Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nỗ lực chấm dứt dịch bệnh HIV/AIDS

BHG - Thực hiện Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, tỉnh ta đã quyết liệt triển khai các giải pháp đồng bộ, bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực.

Báo Hà GiangBáo Hà Giang03/04/2025


BHG - Thực hiện Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, tỉnh ta đã quyết liệt triển khai các giải pháp đồng bộ, bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực.

Trên địa bàn tỉnh ghi nhận ca nhiễm HIV đầu tiên vào tháng 10.1998. Đến hết năm 2024, lũy kế số ca nhiễm HIV toàn tỉnh là 1.771 trường hợp, trong đó 520 ca tử vong, 731 người nhiễm HIV còn sống và đang được quản lý. Dịch HIV/AIDS có xu hướng lan rộng ra cộng đồng với sự gia tăng số ca nhiễm trong nhóm dân số trẻ từ 20 - 39 tuổi và gia tăng các ca nhiễm HIV tại vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế hạn chế.

Cán bộ y tế tuyên truyền phòng, chống HIV cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản tại xã Sủng Là (Đồng Văn).

Cán bộ y tế tuyên truyền phòng, chống HIV cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản tại xã Sủng Là (Đồng Văn).

Để phòng, chống dịch HIV/AIDS hiệu quả, tỉnh đã ban hành các chương trình, kế hoạch hành động về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền tổ chức thực hiện nghiêm túc. Ban Chỉ đạo Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động phù hợp với tình hình thực tế; tăng cường kiểm tra, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện tại cơ sở. Các cấp, ngành phối hợp chặt chẽ trong triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh; tạo điều kiện hỗ trợ về học tập, sinh hoạt, việc làm cho những người nhiễm HIV/AIDS nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và xây dựng xã hội không kỳ thị, phân biệt đối xử. Đặc biệt nhiều người nhiễm HIV đã tham gia vào các hoạt động chăm sóc, hỗ trợ bà mẹ, trẻ em nhiễm HIV tại cộng đồng.

Cùng với đó, tỉnh triển khai nhiều chương trình can thiệp hiệu quả, bao phủ toàn bộ 11 huyện, thành phố với 193 xã, phường, thị trấn; duy trì 11 cơ sở điều trị HIV/AIDS, 29 phòng tư vấn xét nghiệm HIV và 5 cơ sở điều trị Methadone. Hoạt động xét nghiệm sàng lọc HIV được thực hiện rộng khắp với hơn 36.000 mẫu xét nghiệm mỗi năm. Các chương trình can thiệp giảm tác hại như phát bao cao su miễn phí, cung cấp bơm kim tiêm sạch, tư vấn cho nhóm nguy cơ cao cũng được mở rộng, giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Về điều trị, tỉnh đạt tỷ lệ 98,6% bệnh nhân có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế, đảm bảo hiệu quả điều trị cao. 100% bệnh nhân đồng nhiễm HIV/Lao được điều trị đồng thời, giúp giảm nguy cơ tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Hoạt động truyền thông được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức với các chiến dịch nâng cao nhận thức về HIV/AIDS cho cộng đồng, trong đó tuyên truyền 3.675 lượt cho nhóm nguy cơ cao lây nhiễm HIV/AIDS, 2.841 lượt cho nhóm thanh, thiếu niên và có 11.684 người dân được truyền thông trực tiếp về HIV/AIDS. Phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” được triển khai rộng khắp tại tất cả các địa phương thu hút đông đảo người dân tham gia, đặc biệt là các nhóm nòng cốt như: Trưởng ban công tác Mặt trận, Bí thư chi bộ, tổ trưởng, trưởng thôn, trưởng chi hội các đoàn thể, cán bộ y tế và người bị nhiễm HIV/AIDS. Trên 80% hộ dân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS.

Dù đạt được nhiều kết quả nổi bật, công tác phòng, chống HIV/AIDS vẫn đang gặp không ít khó khăn. Nhận thức của một bộ phận người dân về HIV/AIDS còn hạn chế, dẫn đến sự kỳ thị và phân biệt đối xử; việc triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm chưa được thực hiện; nguồn kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở còn hạn chế. Để đảm bảo mục tiêu chấm dứt dịch HIV/AIDS vào năm 2030, các cấp, ngành cần tập trung vào các giải pháp trọng tâm: Tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức và giảm kỳ thị đối với người nhiễm HIV; mở rộng điều trị dự phòng và tăng cường xét nghiệm HIV cho các nhóm nguy cơ cao; huy động sự tham gia của y tế tư nhân và các tổ chức xã hội vào công tác phòng, chống HIV/AIDS; đảm bảo nguồn tài chính bền vững cho các chương trình phòng, chống HIV/AIDS; nâng cao chất lượng dịch vụ điều trị; tăng cường nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông tin, giúp quản lý hiệu quả hơn dữ liệu bệnh nhân HIV/AIDS để có các biện pháp can thiệp kịp thời.

Chấm dứt dịch bệnh HIV/AIDS không chỉ là nỗ lực vì mục tiêu y tế mà còn là xây dựng một xã hội nhân văn, công bằng, nơi mọi người đều có cơ hội được bảo vệ sức khỏe và hòa nhập cộng đồng. Đây là nhiệm vụ chung của toàn xã hội, để cùng nhau hướng tới tương lai không còn nỗi lo về HIV/AIDS.

Bài, ảnh: AN GIANG

Nguồn: https://baohagiang.vn/xa-hoi/202504/no-luc-cham-dut-dich-benh-hivaids-0252e48/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những làng quê đáng sống
Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm