Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Những sai lầm thường gặp khi mắc sốt xuất huyết

Tâm lý sai lầm rằng người bệnh hết sốt là khỏi bệnh, không đến cơ sở y tế để điều trị dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc như xảy ra các biến chứng nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bệnh nhân.

VietnamPlusVietnamPlus24/05/2025

Khi chăm sóc hoặc điều trị người bệnh sốt xuất huyết, nhiều người mắc phải những sai lầm phổ biến khiến tình trạng bệnh nặng hơn, dễ dẫn đến biến chứng nguy hiểm.

Dưới đây là các sai lầm thường gặp và lý do tại sao cần tránh.

Tâm lý chủ quan

Sốt xuất huyết Dengue được chia thành 3 mức độ là nhẹ, có dấu hiệu cảnh báo và nặng. Một số bệnh nhân nhẹ có thể điều trị ngoại trú nhưng cần tái khám thường xuyên theo lịch hẹn của bác sỹ vì có thể chuyển độ nặng bất cứ lúc nào.

Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo và sốt xuất huyết Dengue nặng thì cần nhập viện điều trị và theo dõi sát. Do đó, nếu bệnh nhân được cho điều trị ngoại trú hoặc đã được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue không nên có tâm lý chủ quan mà cần tái khám theo lịch hẹn của bác sỹ để phát hiện kịp thời những biến chứng nặng nề và điều trị thích hợp.

Tự ý dùng thuốc hạ sốt không đúng

Sai lầm phổ biến khi chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết là dùng aspirin, ibuprofen, hoặc các thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) để hạ sốt.

Việc sử dụng sai cách này sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu, tổn thương dạ dày, rối loạn đông máu.

Thay vì tự ý sử dụng thuốc, nên cho người bệnh hạ sốt bằng cách dùng paracetamol đúng liều theo chỉ dẫn bác sỹ.

ha-sot.jpg
(Ảnh minh họa. Getty images)

Hết sốt có nghĩa là đã khỏi bệnh

Sốt xuất huyết giai đoạn nguy hiểm nhất lại chính là lúc bệnh nhân vừa hết sốt. Do đó, tâm lý hoàn toàn sai lầm của người bệnh là hết sốt là khỏi bệnh, không đến cơ sở y tế để điều trị.

Chính điều này lại mang đến nhiều hậu quả đáng tiếc là các biến chứng nặng xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bệnh nhân như thoát huyết tương, sốc sốt xuất huyết (thường sau khi cắt sốt). Do đó, dù hết sốt, bệnh nhân vẫn cần được theo dõi chặt chẽ trong 2 ngày tiếp theo để hạn chế tối đa biến chứng xảy ra.

Tự truyền dịch tại nhà

Việc truyền dịch không đúng cách hoặc không có sự giám sát y tế chuyên môn có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng như tình trạng phù nề, suy hô hấp cấp tính, thậm chí đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh. Đây là một vấn đề mà nhiều người thường chủ quan bỏ qua. Nó có thể dẫn đến phù phổi, suy hô hấp, sốc do truyền quá mức.

Vì vậy, người nhà chỉ nên cho bệnh nhân truyền dịch khi có chỉ định từ bác sỹ và thực hiện tại cơ sở y tế.

Uống quá ít nước hoặc không bù điện giải

Việc đảm bảo cơ thể luôn được cung cấp đủ nước là một trong những yếu tố then chốt góp phần cải thiện sức khỏe và hỗ trợ hiệu quả trong quá trình điều trị bệnh sốt xuất huyết.

Người bệnh nên ưu tiên uống nhiều loại nước khác nhau như nước lọc tinh khiết, các loại nước trái cây giàu vitamin, hoặc các dung dịch bù nước và điện giải tiêu biểu như oresol, nhằm hạn chế tối đa tình trạng mất nước nghiêm trọng có thể xảy ra. Đồng thời, cần đặc biệt lưu ý tránh xa các loại thức uống chứa chất kích thích như trà, càphê hay các loại nước ngọt có gas.

bu-nuoc-8618.jpg
(Ảnh: Getty images)

Cho người bệnh vận động sớm, ăn uống không hợp lý

Nhiều người thường nghĩ rằng sau khi khỏi bệnh có thể nhanh chóng quay lại làm việc hoặc học tập.

Tuy nhiên, đây lại không phải việc làm đúng. Người mới khỏi bệnh nên ưu tiên nghỉ ngơi hoàn toàn cho đến khi cơ thể hoàn toàn phục hồi, đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ chất và tránh các hoạt động mạnh ít nhất trong vòng một tuần sau khi khỏi bệnh.

Một người chỉ mắc bệnh một lần trong đời

Virus Dengue tồn tại dưới bốn kiểu huyết thanh, được ký hiệu là D1, D2, D3 và D4. Mỗi kiểu huyết thanh đều có khả năng gây bệnh tương tự nhau. Miễn dịch hình thành sau khi nhiễm một kiểu virus chỉ có tác dụng bảo vệ riêng đối với kiểu huyết thanh đó và không bảo đảm miễn dịch chéo giữa các kiểu khác.

Về mặt lý thuyết, điều này đồng nghĩa với việc một cá nhân có thể bị sốt xuất huyết nhiều lần trong đời nếu nhiễm các kiểu huyết thanh khác nhau. Sốt xuất huyết được xem là một bệnh lý nghiêm trọng với các biểu hiện lâm sàng đa dạng. Trong nhiều trường hợp, giai đoạn bệnh nguy hiểm nhất lại trùng với thời điểm người bệnh vừa hết sốt.

Do đó, không khuyến khích tự ý điều trị sốt xuất huyết tại nhà vì rủi ro tiến triển nặng có thể xảy ra. Người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và tuân thủ hướng dẫn cũng như giám sát của bác sỹ chuyên khoa nhằm giảm thiểu nguy cơ biến chứng.

sot-xuat-huyet-8248.png

Làm gì để phòng tránh lây nhiễm sốt xuất huyết?

Để giảm nguy cơ mắc bệnh, bạn có thể áp dụng các biện phòng bệnh sốt xuất huyết tránh sau.

Tiêm vaccine phòng sốt xuất huyết

Tiêm phòng vaccine là phương pháp phòng bệnh chủ động, hiệu quả cho cả trẻ em và người lớn.

Vaccine Qdenga của tập đoàn Takeda (Nhật Bản) đã chính thức được Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt lưu hành từ ngày 15/5/2024. Đây là vaccine sống giảm độc lực, có khả năng bảo vệ hiệu quả trước cả 4 chủng virus Dengue gây bệnh.

Tránh di chuyển đến vùng dịch

Việc hạn chế di chuyển hoặc du lịch đến những khu vực có nguy cơ xuất hiện dịch sốt xuất huyết là rất quan trọng, đặc biệt ở những vùng nhiệt đới và có khí hậu ẩm ướt, mưa nhiều, nơi tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển.

Sử dụng các sản phẩm chống muỗi

Việc sử dụng các sản phẩm diệt côn trùng như thuốc xịt, kem chống muỗi hoặc nhang muỗi là một biện pháp hiệu quả để phòng tránh sự quấy rầy của muỗi. Tuy nhiên, cần ưu tiên lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đã được kiểm định về độ an toàn để giảm thiểu nguy cơ gây kích ứng da hoặc xuất hiện các tác dụng phụ không mong muốn.

xit-chong-muoi.jpg
(Ảnh: Getty images)

Mặc quần áo dài tay

Để giảm nguy cơ da tiếp xúc với muỗi, hãy mặc áo dài tay và quần dài, đặc biệt trong khoảng thời gian sáng sớm và chiều tối, khi muỗi hoạt động mạnh nhất.

Tạo môi trường sống hạn chế muỗi sinh sôi

Cần loại bỏ các nguồn nước đọng như ao tù, bể chứa nước không được sử dụng hoặc các vật dụng bỏ đi như chai lọ để ngăn chặn muỗi sinh sản. Ngoài ra, nên sử dụng màn khi ngủ, lắp đặt cửa lưới chống muỗi và tận dụng điều hòa nhiệt độ nếu có điều kiện nhằm giảm thiểu nguy cơ bị muỗi đốt.

Cách ly người mắc sốt xuất huyết

Người bệnh nên nghỉ ngơi trong không gian riêng tư và sử dụng màn bảo vệ để tránh bị muỗi đốt. Khi muỗi hút máu từ người bệnh, chúng có thể mang virus và lây truyền bệnh sang người khác.

Việc chủ động áp dụng những biện pháp trên sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe cho gia đình bạn, đồng thời giảm nguy cơ lây lan dịch sốt xuất huyết./.

(Vietnam+)

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/nhung-sai-lam-thuong-gap-khi-mac-sot-xuat-huyet-post1039698.vnp


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Lễ thượng cờ rủ Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương dưới mưa
Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người
Bãi biển 'vô cực' đẹp như tranh vẽ ở miền Trung, nổi rần rần trên mạng xã hội
 Đi theo bóng mặt trời

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm