Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Những gương sáng mang họ Hồ của Bác

Vinh dự và tự hào được mang họ Hồ của Bác, hàng chục thập kỷ trôi qua, người Vân Kiều, Pa Kô ở dãy Trường Sơn hùng vĩ một lòng theo Đảng, theo cách mạng, đoàn kết, sáng tạo chung sức khắc phục khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Kế thừa truyền thống yêu nước của thế hệ cha anh đi trước, lớp trẻ nơi đây không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ, trở thành những tấm gương sáng trong nhiều lĩnh vực ở đại ngàn.

Báo Quảng TrịBáo Quảng Trị19/05/2025

Xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”

Những năm qua, Trung uý Hồ Văn Dư, người Pa Kô, Đội trưởng Vũ trang, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay được biết đến là một người lính trẻ gương mẫu và đầy trách nhiệm với nhiệm vụ được giao.

Anh luôn bám, nắm chắc địa bàn, chủ động tham mưu ban chỉhuy đơn vịxây dựng kếhoạch, tổchức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, canh gác, bảo vệan ninh biên giới. Anh cũng gần gũi, hiểu tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân và có nhiều cách làm thiết thực, tạo sự yêu mến của bà con, góp phần xây dựng khu vực biên giới vững mạnh.

Những gương sáng mang họ Hồ của Bác

Trung uý Hồ Văn Dư phát cháo cho người bệnh tại Trạm Y tế xã Tà Rụt - Ảnh: N.T

Để đảm bảo an ninh, an toàn tại Cửa khẩu quốc tế La Lay nói riêng và địa bàn phụ trách nói chung, Trung uý Dư gương mẫu trong việc duy trì nghiêm các chế độ nền nếp chính quy. Quản lý chặt chẽ cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền không để xảy ra vi phạm kỷ luật, pháp luật. Anh tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện tốt tuần tra bảo vệ đường biên, mốc quốc giới, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, ngăn chặn các hành vi vi phạm quy chế khu vực biên giới đất liền.

Qua đó, phát hiện, bắt giữ và xử lý nhiều vụ buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép, xuất nhập cảnh trái phép... Địa bàn anh phụ trách thường bị mưa lũ, anh chủ động bố trí lực lượng chốt giữ không cho người, phương tiện qua lại trong thời gian các đoạn đường bị mưa bão làm ngập lụt, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện đi lại; sẵn sàng cơ động về cơ sở giúp người dân khắc phục các hậu quả bão lụt.

Là người lính nhiều nhiệt huyết, anh đi đầu tham gia nhiều hoạt động, phong trào thi đua của ngành biên phòng, địa phương. Đặc biệt, trong năm 2024, hưởng ứng tham gia các hoạt động, phong trào do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức, cùng đơn vị giành nhiều kết quả cao như: giải Nhất toàn đoàn hội thi, hội thao cho nhiệm vụ huấn luyện; giải Nhì toàn đoàn hội thi, hội thao bắn súng quân dụng; giải Nhì toàn đoàn hội thi tuyên truyền viên trẻ; riêng cá nhân anh, đạt kết quả loại giỏi trong kiểm tra bắn súng tiểu liên AK.

Với mong muốn giúp người dân nâng cao ý thức, có cuộc sống tốt đẹp hơn, Trung uý Dư tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ và Nhân dân khu vực biên giới. Trên cương vị được giao đảng viên tham gia sinh hoạt chi bộ thôn và phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới, anh vận động người dân tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh biên giới; chuyển đổi sản xuất phù hợp để phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo bền vững, xây dựng đời sống mới cho bà con; vận động trẻ em đến trường học tập đầy đủ...

Chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương duy trì có hiệu quả các mô hình, chương trình đã triển khai như: tổ tự quản an ninh trật tự thôn, bản; hộ gia đình, cá nhân tham gia tự quản đường biên, mốc quốc giới; kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới. Anh còn tham gia thực hiện tốt công tác quần chúng như: Chương trình “Ổ bánh mì nơi biên giới”, “Nồi cháo nghĩa tình nơi biên giới”, “Nâng bước em đến trường”, “Con nuôi đồn Biên phòng”...

“Bản thân tôi rất tự hào được mang họ Hồ của Bác và luôn tự nhủ phải nỗ lực khắc phục khó khăn, không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ, nghiệp vụ, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đem lại cuộc sống bình yên cho Nhân dân”, Trung uý Dư chia sẻ.

Vì sự nghiệp trồng người vùng khó

“Tôi sinh ra và lớn lên tại xã Tà Rụt, huyện Đakrông. Nơi đây trẻ em còn nhiều thiệt thòi về nhiều mặt, nhất là điều kiện học tập. Là một giáo viên người Pa Kô, thấu hiểu được những khó khăn, thiếu thốn của học sinh người dân tộc thiểu số (DTTS) mà mình từng trải qua nên tôi luôn tâm niệm sẽ nỗ lực hết mình trong công tác giảng dạy và học tập để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn”, cô giáo Hồ Thị Minh Hậu, giáo viên Trường Tiểu học Tà Rụt, huyện Đakrông bộc bạch.

Những gương sáng mang họ Hồ của Bác

Cô giáo Hậu luôn nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với học sinh vùng khó - Ảnh: N.T

Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Huế năm 2014, với mong muốn được công tác tại quê hương, cô giáo Hậu xin dạy hợp đồng tại Trường Tiểu học A Bung, huyện Đakrông. 4 năm hợp đồng, lương thấp, cuộc sống khá chật vật nhưng với tình yêu nghề luôn thôi thúc cô cố gắng vì sự học của học sinh vùng khó.

Với sự kiên trì, yêu nghề và tình cảm dành cho học trò, cô đổi mới phương pháp giảng dạy, khơi gợi sự hứng thú học tập cho các em; cô theo dõi sát sao, phát hiện, giúp các em phát huy năng lực, sở trường trong học tập.

Vì thế lớp học của cô lúc nào cũng duy trì tốt sĩ số. Tháng 12/2018, cô được biên chế dạy học tại Trường Tiểu học Tà Rụt. Trong quá trình giảng dạy, cô luôn trăn trở làm sao để học sinh được tiếp cận tri thức dễ hiểu nhất, làm sao lan tỏa những giá trị tốt đẹp, tinh thần vượt khó và niềm tin vào giáo dục đến đồng nghiệp, học sinh. Học sinh phần lớn là con em đồng bào DTTS, nhiều em chưa thông thạo tiếng phổ thông, nên việc tiếp thu bài học gặp nhiều khó khăn.

Không ít em còn phải phụ giúp gia đình làm nương rẫy nên việc đến trường đôi khi bị gián đoạn gây cản trở lớn việc đến trường của các em. Trong hoàn cảnh đó, cô giáo Hậu tích cực tuyên truyền người dân hiểu tầm quan trọng việc học của con em mình; vận động học sinh đến trường, lồng ghép, giải thích, phiên dịch cho học sinh hiểu tiếng Kinh giúp các em tiếp thu bài tốt hơn.

Cô luôn nỗ lực sáng tạo trong cách dạy, lồng ghép văn hóa địa phương vào bài giảng, tổ chức các hoạt động ngoại khóa phù hợp với điều kiện thực tế. Thương học sinh quê mình còn nhiều thiếu thốn về vật chất, cô giáo Hậu tích cực cùng với đồng nghiệp kêu gọi vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ áo quần, giày dép, sách vở...tiếp sức cho các em đến trường.

Với những nỗ lực không ngừng trong công tác, nhiều năm học liền cô giáo Hậu đạt danh hiệu lao động tiên tiến, giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Riêng trong năm học 2023-2024 đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở; giấy khen của Hội khuyến học huyện Đakrông; giấy khen của Ban chấp hành Hội Khuyến học xã Tà Rụt.

Bí thư Đoàn tiên phong phát triển kinh tế

Nhớ lời Bác căn dặn thanh niên: “Thanh niên sẽ làm chủ nước nhà. Phải học tập mãi, tiến bộ mãi, mới thật là thanh niên”, anh Hồ Văn Cao, người Vân Kiều, Bí thư Đoàn thanh niên xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa luôn đi đầu trong phong các hoạt động, phong trào tại địa phương. Đặc biệt, anh tích cực tìm hướng đi mới trong phát triển sản xuất, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Những gương sáng mang họ Hồ của Bác

Hồ Văn Cao tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho cá - Ảnh: N.T

Thông qua các chương trình hoạt động của đoàn về phát động thi đua lao động sản xuất kinh doanh, năng động sáng tạo để lập thân lập nghiệp, Hồ Văn Cao tích cực đi đầu tìm tòi, nghiên cứu các mô hình ở những vùng có điều kiện tương đồng, chủ động tìm hiểu kiến thức khoa học kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi; vay vốn thông qua tín chấp của đoàn thanh niên để chủ động nguồn vốn ban đầu bắt tay vào xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp.

Trên cơ sở các diện tích cây trồng đã già cỗi, năng suất thấp, anh cải tạo và quy hoạch để trồng cà phê chè catimo, trồng tràm và đào ao nuôi cá. Tất cả các khâu từ làm đất, chọn giống, xuống giống, chăm bón đều được anh tìm hiểu và triển khai kỹ càng. Hiện mô hình của anh bao gồm: 3 ao cá rộng hơn 8 sào thả trên 1.500 con cá giống các loại. Thức ăn cho cá, anh tận dụng từ nguồn cỏ sẵn tại vườn đồi và bột xay từ các loại thực phẩm nông nghiệp khác.

Hơn 1,5 ha tràm gần 5 năm tuổi, bắt đầu cho thu hoạch. Hơn 2 sào cà phê phát triển xanh tốt, cho năng suất khá cao, bình quân mỗi niên vụ thu về trên 2 tấn quả tươi. Trên các diện tích cà phê già cỗi và một số còn bỏ hoang, anh chuyển đổi sang trồng cà phê mít, gừng và dong riềng, bình quân thu hoạch 4 tấn củ tươi/vụ. Tổng thu nhập bình quân mô hình này hơn 200 triệu đồng/năm.

“Từ kết quả bước đầu trong xây dựng mô hình kinh tế tống hợp, gia đình tôi tiếp tục duy trì, nâng cao hiệu quả để có cơ sở mở rộng mô hình. Hiện chúng tôi hoàn thành khâu làm đất chuẩn bị xuống giống hơn 1,5 tạ gừng và trồng mới 1,5 ha cà phê mít. Ngoài ra, trên các diện tích ao cá của gia đình, chúng tôi triển khai dựng các chòi giữa ao cá để thí điểm dịch vụ trải nghiệm câu cá” anh Cao cho biết.

Ngọc Trang

Nguồn: https://baoquangtri.vn/nhung-guong-sang-mang-ho-ho-cua-bac-193730.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cảnh bình minh đỏ rực như lửa tại Ngũ Chỉ Sơn
10.000 món đồ cổ đưa bạn trở về Sài Gòn xưa
Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập
Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm