Một tờ giấy, nghìn hình dạng
Theo chỉ dẫn từ Nguyễn Việt Hưng, một thành viên điều hành của Câu lạc bộ Gấp giấy Hà Nội, tôi đi phía cổng sau của Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, qua một cầu thang nhỏ và leo lên tầng 4 của khu nhà. Hai dãy hành lang hun hút hiện ra trước mắt và trong khi chưa biết rẽ hướng nào, chợt nhìn thấy một hàng giày, dép của trẻ con được xếp ngăn nắp trước cửa một căn phòng, tôi nghĩ có thể chúng đang trong buổi sinh hoạt hằng tuần của Câu lạc bộ Gấp giấy Hà Nội.
Tôi biết Hưng trước đó từ triển lãm origami quốc tế “Giao điểm” nhân kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Gấp giấy Việt Nam (VOG) nhưng đây là lần đầu tiên tôi được mời đến Câu lạc bộ Gấp giấy Hà Nội. Gọi là câu lạc bộ nhưng thực tế đó chỉ là một căn phòng rộng khoảng 50m2. Lúc tôi bước vào, bên chiếc bàn to được ghép lại từ những chiếc bàn nhỏ đã có vài cậu bé ngồi ngay ngắn và chăm chú gấp giấy.
Sau đó vài phút, căn phòng trở nên sôi động hơn vì những bạn nhỏ mới đến, tất cả đều trong độ tuổi từ 8-10 tuổi. Ở độ tuổi này, đúng là thật khó để bắt các cậu bé ngồi yên một chỗ và tập trung hoàn toàn vào các động tác gấp giấy hay chỉ đơn giản là nhìn hình để phân tích. Tuy vậy, theo quan sát của tôi, Hưng rất kiên nhẫn với sự nghịch ngợm của chúng. Lúc thì anh bắt chúng tập trung vào mỗi mẫu gấp, lúc thì anh để chúng thư giãn tại chỗ bằng cách xem sách mẫu.
Vốn là một kỹ sư tự động hóa, chàng trai sinh năm 1986 cho biết, origami là một phương pháp giáo dục phát triển toàn diện cho trẻ. Origami giúp chúng phát triển tư duy không gian và logic, rèn kỹ năng vận động, sự kiên trì và khơi dậy sáng tạo, thẩm mỹ bởi chỉ từ một tờ giấy, chúng có thể gấp được hàng nghìn mẫu vật khác nhau từ đơn giản đến phức tạp.
Không có gì ngạc nhiên khi Hưng cũng làm quen với origami từ năm học lớp 7 và gắn bó với loại hình nghệ thuật này cho đến giờ. Năm 2008, anh và người bạn Nguyễn Hùng Cường kết hợp thành lập Câu lạc bộ Gấp giấy Hà Nội. Tuy bị gián đoạn một thời gian do đại dịch Covid-19, nhưng năm 2023, câu lạc bộ được mở trở lại và duy trì số thành viên hiện tại khoảng 30 người.
Điều đáng nói là Câu lạc bộ Gấp giấy Hà Nội hoạt động chủ yếu vì cộng đồng, không vì lợi nhuận, mục tiêu là tạo ra không gian để những người có chung đam mê gắn kết, chia sẻ và học hỏi lẫn nhau. Và như đã nêu trên, câu lạc bộ không chỉ dừng lại ở việc dạy gấp giấy, mà còn sử dụng nghệ thuật này như một công cụ giáo dục.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, Câu lạc bộ Gấp giấy Hà Nội còn lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường thông qua việc sử dụng giấy tái chế. Bởi các mô hình đều được làm từ giấy cũ hoặc giấy tái chế, giá thành rẻ, qua đó giảm chất thải và đóng góp vào công cuộc bảo vệ môi trường. Đồng thời, đây cũng là một cách để giáo dục cộng đồng về ý thức bảo vệ tài nguyên.
Nghìn cánh hạc của Sadako
Hưng cho biết, mẫu origami có thể đơn giản như chiếc thuyền hay máy bay giấy chúng ta thường gặp, nhưng cũng có thể hết sức phức tạp như hình rồng, phượng, voi, tháp Eiffel…
Một trong số những mẫu origami được biết tới nhiều nhất là hình con hạc, vốn được xem là điềm tốt lành trong quan niệm của người Nhật Bản. Truyền thuyết kể rằng, ai gấp được 1.000 con hạc giấy có thể biến điều ước thành thật. Cũng vì thế mà 1.000 con hạc giấy cũng gắn liền với câu chuyện về bé gái Sasaki Sadako năm 1955, nạn nhân của vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki.
Khi người Mỹ thả quả bom nguyên tử xuống Hiroshima vào ngày 6/8/1945, Sadako mới 2 tuổi và đang ở nhà, cách tâm vụ nổ chỉ hơn 1km. 10 năm sau cô bé bắt đầu phát bệnh ung thư bạch cầu. Tháng 8/1955, cô bé được gửi tặng 1.000 con hạc giấy. Đây là món quà của người dân Nagoya tặng bệnh viện như một lời chúc sức khỏe cho các bệnh nhân (theo truyền thuyết nghìn hạc giấy, nếu người nào đó gấp đủ 1.000 con hạc giấy và kết lại thành chuỗi thì một điều ước, thường là về sức khỏe, của người đó sẽ trở thành hiện thực). Tin vào truyền thuyết đó cùng cảm hứng từ món quà của người dân Nagoya, Sadako bắt đầu tự gấp hạc với niềm tin cô bé sẽ khỏi bệnh nếu gấp đủ nghìn hạc giấy…
Mặc dù vậy, nhìn vào một số mẫu mà Hưng và các thành viên Câu lạc bộ Gấp giấy Hà Nội đã hoàn thành được bày trên một chiếc tủ gỗ, tôi cho rằng, origami phức tạp và sáng tạo hơn rất nhiều những con hạc giấy mà phần lớn người gấp giấy đều có thể gấp được.
Thường thì trong các cuốn sách origami tôi được Hưng cho xem, tất cả đều bắt đầu bằng phần mô tả về những kỹ thuật origami cơ bản được sử dụng để xây dựng các mô hình. Phần này bao gồm những sơ đồ đơn giản về các nếp gấp cơ bản như nếp gấp đơn, nếp gấp đối xứng, nếp gấp túi, nếp gấp lồi, nếp gấp lõm,... Sau đó là những mô hình từ đơn giản đến phức tạp, thậm chí rất khó.
Hưng cho biết, trong lịch sử phát triển origami, Akira Yoshizawa (1911-2005) được coi là “cha đẻ” của origami hiện đại. Ngoài việc sáng tác hơn 50.000 mẫu, trong đó vài trăm mẫu đã được đưa vào 18 cuốn sách của ông, đại sư người Nhật Bản này đã phát triển hệ thống ký hiệu quốc tế (gồm ký hiệu, mũi tên và sơ đồ) để diễn giải các bước gấp và sáng tạo hàng trăm mô hình origami.
Bên cạnh đó, mặc dù Yoshizawa là người tiên phong trong nhiều kỹ thuật origami khác nhau, nhưng gấp ướt là một trong những đóng góp quan trọng nhất của ông cho origami hiện đại. Kỹ thuật này bao gồm việc làm ẩm nhẹ giấy trước khi gấp. Gấp ướt cho phép thao tác giấy dễ dàng hơn, tạo ra các mô hình origami hoàn thiện có hình dạng tròn hơn và điêu khắc hơn. Theo Hưng, gấp ướt thường được sử dụng với giấy dày hơn bởi giấy origami thông thường rất mỏng và do đó dễ bị rách khi sử dụng kỹ thuật gấp ướt.
Với việc đưa origami từ một kỹ năng trở thành một nghệ thuật đương đại, có thể nói Yoshizawa đã giúp origami trở nên nổi tiếng toàn cầu và có ảnh hưởng lớn đến nhiều nghệ sĩ origami sau này. Tuy vậy, dù đọc hiểu hệ thống ký hiệu tốt, việc gấp theo một mô hình có sẵn vẫn không hề dễ dàng cho bất cứ người gấp nào, chưa nói đến chuyện họ có thể sáng tác những mô hình mới của riêng mình. Chẳng hạn như những mẫu đơn giản thì chỉ cần khoảng 40-50 bước gấp, nhưng những mẫu phức tạp sẽ mất từ 100 bước gấp trở lên, trong đó có mô hình nhân mã mà Hưng cho tôi xem lên tới 464 bước gấp.
Ngoài ra, Hưng đã giới thiệu cho tôi một số trường phái trong origami, chẳng hạn như origami truyền thống trong gấp hạc, ếch, thuyền, hộp. Trường phái này ít nếp gấp, biểu tượng hóa đối tượng thay vì mô tả chi tiết và không tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc “không cắt, không dán” như origami hiện đại.
Sau là origami hiện đại, phát triển mạnh từ thế kỷ 20 nhờ Yoshizawa, người đặt nền móng cho biểu tượng sơ đồ gấp (Yoshizawa-Randlett system). Trường phái này tập trung vào việc tái hiện chính xác hình dáng tự nhiên của động vật, người, vật thể như: Sư tử, rồng, nhân vật lịch sử, hoa hồng, côn trùng có nhiều chi... và không cắt, không dán, chỉ dùng một tờ giấy duy nhất.
Tiếp theo là origami tổ hợp hoặc ghép, nghĩa là gấp nhiều đơn vị giống nhau rồi được lồng ghép vào nhau để tạo thành hình khối lớn, phức tạp như đa diện đều, vòng hoa hay mô hình kiến trúc.
Rồi origami thuần khiết, tức là khi gấp một mẫu vật, người gấp chỉ được chọn đúng một loại origami. Người gấp không được phép kết hợp các loại origami khác nhau khi gấp một mẫu vật. Vi phạm quy tắc này tức là chúng ta đã bước ra ngoài ranh giới nghệ thuật origami…
Tại triển lãm Giao điểm vừa qua, tôi đã có dịp hiểu rõ hơn những trường phái như vậy, quan sát kỹ những kỹ thuật gấp giấy từ cơ bản đến phức tạp của các thành viên trong Câu lạc bộ Gấp giấy Hà Nội hay Câu lạc bộ Xếp giấy Sài Gòn và rộng hơn là Hội Gấp giấy Việt Nam. Qua mỗi đường gấp, như Hưng chia sẻ, thì đó không chỉ là kỹ thuật. Những vết xếp thời gian ấy, thực chất là cách con người kể chuyện - không bằng tiếng nói, mà bằng đôi bàn tay và sự sáng tạo trong suy nghĩ.
Nguồn: https://nhandan.vn/nhung-duong-gap-ke-chuyen-cua-nghe-thuat-origami-post877082.html
Bình luận (0)