Tọa đàm được dẫn dắt bởi TS Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Trẻ cùng nhà sưu tầm Dư Thanh Khiêm và TS, nhà nghiên cứu lịch sử Bùi Trân Phượng.
Suốt 150 năm qua, Truyện Kiều đã trải qua nhiều lần tái bản, khảo dị, hiệu đính và minh họa dưới nhiều hình thức, thể hiện sự phong phú trong cách tiếp cận và thẩm mỹ in ấn qua các thời kỳ.
Tại chương trình, nhà sưu tầm Dư Thanh Khiêm kể lại những năm tháng ở nước ngoài, sưu tầm từng phiên bản quý hiếm của Truyện Kiều. Chia sẻ về lý do bền bỉ trên hành trình đầy thử thách này, ông cho biết: “Sưu tầm là níu giữ thời gian, tôi luôn tâm đắc điều đó. Hơn nữa, mỗi cuốn sách đều có lịch sử và câu chuyện của riêng nó, chúng ta nên trân trọng”.

Trong vai trò của một nhà nghiên cứu lịch sử, TS Bùi Trân Phượng giải thích giá trị ngôn ngữ trong Truyện Kiều, từ chữ Hán Việt, đến chữ Nôm và chữ Quốc ngữ. Đó là điểm neo để hiểu được tác phẩm, giúp tác phẩm gần hơn với đời sống, đặc biệt là các bạn trẻ. Theo bà, tuy nhân vật và tình tiết trong Truyện Kiều là của Thanh Tâm Tài Nhân, nhưng cái hồn Nguyễn Du mang đến lại gần gũi, sâu sắc với người Việt Nam.

Buổi tọa đàm thu hút sự tham gia của nhiều bạn trẻ. Đây không chỉ là buổi giao lưu học thuật về Truyện Kiều mà còn là không gian văn hóa, nơi mọi người được cảm nhận dòng chảy nghệ thuật của tác phẩm.
Đặc biệt, vào cuối chương trình diễn ra hoạt động bói Kiều, được đông đảo bạn đọc hào hứng tham gia. Mỗi người tham gia chọn một câu thơ bất kỳ và cùng phân tích ý nghĩa mà câu thơ gửi gắm. Hoạt động mang đến nhiều tiếng cười, giúp các bạn trẻ có thêm trải nghiệm mới mẻ với Truyện Kiều.

Tọa đàm “150 năm Kim Vân Kiều muôn mặt” nằm trong khuôn khổ chương trình triển lãm sách chuyên đề "150 hành trình Truyện Kiều Quốc ngữ" đang được diễn ra tại Đường sách TPHCM từ ngày 4 đến ngày 6-7.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/nhin-lai-150-nam-hanh-trinh-truyen-kieu-quoc-ngu-post802572.html
Bình luận (0)