Ngay lập tức Mỹ-ngụy ra lệnh tái chiếm Buôn Ma Thuột. Do đã có dự kiến và chuẩn bị từ trước nên khi địch tổ chức lực lượng phản kích, Bộ tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên đã chỉ huy giữ vững thị xã Buôn Ma Thuột; đồng thời, điều động lực lượng, tổ chức trận then chốt tiêu diệt toàn bộ lực lượng phản kích, đẩy địch đi đến quyết định sai lầm chiến lược.
Chủ động đẩy địch vào thế bất lợi
Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, đã trực tiếp tham gia Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975, cho rằng: Thực chất Buôn Ma Thuột được ta lựa chọn làm mục tiêu then chốt mở đầu chiến dịch, đồng thời cũng có tác dụng “khêu ngòi” lực lượng ứng cứu giải tỏa của địch. Với địch, lúc đó, Buôn Ma Thuột có giá trị quan trọng và “rất cơ động”, vì đứng ngay ở ngã ba Đường 21 với Đường 14; phía Đông xuống đồng bằng ven biển Nam Trung Bộ, phía Bắc đi Cheo Reo và Pleiku, phía Nam đi Gia Nghĩa và miền Đông Nam Bộ. Một khi ta chiếm được Buôn Ma Thuột thì vùng đồng bằng ven biển của địch sẽ đứng trước nguy cơ thất thủ, chiến trường miền Nam bị cắt ra làm đôi và con đường tiến về Sài Gòn sẽ mở ra. Lúc đó, dù không bị đánh thì Pleiku và Kon Tum cũng phải đầu hàng. Mặt khác, Buôn Ma Thuột còn là nơi đóng sở chỉ huy tiền phương của Sư đoàn 23 ngụy. Khi sở chỉ huy bị đánh thì các lực lượng của sư đoàn này phải đến tăng viện, ứng cứu. Đồng chí Hoàng Minh Thảo, Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên nhiều lần nói rằng, mục tiêu sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy là mục tiêu then chốt của then chốt. Vì vậy, nếu Buôn Ma Thuột đứng trước nguy cơ thất thủ, dù muốn hay không địch cũng buộc phải phản kích. Do đó, chọn mục tiêu “khêu ngòi”-Buôn Ma Thuột thể hiện sự đánh giá tình hình sắc sảo, chủ động đưa địch vào bất lợi, khẳng định tư duy quân sự nhạy bén của Bộ tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên.
Từ nhận định trên, vấn đề đặt ra cho ta là, nếu mục tiêu “khêu ngòi”-Buôn Ma Thuột phát huy tác dụng thì địch sẽ sử dụng lực lượng nào ứng cứu và đổ bộ ở đâu? Theo Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tham mưu trưởng Chiến dịch Tây Nguyên, nguyên Tư lệnh Quân khu 4: Trong kế hoạch tác chiến chiến dịch, ta loại trừ tình huống địch tăng cường lực lượng bằng máy bay có cánh cố định vì các sân bay xung quanh Buôn Ma Thuột đã bị ta khống chế bằng nhiều cách. Địch cũng không thể ứng cứu bằng đường bộ vì ta sẽ cắt đứt các trục đường số 19, 21 và 14. Chúng chỉ có thể ứng cứu giải tỏa đường không bằng máy bay lên thẳng.
Quân giải phóng tiến vào sân bay Hòa Bình ở thị xã Buôn Ma Thuột, tháng 3-1975. Ảnh tư liệu |
Về lực lượng ứng cứu. Quân đoàn 2 của địch ở Tây Nguyên chỉ có Sư đoàn 23 là đáng kể, còn các liên đoàn biệt động quân thì sức chiến đấu kém. Lực lượng tổng dự bị chiến lược bị phân tán ở nhiều nơi, do vậy địch chỉ có thể đưa Sư đoàn 23 (thiếu) đang ở Bắc Tây Nguyên về ứng cứu. Mặt khác, nếu đổ quân bằng máy bay lên thẳng, thì lực lượng phản kích của địch không thể mang theo xe tăng mà chỉ có một số khẩu pháo, rất ít đạn dược, xăng dầu và cơ sở vật chất. Như vậy, sức chiến đấu của chúng đã kém lại càng kém hơn.
Khu vực địch sẽ tiến hành đổ bộ ở đâu? Theo ta nhận định, nếu mục tiêu “khêu ngòi” bị tiến công mạnh, địch sẽ đổ bộ dọc theo Đường 21 ở phía Đông Buôn Ma Thuột, vì khu vực này địa hình tương đối thuận lợi cho việc đổ bộ đường không, có lực lượng phòng thủ tại chỗ còn tương đối mạnh, hơn nữa, lại gần những vị trí mà chúng có thể lợi dụng để làm bàn đạp như căn cứ của Trung đoàn 45, Trung đoàn 53 và sân bay Hòa Bình.
Từ nhận định trên, để bảo đảm chắc thắng và “khêu ngòi” chiến dịch hiệu quả, ta đã tập trung phần lớn lực lượng chủ yếu của chiến dịch tiến công Buôn Ma Thuột. Đúng như ta dự kiến, trước đòn tiến công mãnh liệt vào thị xã Buôn Ma Thuột, ngày 12-3-1975, qua trinh sát ta nắm được tin Sư đoàn trưởng Sư đoàn 23 ngụy báo cho Căn cứ 53 ở sân bay Phụng Dực (còn gọi là sân bay Hòa Bình) đang bị bao vây là sẽ có lực lượng xuống tăng viện, ứng cứu và phản kích lấy lại Buôn Ma Thuột.
Theo Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng: Thực tế, ngày 11-3-1975, khi ta chiếm được Buôn Ma Thuột, địch đã tổ chức những đợt phản kích nhỏ lẻ. Nhưng đến sáng hôm sau, ta đã chiếm được Căn cứ 45, còn Căn cứ 53 đang phải đối phó với cuộc tiến công của ta nên địch buộc phải đổ quân xuống các vị trí không được xác định trước ở khu vực Nông Trại-Phước An. Sau này nghiên cứu các văn bản tổng kết, từ chiều 12 đến hết ngày 13-3-1975, địch sử dụng 145 lần máy bay lên thẳng, được 81 lần máy bay chiến đấu cường kích yểm hộ, đổ bộ Trung đoàn 45 và Pháo đội 232 xuống khu vực dọc Đường 21 từ điểm cao 581 đến Phước An ở phía Đông Buôn Ma Thuột nhằm phản kích. Đây là cuộc đổ quân lớn nhất của địch từ sau Hiệp định Paris (tháng 1-1973). Như vậy, mục tiêu “khêu ngòi” chiến dịch ta đã thực hiện được.
Từ “khêu ngòi” chiến dịch, dựa vào thế trận chiến dịch, ta tiếp tục “khêu ngòi” chiến thuật, buộc địch phải đổ nốt lực lượng dự bị cuối cùng của Quân đoàn 2 vào thế bất lợi. Ta lấy ngay lực lượng đổ bộ tăng viện (Trung đoàn 45) của địch làm mục tiêu “khêu ngòi” chiến thuật, bằng cách sử dụng lực lượng đánh chiếm những bàn đạp (Căn cứ 53 ở sân bay Hòa Bình) làm địch mất chỗ dựa, phá thế triển khai của địch; tổ chức bao vây, cô lập từng cụm quân địch vừa đổ bộ, không cho chúng kịp triển khai đội hình. Cùng với sử dụng hỏa lực chế áp mãnh liệt vào đội hình địch, đồng thời bộ binh và xe tăng ta tiến công từng cụm quân, tập trung vào cụm quân chủ yếu ở Phước An, đẩy địch vào thế bất lợi. Bị uy hiếp mạnh buộc địch phải tiếp tục đổ Trung đoàn 44 và Sư đoàn bộ Sư đoàn 23 cùng 4 khẩu pháo xuống Phước An để ta tiến công tiêu diệt.
Tạo lập thế trận tiến công vững chắc
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước luận giải: Dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ tư lệnh Chiến dịch, bằng sự chủ động, tích cực của chính đơn vị trực tiếp chiến đấu (Sư đoàn 10), ta đã giành được thế chủ động ngay từ đầu, nhanh chóng khống chế và tiêu diệt quân địch khi chúng vừa đặt chân xuống khu vực tác chiến. Ngay sau khi đánh chiếm xong Đức Lập, một mặt Bộ tư lệnh Chiến dịch tiếp tục chỉ đạo các lực lượng tiến công Buôn Ma Thuột đẩy mạnh tác chiến tiêu diệt các mục tiêu còn lại tại Buôn Ma Thuột theo kế hoạch, một mặt lệnh ngay cho Sư đoàn 10 và tạo điều kiện phương tiện vận chuyển hành quân cấp tốc vượt qua quãng đường 170km về đứng chân ở phía Bắc thị xã Buôn Ma Thuột 25km, sẵn sàng tăng cường tiến công và triển khai thế trận đánh địch phản kích.
Tại thời điểm đó, Bộ tư lệnh Chiến dịch trực tiếp chỉ đạo lực lượng tại chỗ (Trung đoàn 149, Sư đoàn 316) đẩy mạnh tiến công địch ở Căn cứ 53 và sân bay Hòa Bình, không để địch lợi dụng làm bàn đạp đổ bộ tiến công vào thị xã Buôn Ma Thuột. Trung đoàn 24 sau khi hoàn thành nhiệm vụ thọc sâu đánh chiếm sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy, cũng được lệnh triển khai lực lượng tại chỗ sẵn sàng đánh địch phản kích. Về hỏa lực, Bộ tư lệnh Chiến dịch sử dụng cụm pháo binh và cụm phòng không chiến dịch trực tiếp chi viện cho Sư đoàn 10 triển khai đội hình chiến đấu. Trung đoàn 66 đứng chân ở phía Đông Bắc khu Tây Đạt Lý làm dự bị chiến dịch sẵn sàng tăng sức chiến đấu cho các bộ phận. Do hành quân bằng cơ giới nên các đơn vị làm nhiệm vụ đánh địch đổ bộ đường không đã cơ động triển khai nhanh. Chỉ trong thời gian ngắn, ta đã tập trung được một lực lượng lớn với đầy đủ các binh chủng, triển khai đội hình trên khu vực dự kiến địch đổ bộ đường không, hình thành thế trận tiến công vững chắc.
Trong cuốn “Chiến dịch Tây Nguyên đại thắng”, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo viết: Với thế bố trí trên, ta vừa có hỏa lực mạnh chi viện, vừa có lực lượng đủ lớn để trực tiếp tiến công địch đổ bộ đường không. Với các hoạt động tập trung, phân tán, chuyển hướng, lật cánh lực lượng một cách linh hoạt, cơ động và kịp thời, ta đã tạo được thế trận vừa có chiều dày lại vừa có chiều rộng, một thế trận vừa mạnh lại vừa dẻo dai và sắc nhọn.
Về địch, do điều kiện sân bay Hòa Bình, Căn cứ 45 và Căn cứ 53, Chư Nga... đang bị ta tiến công và địa hình không cho phép triển khai lực lượng lớn, phải đổ quân ở những khu vực địa hình bất lợi, lại trong thế bị động nên địch không thể đổ Sư đoàn 23 xuống cùng một lúc để phản kích mà chúng buộc phải đổ quân trong tình trạng bị cô lập. Thiếu xe tăng và pháo binh chi viện, chỉ có không quân là hỏa lực chi viện duy nhất cho quân đổ bộ, trong khi phần lớn các bàn đạp đã triển khai phản đột kích lại bị ta đánh chiếm từ trước; địch chỉ còn dựa vào quận lỵ Phước An và cụm cứ điểm Chư Cúc dọc theo Đường 21, nhưng lại cách khá xa thị xã Buôn Ma Thuột nên sức phản đột kích của chúng ngay từ đầu đã lâm vào thế yếu.
Trên cơ sở nhận định chính xác, bằng sự phân tích sắc sảo, đánh giá sát đúng tình hình, Bộ tư lệnh Chiến dịch đã chỉ đạo các đơn vị trực tiếp tham chiến, tạo lập thế trận tiến công vững chắc, cùng với cách đánh linh hoạt, ta đã đập tan ý đồ phản kích chiếm lại Buôn Ma Thuột của địch. Không những xóa sổ Sư đoàn 23-“những thiên thần lịch sử” của quân ngụy, mà còn quét sạch luôn các lực lượng bảo an dân vệ địa phương và tàn quân các nơi chạy về, giải phóng thêm quận Phước An và Chư Cúc.
Chiến thắng này, cùng với thắng lợi của trận then chốt quyết định mở đầu chiến dịch ở Buôn Ma Thuột làm bùng nổ chiến dịch, đã tạo ra thời cơ mới: Thời cơ tiêu diệt lực lượng tháo chạy của Quân đoàn 2 ngụy và phát triển chiến dịch xuống các tỉnh ven biển miền Trung, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên năm 1975, mở đường cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
SƠN BÌNH - HỒNG THÁI
(còn nữa)
Nguồn: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/nhung-don-danh-quyet-dinh-trong-chien-dich-tay-nguyen-bai-2-kheu-ngoi-de-diet-dich-phan-kich-tai-chiem-buon-ma-thuot-821933
Bình luận (0)