Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nhớ thời bố bán kem

BPO - Người ta thường nói “Đói thì đầu gối cũng phải bò”. Bởi thế, một thời khốn khó trước đây, ngoài làm ruộng, bố tôi phải bươn chải đủ nghề, trong đó có bán kem dạo. Công việc này chẳng mang lại thu nhập khá, nhưng cũng đủ tiền đong gạo nuôi anh em tôi lớn khôn. Và đó cũng là thức quà bình dị mà lũ trẻ quê nghèo chúng tôi một thời vẫn hằng ao ước, vun vào thế giới tuổi thơ những kỷ niệm đậm sâu chẳng thể nào quên…

Báo Bình PhướcBáo Bình Phước22/04/2025

Bố tôi chỉ đi bán kem vào mùa hè. Đó là những ngày nắng cháy, gió Lào, khát khô cả cổ họng, nghĩ đến kem ai cũng thèm. Từ làng, khi trời tang tảng sáng, bố đã lạch cạch đạp xe xuống thị xã để lấy kem về bán. Có khi xe kem của bố về đến nhà, anh em tôi mới mắt nhắm mắt mở thức dậy. Bố ăn tạm bát cơm nguội hay mấy củ khoai luộc và sau đó đạp xe rong ruổi bán kem dạo cả ngày.

Đồ nghề của bố đơn giản, chỉ gồm cái thùng đựng kem được cột chặt bằng dây cao su trên gác ba-ga chiếc xe đạp Thống Nhất, kèm theo phụ kiện là cái còi. Thùng đựng kem gồm hai lớp, lớp gỗ tạp bên ngoài làm khung bảo vệ và lớp thùng xốp bên trong, có nắp đậy để giữ nhiệt. Thu hút khách là cái còi, mỗi lần bóp lại tạo ra tiếng kêu nghe như tiếng rao: “kem… mút…”.

Những que kem bố bán thời ấy giá chỉ mấy trăm đồng một chiếc. Đám trẻ con trong xóm mỗi lần nghe thấy tiếng còi bán kem của bố vang lên lại chạy ùa từ nhà ra ngõ ngó nghiêng, gọi mua, rồi cứ thế cầm que kem trên tay mà mút chứ chẳng dám cắn ăn, vì sợ nhanh hết! Và trong suy nghĩ non nớt của tôi khi ấy mơ hồ: Không biết tên gọi “kem mút” người ta đặt là vì tiếng còi rao kêu như thế, hay vì lũ trẻ con chúng tôi chỉ dám cầm que kem mút qua mút lại, thưởng thức một cách từ từ. Dù gì thì vị thanh mát, ngọt lịm của mỗi que kem giữa những ngày hầm hập nắng luôn có sức hấp dẫn với đám trẻ con.

Tôi thương bố những ngày hè nắng như đổ lửa, cứ rong ruổi ngoài đường trên chiếc xe đạp với thùng kem phía sau. Bán ở làng này chưa hết, bố lại đạp xe đến làng khác, xã khác. Vào mùa gặt giữa hè, bố dắt xe kem xuống tận đồng làng để bán. Dù phải đứng giữa đồng nắng chang chang nhưng bố vẫn cảm thấy vui vì nắng nóng như thế thường sẽ bán được nhiều hơn. Những buổi trưa trật hay xế chiều, khi bán kem về, bố thường ngồi trên chiếc giường tre nơi góc nhà lấy ra một nắm toàn tiền lẻ ngồi đếm, vuốt lại cho phẳng và cất giữ cẩn thận. Những khi ấy, anh em tôi lại xúm xít quanh bố và hỏi: “Hôm nay bán được nhiều không bố?”. Và rồi, vui nhất là được bố “thưởng” cho những que kem ế còn sót lại!

Kem bây giờ sẵn có, đủ loại và thơm ngon hơn rất nhiều. Vậy mà đôi lúc, những que kem đơn giản, rẻ tiền thuở trước vẫn trở thành nỗi khát khao, thao thức hiện về vẹn nguyên trong tâm trí tôi. Những que kem ngày ấy mang theo sự mát lạnh, ngọt ngào của tuổi thơ tôi và cả những gian khó, nhọc nhằn mà bố đã phải trải qua! 

Chào nhé yêu thương, mùa thứ 4, chủ đề “Cha” chính thức ra mắt từ ngày 27-12-2024 trên bốn loại hình báo chí và các hạ tầng số của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV), hứa hẹn sẽ mang đến cho công chúng những giá trị tuyệt vời của tình cha thiêng liêng, cao đẹp.
Hãy gửi đến BPTV những câu chuyện xúc động về Cha bằng cách viết báo, viết bài cảm nhận, thơ, tản văn, video clip, bài hát (có bản thu âm),... qua email [email protected], Phòng Thư ký biên tập, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, số 228, Trần Hưng Đạo, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, số điện thoại: 0271.3870403. Thời gian nhận bài từ nay đến hết ngày 30-8-2025.
Bài viết chất lượng sẽ được đăng phát lan tỏa, được trả nhuận bút, đồng thời tặng thưởng khi khép lại chủ đề với 1 giải đặc biệt và 10 giải xuất sắc.
Hãy cùng “Chào nhé yêu thương” mùa 4 viết tiếp câu chuyện về Cha, để những câu chuyện về Cha được lan tỏa và chạm đến trái tim mọi người!

Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/171847/nho-thoi-bo-ban-kem


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Vì sao Kiên Giang lọt tốp ‘điểm đến thân thân thiện nhất thế giới’
Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm