
Cán bộ về hưu làm Bí thư Chi bộ
Khu dân cư số 15 (khu đô thị Ecorivers, phường Hải Tân, TP Hải Dương) mới được thành lập từ tháng 2/2023 và là khu dân cư có nhiều điểm khác biệt từ quy mô, tính chất dân số đến cơ sở hạ tầng.
Ông Đỗ Văn Uyển, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu dân cư số 15 nguyên là Chánh Văn phòng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương và đã trải qua nhiều lĩnh vực công tác. Một cán bộ đã có gần 20 năm công tác ở Tỉnh ủy, khi được nghỉ ngơi vẫn không ngại khó nhận nhiệm vụ ở khu dân cư, thể hiện ý thức trách nhiệm cao của một người đảng viên trước công việc chung.
Nhìn trên màn hình máy vi tính ông đang làm việc, tôi ngỡ ngàng với khối công việc đầy ắp. Ông cho hay cả 5 đồng chí trong cấp ủy đều sử dụng thành thạo máy tính và không ngừng học hỏi để làm tốt nhiệm vụ.
.jpg)
Ông Uyển kể rằng: "Trong cơn bão số 3 và nhiều công việc đột xuất, cấp ủy đều họp hoặc trao đổi công việc bằng hình thức trực tuyến. Khu dân cư số 15 có diện tích rộng gần 110 ha, dân số hiện nay trên 5.000 người, nếu ở hết khoảng gần 12.000 người chưa kể dự án nhà ở xã hội sắp tới. Nếu không áp dụng công nghệ thông tin trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thì khó hoàn thành nhiệm vụ".
Nghe ông trao đổi, tôi ngạc nhiên bởi nhiều cán bộ nghỉ hưu song đã và đang thực hiện “số hóa” trong hoạt động khu dân cư.
Theo ông ra nhà văn hóa khu dân cư, tôi gặp các lãnh đạo khu dân cư đang hối hả chuẩn bị cho công việc kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Cách trang trí khánh tiết và bài trí phòng họp trong nhà văn hóa khu dân cư vừa quy chuẩn, vừa khoa học.
Nghỉ hưu, tuổi cao, sức khỏe có hạn, công tác vất vả nhưng ông Uyển vẫn vui vẻ, cố gắng phát huy những kinh nghiệm vốn có để góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị - xã hội ở địa phương, vừa góp phần cống hiến cho xã hội, làm cho cuộc sống về hưu của mình thêm vui, khỏe, có ích.
Nghỉ hưu trước tuổi, về làm du lịch với đam mê

Vừa qua, thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, một số cán bộ, công chức ở Hải Dương đã tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi để tạo thuận lợi cho công tác cán bộ, tạo điều kiện cho người trẻ phát triển.
Bà Phạm Hồng Hạnh, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Tứ Kỳ là một trong những cán bộ như thế. Bà Hạnh nghỉ hưu từ ngày 1/3 nhưng không nghỉ ngơi mà đã bắt đầu một công việc mới ở ngành du lịch.

Giờ đây, nhiều người biết đến bà Hạnh không chỉ là cán bộ tuyên giáo mà còn là một chuyên viên tư vấn tour du lịch trong nước, quốc tế năng động, chuyên nghiệp của Lucky Tour. Ngoài ra, bà còn tham gia các hoạt động, phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh Hải Dương và liên kết với một số công ty du lịch có tiếng để cung cấp dịch vụ du lịch chất lượng cho khách hàng.
Với bà Hạnh, làm việc bây giờ không phải vì kinh tế mà là nguồn vui, là đam mê, tâm huyết của bà.

Đã đặt chân đến 11 nước trên thế giới, ngắm nhìn nhiều cảnh đẹp hùng vĩ ở Việt Nam, chinh phục những ngọn núi hiểm trở cùng những cung đường chạy dài, bà Hạnh vẫn đầy cảm hứng, đam mê với du lịch. Với bà Hạnh, cuộc đời là những chuyến đi và bà muốn lan toả niềm đam mê ấy đến với mọi người.
"Đến nay, tôi vẫn tin tưởng quyết định nghỉ hưu trước tuổi phục vụ tinh gọn bộ máy là một quyết định đúng đắn, là niềm vinh dự lớn. Sau khi về hưu, tôi dành thời gian chăm sóc gia đình, nhà cửa và làm thêm dịch vụ tư vấn tour du lịch. Khi làm việc cũng là lúc tôi được sống với đam mê, truyền cảm hứng du lịch, được trò chuyện, gặp gỡ nhiều người", bà Hạnh phấn khởi.
Cầm trên tay chiếc danh thiếp ghi "chuyên viên tư vấn tour Phạm Hồng Hạnh", tôi thấy bà Hạnh chuyên nghiệp, nghiêm túc với công việc này thế nào.
Bà Hạnh chia sẻ: "Bây giờ mình làm việc không cốt vì lợi nhuận mà còn vì đam mê, vì uy tín của một người đảng viên, cán bộ về hưu. Vậy nên lúc nào tôi cũng chú ý trong tư vấn, chọn lựa, cung cấp cho người thân, bạn bè, khách hàng những dịch vụ uy tín, trải nghiệm xứng đáng nhất có thể".
Ở lại làm hợp đồng cho cơ quan cũ
Trong bối cảnh thiếu nhân lực, nhất là người có kinh nghiệm, nhiều cơ quan, đơn vị đã mời những cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu ở lại làm lao động hợp đồng.

Thầy Nguyễn Văn Mạnh, nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện Nam Sách nghỉ hưu từ tháng 8/2022 nhưng chưa một ngày nào nghỉ việc. Thầy đã ở lại trường làm giáo viên hợp đồng thời vụ môn ngữ văn.
Như một cái duyên với ngành giáo dục thường xuyên, thầy Mạnh đã gắn bó với nghề từ năm 1986 đến nay dù trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, thăng trầm.
Thầy vẫn nhớ giai đoạn từ năm 1980 đến năm 2000 là những năm rất khó khăn.
Lúc đó, thầy cùng các đồng nghiệp đạp xe về các xã dạy học cho cán bộ để phổ cập giáo dục THPT. Có giai đoạn tham gia xoá mù chữ, thầy cũng đạp xe đi các xã, về từng nhà vận động người dân đi học. Nghĩ lại, cũng chẳng khác gì những thầy cô miền núi đi vận động học sinh đến trường.
Những năm khoảng 1990 là giai đoạn thoái trào của khối giáo dục thường xuyên vì ít học sinh và trường có nguy cơ phải đóng cửa, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn. Nhiều đồng nghiệp chuyển công tác sang các trường khác nhưng thầy Mạnh vẫn kiên trì bám trụ.
Đến năm 2003, thầy được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc trung tâm. Năm 2015, thầy làm Giám đốc và năm 2022 thì nghỉ hưu.

Lúc làm lãnh đạo, thầy vẫn lên lớp đều đặn và dạy môn ngữ văn. Khi về hưu, vì yêu nghề, mến học sinh và mong muốn hỗ trợ nhà trường, thầy Mạnh ở lại làm giáo viên hợp đồng thời vụ.
Trước đây còn dạy thêm trong nhà trường, có những buổi trưa thầy chỉ được ăn uống, nghỉ ngơi trong 30 phút rồi lại lên lớp. Đồng lương thì ít ỏi, chỉ gần 90.000 đồng/tiết dài 45 phút.
Khó khăn là vậy nhưng thầy Mạnh vẫn tâm huyết, tận tuỵ và chưa nghĩ đến ngày sẽ "thực sự về hưu".
"Đến trường, được gặp học sinh, đồng nghiệp và còn lao động tôi thấy rất vui. Khi từ lãnh đạo nghỉ hưu làm giáo viên hợp đồng, tôi xác định rõ là mình lao động, phục vụ và cống hiến, nghiêm túc chấp hành sự quản lý, chỉ đạo của nhà trường, làm tốt việc dạy học và sẵn sàng hỗ trợ khi cần", thầy Mạnh chia sẻ.
Trong bối cảnh thiếu giáo viên như hiện nay, sự cống hiến của thầy Mạnh đã góp ích rất nhiều cho học sinh, phụ huynh và sự phát triển của trung tâm.
"Do những quy định đặc thù trong chỉ tiêu biên chế đối với ngành giáo dục thường xuyên, dù quy mô học sinh tăng nhưng chỉ tiêu biên chế càng ngày càng giảm. Những giáo viên giàu kinh nghiệm, tâm huyết như thầy Mạnh nhận lời ở lại làm giáo viên hợp đồng đã giúp trung tâm rất nhiều. Những năm qua, thầy Mạnh phụ trách những lớp trọng điểm của trường, kết quả thi luôn đạt khá cao", ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện Nam Sách cho biết.
Ông Sơn cũng chia sẻ thêm rằng có thầy Mạnh ở trường cũng như một chuyên gia, một người cố vấn với kinh nghiệm quý báu qua nhiều năm trực tiếp giảng dạy và làm công tác quản lý.
Dù nắng mưa, thầy Mạnh với mái tóc điểm bạc, chiếc cặp sách nặng trĩu vẫn đều đặn lên lớp với học trò, gắn bó cùng chiếc bảng thân thương.
Những người về hưu với tâm huyết, trí tuệ đã chọn cho mình những lĩnh vực riêng để tiếp tục lao động nhưng họ có một điểm chung là tinh thần trách nhiệm cao và khát vọng cống hiến, giúp ích cho đời.
PHONG TUYẾTNguồn: https://baohaiduong.vn/nhung-nguoi-nghi-huu-khong-nghi-viec-410126.html
Bình luận (0)