Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Những người giữ ký ức của non sông

Đã 50 năm trôi qua kể từ Đại thắng mùa Xuân 1975, nhưng âm vang của những khúc tráng ca năm ấy vẫn còn vọng mãi. Ký ức về một thời mưa bom bão đạn vẫn khắc sâu trong tim những người lính chiến, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… Họ đã lặng lẽ đi qua chiến tranh, mang theo những mảnh ký ức đỏ lửa để hôm nay kể lại cho thế hệ sau, như một ngọn lửa không bao giờ tắt.

Báo Thái NguyênBáo Thái Nguyên24/04/2025

Trong ngôi nhà của Thiếu tướng Nguyễn Văn Trình, ở phường Đồng Tiến (TP. Phổ Yên), nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 1, người lính từng đi qua những năm tháng khói lửa chiến tranh, có một không gian rất đặc biệt. Đó là phòng truyền thống gia đình, mà ông gọi là "bảo tàng ký ức của chính mình và đồng đội"...

Trên gác xép phủ bụi thời gian, từng chiếc áo lính sờn vai, ba lô, chiếc bi đông, võng treo, hòm đựng quân tư trang… được ông sắp đặt gọn gàng, ngăn nắp theo từng khu vực, như thể mỗi món đồ đều có linh hồn, một câu chuyện riêng. Với ông, đó là báu vật vô giá, là kết tinh của cả một đời quân ngũ.

Giữa dòng chảy cuộc đời, ông chọn sống chậm lại, để quá khứ không bị lãng quên. Những kỷ vật ấy không chỉ được thu thập trong những ngày tháng chiến tranh, mà còn được ông sưu tầm từ đồng đội, từ bà con nơi ông từng đóng quân. Ông bảo: “Đó là nơi tôi và đồng đội sống lại những năm tháng hào hùng, một thời tuổi trẻ của người lính chiến khát khao hoà bình”.

Nhắc nhớ về tuổi trẻ, ông Trình có vô vàn câu chuyện, ký ức. Trong đó, ký ức về trận đánh ở Điểm cao 638, núi Cây Rui, thị xã An Khê, vẫn in đậm trong tâm trí ông như một lát cắt đỏ lửa, đau đớn mà cũng đầy tự hào. Ông kể: Năm 1972, giữa cao trào của cuộc kháng chiến chống Mỹ, đơn vị ông là Tiểu đoàn 12, Sư đoàn 3, Quân khu 5, được giao nhiệm vụ hiểm nguy: cắt đứt đường 19, tuyến tiếp viện huyết mạch của địch; đồng thời phối hợp với chiến trường Tây Nguyên, kìm chân Sư đoàn Mãnh Hổ Nam Triều Tiên, không cho chúng rút về ứng cứu mặt trận Bắc Bình Định.

“Núi Cây Rui như ngọn đồi biết ăn lửa, đỏ ngầu bom đạn suốt ngày đêm” - ông kể, ánh mắt xa xăm như còn thấy khói khét từ những ngày máu lửa. Bộ đội ta chiến đấu giáp lá cà trong điều kiện khắc nghiệt, súng trong tay, máu trộn vào đất đá. Có tiểu đội chiến đấu đến người cuối cùng, có chiến sĩ ngã xuống mép chiến hào mà vẫn không buông súng.

Bảo tàng thu nhỏ tại nhà của Thiếu tướng Nguyễn Văn Trình.

Chỉ trong 18 ngày đêm chiến đấu ác liệt, đơn vị ông đã tiêu diệt và làm bị thương hàng trăm tên địch, bắn rơi nhiều máy bay, phá hủy hàng chục xe quân sự, trong đó có cả xe tăng và xe bọc thép. Thế nhưng, đó cũng là một trận chiến không cân sức, khi quân ta đối đầu với lực lượng tinh nhuệ, có hỏa lực mạnh và sự yểm trợ từ không quân Mỹ. Phía ta cũng chịu nhiều tổn thất, nhiều đồng chí đã mãi nằm lại giữa rừng…

Ông Trần Đức Liêm, nguyên là lính công binh Trung đoàn 7 Công binh, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (B3), làm nhiệm vụ trinh sát, mở đường tham gia Chiến dịch Nam Tây Nguyên và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trở về đời thường, ông là thương binh, đồng thời là nạn nhân chất độc da cam.

Hỏi về ký ức đáng nhớ, ông bùi ngùi kể: Giữa chiến trường Tây Nguyên rát bỏng lửa đạn, hậu cần không chỉ là chuyện của bộ chỉ huy, mà trở thành nhiệm vụ của từng người lính. Ở đây, có một quy định đặc biệt mà những ai từng trải qua đều nhớ mãi: Mỗi chiến sĩ phải trồng đủ 500 gốc sắn. Sắn được trồng khắp rẫy, khắp rừng, không chỉ để nuôi quân mình, mà còn để tiếp tế cho anh em hành quân qua đường giao liên. Ai nhổ một cây sắn ăn, phải tự tay trồng lại cây khác cho người đến sau.

Cũng chính nơi chiến trường ấy, trước mỗi trận đánh lớn, anh em được tổ chức sinh hoạt, ôn lại những tháng ngày đói khổ, bị áp bức, cảnh cơ cực. “Không phải để than vãn” - ông nói, “mà để khơi dậy căm thù, để nhớ vì sao mình cầm súng. Cảm xúc ấy giúp chúng tôi vững vàng hơn khi bước ra trận”. Đến khi bước vào chiến trường khốc liệt, không ai nghĩ ngợi nhiều. Chỉ biết chấp hành mệnh lệnh, coi việc hoàn thành nhiệm vụ là điều thiêng liêng, đặt lên trên hết thảy.”

Các cựu chiến binh trong Ban liên lạc các chiến sĩ tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh tỉnh Thái Nguyên ôn lại thời kỳ hào hùng.

Khác với những nam chiến sĩ cầm súng trực tiếp ra trận, trong những năm tháng chống Mỹ, nhiều người phụ nữ lặng lẽ làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực, vũ khí trên tuyến đường Trường Sơn. Bà Lê Thị Đường, nguyên là chiến sĩ Đoàn 600, Binh đoàn Trường Sơn 559, khi ấy mới ngoài đôi mươi, người nhỏ thó nhưng dẻo dai, gùi gạo, gùi đạn đi ròng rã hàng tháng qua những cung đường rừng.

 

Hằng ngày, bà và nhiều đồng đội khác có nhiệm vụ phát quang cây cối, mở đường để đưa quân lương vào miền Nam chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Cái đói, cộng với thời tiết mưa, nắng thất thường của miền Trung, cái lạnh trong những đêm mưa rừng đã khiến bà và đồng đội không tránh khỏi cơn sốt rét đeo bám dai dẳng…

Bà vẫn nhớ như in ký ức buốt lòng của một chuyến vận chuyển bằng đường sông năm xưa… Do dây neo bị đứt giữa dòng nước siết, con thuyền chở đầy lương thực, vũ khí đã bị cuốn trôi. Mười đồng đội của bà mất tích, mãi mãi không trở về…

Hòa chung vào dòng chảy ký ức hào hùng của dân tộc, Thái Nguyên, vùng đất Thép, đã góp nhiều sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong suốt những năm chiến tranh, đã có hơn 43.800 người con Thái Nguyên lên đường chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Trong số ấy, hơn 10.000 người đã anh dũng ngã xuống, hiến trọn tuổi xuân cho Tổ quốc. Mỗi con số không chỉ là thống kê khô khan, mà là máu thịt, là nước mắt, là biết bao mái nhà vắng bóng người thân, biết bao bà mẹ tiễn con đi mà không bao giờ được đón về...

Ông Hoàng Ngọc Hoa, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, chia sẻ: Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từng địa phương, từng người dân đều ý thức rõ trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng của mình. Có người trực tiếp lên đường chiến đấu, có người ở lại hậu phương, sẵn sàng nhường nhà cửa, của cải để phục vụ công tác huấn luyện, tiếp nhận vũ khí, lương thực, đưa quân vào Nam giải phóng đất nước. Ai cũng mang trong mình một tinh thần: dốc sức người, sức của vì độc lập, tự do của dân tộc”.

Ghi nhận những đóng góp của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; 83 tập thể, 17 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 579 mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Thái Nguyên đã góp sức cùng toàn dân tộc hoàn thành sứ mệnh vẻ vang, giải phóng hoàn toàn miền Nam, mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc.

Không một bài toán xác suất, không một "định lý" nào có thể đo đếm được sự hy sinh của thế hệ cha ông để giành hòa bình, độc lập cho đất nước. Nữ thi sĩ Nga Ôn-ga Béc-gôn từng viết: “Không ai bị lãng quên, không điều gì bị quên lãng”. Tôi tin rằng, mạch nguồn lịch sử ấy sẽ còn mãi trong những thế hệ mai sau. Cũng như ký ức chiến tranh vẫn đang âm ỉ cháy trong lòng những người lính già, trong từng câu chuyện họ kể, từng kỷ vật họ gìn giữ như giữ ngọn lửa thiêng liêng của hồn dân tộc.

 

Nguồn: https://baothainguyen.vn/multimedia/emagazine/202504/nhung-nguoi-giu-ky-uc-cua-non-song-570015e/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Sài Gòn - Ký ức về đô thị 300 năm tuổi
Chênh vênh Sa Mù
Hồn Việt
Người dân tranh thủ lưu lại những khoảnh khắc mừng ngày 30/4 lịch sử

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm