Quang cảnh hội nghị - Ảnh: VGP/Lưu Hương
Ngày 7/7, tại Đà Nẵng, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) tổ chức hội nghị “Chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại trong tình hình mới”.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, hiện nay hàng giả không còn giới hạn ở các nhóm sản phẩm xa xỉ như thời trang, mỹ phẩm, mà đã lan sang hầu hết các ngành, từ dược phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng đến linh kiện điện tử, phụ tùng ô tô, xe máy, phân bón, vật tư nông nghiệp... các sản phẩm hàng hóa đều có nguy cơ bị làm giả.
Không chỉ phổ biến ở các thành phố lớn, hàng giả còn lan rộng đến vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, thông qua nhiều hình thức như thương mại điện tử. Thủ đoạn ngày càng tinh vi, từ bao bì, nhãn mác cho đến chất lượng; nhiều mặt hàng giả thậm chí mang cả tem chống giả, khiến người tiêu dùng nhầm lẫn và gây khó khăn cho lực lượng chức năng.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, lực lượng chức năng cả nước đã kiểm tra, xử lý 50.419 vụ việc liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, giảm 21,45% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 10.836 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu (tăng 79,34%); 36.313 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế (giảm 34,14%); 3.270 vụ hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (tăng 8,64%). Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước hơn 6.454 tỷ đồng (tăng 6,39%). Cơ quan chức năng khởi tố hình sự 1.899 vụ với 3.271 đối tượng (tăng lần lượt 192,15% và 70,99%).
Riêng trong tháng cao điểm từ 15/5–15/6/2025, đã xử lý 10.437 vụ vi phạm, trong đó có 1.936 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; 6.870 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế; 1.631 vụ hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Thu nộp ngân sách nhà nước hơn 1.278 tỷ đồng; khởi tố 204 vụ với 382 đối tượng.
Lực lượng chức năng kiểm tra sản phẩm hàng hóa - Ảnh: VGP/Lưu Hương
Xuyên suốt quá trình thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các bộ ngành… nhằm mục tiêu đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền SHTT để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, doanh nghiệp.
Theo ông Đỗ Hồng Trung, Phó Chánh Văn phòng, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, hội nghị lần này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh tình hình sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hành vi gian lận thương mại diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng và cản trở sự phát triển của doanh nghiệp.
Trong tình hình mới, công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại cần sự vào cuộc quyết liệt, toàn diện, đồng bộ từ các cơ quan chức năng, chính quyền, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Với doanh nghiệp, cần nghiêm túc tuân thủ quy định pháp luật, tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng hàng hóa, chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ sản phẩm như đăng ký nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp trong và ngoài nước nếu có hoạt động thương mại quốc tế. Đồng thời, nên sử dụng tem chống giả công nghệ cao, mã vạch bảo mật, thiết kế bao bì độc quyền, có dấu hiệu nhận diện riêng, thường xuyên kiểm soát và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Các sàn thương mại điện tử cần tăng cường trách nhiệm trong kiểm soát hàng hóa, bảo đảm môi trường kinh doanh minh bạch, uy tín. Trong đó cần xây dựng cơ chế kiểm soát người bán, yêu cầu cung cấp giấy tờ hợp lệ, phối hợp với chủ sở hữu nhãn hiệu để bảo vệ thương hiệu, rà soát, gỡ bỏ hàng hóa vi phạm khi có cảnh báo và chịu trách nhiệm liên đới nếu buông lỏng kiểm soát.
Đối với cơ quan chức năng, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại biên giới, sân bay, cảng biển. Đồng thời, ứng dụng công nghệ số để quản lý dữ liệu hàng hóa từ khâu nhập, phân phối đến lưu thông trong nội địa. Các giải pháp như mã định danh hàng hóa, truy xuất nguồn gốc và chủ thể sở hữu nên được triển khai mạnh mẽ.
Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý với doanh nghiệp và các sàn thương mại điện tử để phát hiện, xử lý kịp thời hàng giả, đặc biệt là thông qua phản ánh từ người tiêu dùng và chính các nhãn hiệu chính hãng.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, cảnh báo tác hại của hàng giả, hướng dẫn người tiêu dùng cách phân biệt thật – giả và không tiếp tay cho hành vi tiêu thụ hàng hóa vi phạm.
Lưu Hương
Nguồn: https://baochinhphu.vn/nhieu-mat-hang-gia-tham-chi-mang-ca-tem-chong-gia-102250707150830057.htm
Bình luận (0)