Có chúng tôi, những người Công Thương đang viết tiếp câu chuyện hoà bình bằng trái tim, bàn tay, khối óc để cho đất nước mãi tiến về phía trước bằng sức mạnh kinh tế thời bình trong bản hùng ca 50 năm hoà bình, thống nhất, hội nhập và phát triển.
Hồi ức của lửa và thép
30/4/1975 – đất nước non sông liền một dải. Tiếng súng vừa im trên thành phố, đoàn xe chở than đá, xăng dầu, vải vóc, sắt thép, lương thực đã rầm rập vào miền Nam. Những người Công Thương không cởi bỏ quân phục, họ chỉ thay súng bằng vô lăng xe tải, búa, thước cặp, máy in hóa đơn, máy phát điện... Lặng lẽ, bền bỉ và quyết liệt như chính dân tộc này.
Trong thời kháng chiến chống Mỹ, ngành Công Thương không chỉ vận chuyển hàng hoá, xăng dầu, mà còn tổ chức sản xuất ngay trong rừng, dưới bom đạn, ở các trạm hậu cần. Những chiếc lò luyện gang dã chiến, những cửa hàng thương nghiệp mọc lên từ hầm đất. Những người lính từ mặt trận khi trở về đã tiếp tục xung phong vào Binh đoàn 318 để phát triển dầu khí, hay trở thành những cán bộ quản lý thị trường, công nhân các nhà máy dệt, luyện kim, hóa chất... Họ là những chiến binh, nhưng cũng là những người kiến thiết.
Những người Công Thương đang viết tiếp câu chuyện hoà bình bằng trái tim, bàn tay, khối óc để cho đất nước mãi tiến về phía trước. Ảnh minh họa |
Có hàng nghìn, hàng vạn người lính đã không trở về với hào quang vũ khí, mà khoác lên mình bộ đồng phục công nhân, kỹ sư, cán bộ thị trường trở thành nốt nhạc bền bỉ trong bản giao hưởng mùa Xuân 50 năm đất nước vươn mình. Binh đoàn 318 chuyển thành binh đoàn dầu khí bền bỉ khai thác vàng đen cho Tổ quốc.
5 năm, một đại thử thách
Thế giới 5 năm qua là một chuỗi những trận động đất: COVID-19, xung đột Nga - Ukraine, lạm phát, suy thoái, khủng hoảng năng lượng, khó khăn logistics, đứt gẫy chuỗi cung ứng và cả chiến tranh thương mại. Trong khi nhiều nền kinh tế lớn vỡ vụn chuỗi cung ứng, hàng triệu doanh nghiệp phá sản, Việt Nam vẫn xuất khẩu tăng trưởng liên tục, công nghiệp chế biến không đứt nhịp, năng lượng không thiếu điện diện rộng, thị trường nội địa được giữ vững...
Ngành Công Thương là trụ cột của thành tựu đó. Không phải bằng những lời tung hô, mà bằng các con số: Kim ngạch xuất khẩu từ 281,5 lên 405,53 tỷ USD (tăng 44%); Nhập khẩu từ 262,4 lên 380,76 tỷ USD (tăng 45,1%); Xuất siêu đạt 24,77 tỷ USD – cao nhất trong lịch sử 50 năm qua; Thương mại điện tử tăng hơn 110% – đạt 25 tỷ USD; Giá trị thương hiệu quốc gia vọt lên 507 tỷ USD – tăng 59%; Công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng 9,6% (2024); Tổng công suất điện đạt 82.400 MW.
Xuất nhập khẩu là điểm sáng của nền kinh tế. Ảnh: Cấn Dũng |
Những con số ấy không vô cảm. Nó là mồ hôi, là nước mắt, là sự thức trắng hàng nghìn đêm của hàng triệu con người, từ cán bộ đàm phán thương mại, chuyên gia logistics, kỹ sư điện lực, giảng viên ngành hóa dầu đến anh lái xe container, chị công nhân dây chuyền, người bảo vệ nhà máy hóa chất giữa dịch giã...
Vẽ lại bản đồ những người lặng lẽ
Trong cuộc tổng tấn công thời bình, không có súng, không có bom, nhưng có những con người lặng thầm góp sức dựng lại hạ tầng, tái cơ cấu thị trường, bảo vệ biên cương thương mại.
Đó là anh kỹ sư bám giàn khoan ở mũi Cà Mau hay thềm lục địa phía Đông. Đó là chị nhân viên marketing thương mại điện tử ngồi văn phòng nhỏ giữa Thành phố Hồ Chí Minh, mở hàng Việt ra thế giới. Đó là những giảng viên dạy làm công nghiệp, làm điện hạt nhân ở Đại học Công nghiệp, Đại học Điện lực. Đó là các chuyên gia đàm phán, hội nhập của Bộ Công Thương đang phản biện mạnh mẽ tại WTO và nhiều chế định thương mại khác để bảo vệ quyền lợi Việt Nam trong các vụ kiện chống trợ cấp.
Đó là những chiến sĩ xúc tiến thương mại, cán bộ thương vụ ở Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Mỹ hay Pháp, âm thầm mở đường cho hàng thủy sản, nông sản, điện tử...Đó là hàng vạn bước chân cán bộ quản lý thị trường giữa đêm mưa rét đi kiểm tra kho hàng lậu. Đó là các kỹ sư vận hành trung tâm điện mặt trời Ninh Thuận, điện gió Bạc Liêu, điện gió ngoài khơi...
Họ là những nốt nhạc. Bản giao hưởng đất nước 50 mùa xuân, 50 mùa hoa không thể thiếu những nốt nhạc.
Viết tiếp câu chuyện hoà bình
Cùng tôi viết tiếp câu chuyện hoà bình
Nhìn quê hương sáng tươi trong bình minh
Nhìn ánh nắng chiếu rực rỡ quốc kỳ tung bay phấp phới
Lời bài hát mới của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đang lan toả như một ngọn lửa hy vọng. Trong mỗi phân xưởng, mỗi phiên đàm phán, mỗi chuyến tàu logistics xuyên lục địa, những người làm Công Thương hôm nay cũng đang viết tiếp câu chuyện hoà bình. Họ giữ vững thị trường, bảo vệ thương hiệu Việt, làm cầu nối với thế giới, đưa hàng Việt tới những thị trường xa nhất.
Không có phát triển nào bền vững nếu không có hoà bình. Nhưng cũng không có hoà bình thực sự nếu không có thịnh vượng và công lý. Ngành Công Thương đang là một phần của sứ mệnh ấy: Đưa Việt Nam không chỉ hội nhập, mà khẳng định mình bằng giá trị, trách nhiệm và bản lĩnh.
Có chúng tôi, những người Công Thương đang viết tiếp câu chuyện hoà bình!
Nguồn: https://congthuong.vn/nhung-nguoi-cong-thuong-viet-tiep-cau-chuyen-hoa-binh-385511.html
Bình luận (0)