà Lạt, điều hành chương trình Cà phê Doanh nhân kỳ 3 |
Phát biểu đề dẫn trong phiên giới thiệu, ông Phạm Nguyễn Ngọc Duy - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ, chia sẻ: Trăn trở của anh em doanh nghiệp trong Hội Doanh nhân trẻ, cũng như cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng trước tình hình sáp nhập tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ vừa muốn động viên tinh thần cho cho hội viên; vừa muốn các doanh nghiệp xác định được vị thế của mình khi sáp nhập; cũng như, những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động… để Hội Doanh nhân trẻ tập hợp, kiến nghị với tỉnh và đề xuất với Trung ương Hội, nhằm giúp doanh nghiệp hội viên nâng cao vị thế khi sáp nhập, hoặc có chiến lược phát triển…
Ông Phạm Nguyễn Ngọc Duy - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ, phát biểu |
2 kỳ Cà phê Doanh nhân trước, Hội Doanh nhân trẻ thực hiện với chủ đề hỗ trợ cho các doanh nghiệp nông nghiệp và sản xuất; lần này hướng đến các doanh nghiệp hoạt động du lịch và kinh doanh nông sản… Cụ thể là các nội dung: Đánh giá tác động của việc sáp nhập đến ngành du lịch; nhận diện cơ hội và thách thức, cũng như giải pháp hoặc các chính sách hỗ trợ để phát triển du lịch hiệu quả…
Ông Lê Nhật Linh - Phó Tổng Giám đốc KDL Lan Anh Đà Lạt, chia sẻ hoạt động liên kết với các doanh nghiệp trong KDLQG Hồ Tuyền Lâm |
Ông Lê Tăng Trọng Nghĩa – Giám đốc Vietravel chi nhánh Đà Lạt, điều hành chương trình, đặt vấn đề: Đánh giá sơ bộ về kết quả mùa lễ 30/4 – 1/5 vừa qua, truyền thông ghi nhận lượng khách đạt khoảng 240 ngàn lượt, tăng khoảng 14,3% so với cùng kỳ năm 2024; nhưng, lại nhận xét không có hiện tượng quá tải, khu vực trung tâm giao thông khá thông thoáng, tình trạng kẹt xe - ùn ứ cục bộ không xảy ra...; trong khi công suất phòng của các cơ sở lưu trú chỉ khoảng 60-75% (toàn tỉnh có hơn 40.600 phòng)… có phải là mâu thuẫn?
Bà Dương Thị Hiền - Phó Trưởng phòng Quản lý Du lịch (Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng), khẳng định doanh nghiệp du lịch Lâm Đồng có nhiều cơ hội khi sáp nhập tỉnh |
Lý giải về phương thức thống kê lượng du khách, theo bà Dương Thị Hiền – Phó Trưởng Phòng Quản lý Du lịch (Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng): Lượng du khách mà Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch công bố là theo thống kê qua khai báo lưu trú của các cơ sở lưu trú du lịch tại cơ quan Công an và phương pháp thống kê khác. Lượng khách đến Đà Lạt – Lâm Đồng trong dịp lễ này có cả khách không qua lưu trú… Bàn về chủ đề chương trình Cà phê Doanh nhân, bà Hiền thông tin thêm: Sau khi sáp nhập, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức một đoàn khảo sát và liên kết tất cả các đơn vị lữ hành của 3 địa phương của tỉnh Lâm Đồng mới. Cơ hội của các doanh nghiệp là rất lớn – bà Hiền khẳng định.
Ông Đoàn Hải Đăng - Tổng Giám đốc Worldtrans, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động du lịch với các doanh nghiệp Lâm Đồng |
Chủ toạ cũng đặt vấn đề ngược lại là làm thế nào để gia tăng thời gian lưu trú của du khách, và với một thực tế rất cụ thể là rất nhiều người dân Đà Lạt chưa đến các điểm du lịch trong KDLQG Hồ Tuyền Lâm, thì truyền thông như thế nào để du khách biết đến mình? Điểm “nghẽn” là ở đâu? Nhiều đại diện doanh nghiệp trong KDLQG Hồ Tuyền Lâm cho rằng, giữa họ chưa có sự kết nối…
Ông Nguyễn Văn Trọng – Tổng Quản lý SAM Tuyền Lâm Golf & Resorts chia sẻ thông tin hoạt động |
Tuy nhiên, ông Nguyễn Phước Duy – Giám đốc Điều hành của Lavender Resorts, cho biết: Lavender Resorts có sân khấu ngoài trời với công suất 4 ngàn chỗ ngồi đã tổ chức 2 show diễn của ca sĩ Quốc Thiên và ca sĩ Noo Phước Thịnh. Do lượng khách trong thời gian tổ chức show diễn đông, đơn vị đã liên kết với Lan Anh resorts để đủ chỗ lưu trú cho khách… Ông Nguyễn Văn Trọng – Tổng Quản lý SAM Tuyền Lâm Golf & Resorts, cũng thông tin: Do lợi thế là có sân Golf rất đẹp, nên Sam đón rất nhiều du khách từ các khách sạn ở Đà Lạt cũng như ở resorts trong KDLQG Hồ Tuyền Lâm…
Ông Nguyễn Quốc Tuyến – Giám đốc Ban Quản lý KDLQG Hồ Tuyền Lâm, khẳng định sẵn sàng phối hợp và hỗ trợ các doanh nghiệp trong Khu du lịch |
Đại diện các doanh nghiệp du lịch cũng nêu những khó khăn đang phải đối mặt, như: thiếu sự liên kết để tạo nên chuỗi giá trị du lịch từ lưu trú, lữ hành, điểm tham quan, vận chuyển, dịch vụ hỗ trợ...; kể cả vai trò của chính quyền và cơ quan quản lý Nhà nước. Ông Nguyễn Quốc Tuyến – Giám đốc Ban Quản lý KDLQG Hồ Tuyền Lâm, chia sẻ: Mặc dù là KDLQG với 37 dự án, nhưng thực tế là KDLQG Hồ Tuyền Lâm chưa hoạt động đồng bộ, chưa có KDL chất lượng cao. Trong bối cảnh sáp nhập sắp tới, dư địa du lịch của Lâm Đồng rất tốt với rừng vàng, biển bạc. Lãnh đạo tỉnh sẽ có những định hướng, nhưng đội ngũ doanh nhân cần có tư duy đổi mới để tạo cơ hội cho mình, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển… Ban Quản lý KDLQG Hồ Tuyền Lâm cũng sẵn sàng phối hợp với các doanh nghiệp trong Khu du lịch…
Ông Tưởng Hữu Lộc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Lâm Đồng bàn về những cơ hội mới của du lịch Lâm Đồng |
Nhiều vướng mắc khác được các doanh nghiệp hoạt động du lịch chỉ ra, như quy hoạch ảnh hưởng đến cơ hội đầu tư vào du lịch của doanh nghiệp, sự phát triển nóng về sản phẩm dịch vụ dẫn đến thiếu chiều sâu văn hoá, “bẫy” thị trường từ “sóng” du khách, nguồn nhân lực chất lượng cao, khả năng tiếp cận vốn, thủ tục pháp lý khi tổ chức các show diễn quốc tế, sự lựa chọn giữa giá và chất lượng,…
Bà Hứa Phi Quyên (Công ty Cổ phần TropiAd) chia sẻ về các hoạt động liên kết du lịch thể thao của Công ty |
Mrs Dung Trần - Quản lý của Ana Mandara Villas Dalat Resort, chia sẻ về nội hàm văn hoá của Khu du lịch Ana Mandara |
Kết luận chương trình Cà phê Doanh nhân kỳ 3 với chủ đề “Sáp nhập tỉnh và vị thế của doanh nghiệp Lâm Đồng”, ông Phạm Nguyễn Ngọc Duy - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ, hài hước cho rằng: Có một thực tế là nhiều doanh nghiệp đầu tư ở Đà Lạt – Lâm Đồng bị thua lỗ, nhiều tập đoàn đã lên Đà Lạt khảo sát và đi về mà không quay lại. Chỉ có một lực lượng sống được là “cò”. Các doanh nghiệp sống tốt là do sang tay, chờ thời… Ngọc Duy hiện có thị trường riêng; nhưng trước đây cũng thử làm du lịch, nhưng thua - vì làm thật, sản phẩm thật, nhưng phần chi phí chia cho môi giới thấp hơn các lò mứt, các điểm bán hàng đặc sản…
Lãnh đạo các đơn vị hoạt động du lịch tin tưởng về một vị thế mới cho du lịch Lâm Đồng |
Liên kết chuỗi giá trị được xem là yếu tố then chốt để phát triển du lịch bền vững và hiệu quả. Làm sao để xây dựng và tăng cường sự liên kết giữa các thành phần trong chuỗi giá trị du lịch, để kết nối được thương mại với du lịch, du lịch với du lịch và mang lại lợi ích cho tất cả các bên, thu hút du khách và ngày càng phát triển… là trách nhiệm và quyền lợi của mỗi doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch nói riêng và doanh nghiệp nói chung. Từ đó, các doanh nghiệp sẽ tự khẳng định mình và nâng cao vị thế của chính mình!
Nguồn: https://baolamdong.vn/kinh-te/202505/ca-phe-doanh-nhan-sap-nhap-tinh-va-vi-the-cua-doanh-nghiep-lam-dong-1dc6919/
Bình luận (0)