Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nỗ lực củng cố “lá chắn thiên tai"

Mùa mưa lũ năm nay đang bước vào giai đoạn cao điểm với nhiều diễn biến khó lường do tác động của biến đổi khí hậu.

Hà Nội MớiHà Nội Mới14/07/2025

Không nằm ngoài vùng ảnh hưởng, Hà Nội đang chủ động rà soát, củng cố hệ thống đê điều, hồ chứa, công trình phòng, chống lụt bão, đồng thời kiện toàn lực lượng ứng phó tại chỗ.

Với quyết tâm không để trống bất kỳ vị trí nào, Hà Nội đang khẩn trương củng cố “lá chắn” phòng, chống thiên tai nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

thien-tai-1.jpg

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Đình Hoa (thứ 5 từ phải sang) kiểm tra công trình chống úng ngập nội thành, Trạm bơm tiêu Yên Sở.

Báo động hạ tầng phòng, chống thiên tai

Những ngày đầu tháng 7, tại nhiều vùng ngoại thành Hà Nội như Phú Nghĩa, Xuân Mai, Hòa Phú, Hồng Sơn, Hương Sơn, Mỹ Đức..., không khí chào mừng thành lập xã mới vẫn hiện diện trên các trục đường chính và trụ sở cơ quan. Tuy nhiên, khi đi sâu vào từng địa bàn, phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận nhiều nỗi lo đang hiện hữu, nhất là tại các công trình đê điều, thủy lợi.

Tại đê hữu sông Đáy, tuyến đê dài hơn 10km, giữ nhiệm vụ phòng, chống lũ, bảo vệ hàng chục nghìn hộ dân thuộc các xã như Quảng Bị, Hòa Phú, nhiều vết nứt mới xuất hiện, thùng vũng trên mặt đê ngày càng mở rộng. Thực trạng này không chỉ gây khó khăn cho người dân trong việc di chuyển, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, mà còn khiến tuyến đê trở nên yếu ớt, mong manh khi mực nước sông dâng cao. Và tuyến đê tả Bùi, nơi thường xuyên phải chống chọi với lũ rừng ngang đổ về, cũng trong tình trạng tương tự.

Cùng với hệ thống đê điều, nhiều trạm bơm tiêu úng như Đốc Tín, Phú Hiền, An Phú, Phù Lưu Tế I..., vốn đảm nhiệm vai trò tiêu thoát nước cho các xã Hồng Sơn, Mỹ Đức, Hương Sơn, cũng đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Một số trạm đối mặt nguy cơ ngừng hoạt động hoặc bị cuốn trôi nếu xuất hiện các đợt mưa lớn kéo dài.

Đáng chú ý, từ ngày 1-7, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện, lực lượng đóng vai trò nòng cốt trong chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai suốt nhiều năm qua, đã chính thức dừng hoạt động theo lộ trình sắp xếp lại bộ máy chính quyền địa phương hai cấp.

Trong khi đó, các xã mới vừa được hợp nhất từ nhiều đơn vị hành chính cũ, có quy mô diện tích lớn hơn, dân số đông hơn, nhưng chưa kịp kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp xã. Việc phân công trách nhiệm hộ đê, phân bổ vật tư, phương tiện vẫn còn bỏ ngỏ.

Mối lo càng gia tăng khi theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc Bộ, từ tháng 7-2025, Hà Nội sẽ phải đối mặt với nhiều hình thái thời tiết cực đoan như mưa lớn, ngập úng, lũ lụt... với tần suất và cường độ ngày càng cao.

Thực trạng trên cho thấy, "lá chắn" phòng, chống thiên tai ở vùng ngoại thành Hà Nội đang bộc lộ những điểm yếu cả về hạ tầng kỹ thuật lẫn tổ chức bộ máy. Nếu không được gia cố, hoàn thiện kịp thời, nguy cơ lúng túng, bị động khi thiên tai xảy ra là điều khó tránh khỏi.

Nằm trong vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của lũ rừng ngang, người dân thôn Đồng Dâu (xã Xuân Mai) hằng năm luôn canh cánh nỗi lo ngập lụt.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Phùng Xuân Toàn nói: “Chúng tôi từng rất phấn khởi khi biết Thành phố Hà Nội phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp đê tả Bùi, hữu Đáy. Cán bộ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình huyện Chương Mỹ trước đây đã nhiều lần về đo đạc, khảo sát và họp dân. Nhưng gần chục năm nay vẫn chưa thấy khởi công. Mỗi khi mưa to vài hôm, dân lại thấp thỏm lo lắng, vì thế chúng tôi mong Thành phố sớm khởi động lại dự án”.

Từng hỗ trợ công nhân Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Mỹ Đức di chuyển tổ máy Trạm bơm tiêu Phú Hiền trong đợt ngập lụt mùa mưa năm 2024, ông Nguyễn Văn Trí (xã Mỹ Đức) bày tỏ: “Chúng tôi rất mong các cấp, các ngành sớm đầu tư nâng cấp trạm bơm này. Trạm tiêu úng mà lại bị “chết chìm” vì úng thì thật bất cập”.

Ngoài nỗi lo về các công trình hư hỏng, chưa đáp ứng tốt yêu cầu phòng, chống lũ, nhiều người dân tại các xã nêu trên cũng bày tỏ sự băn khoăn về công tác tổ chức, điều hành phòng, chống thiên tai tại cơ sở.

Ông Phùng Xuân Lực (xã Phú Nghĩa) chia sẻ: “Trước đây, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn xã phân công rất cụ thể: Ai trực đê, ai hỗ trợ người già, trẻ nhỏ mỗi khi mùa lũ đến. Sau khi sáp nhập, cán bộ mới chưa quen địa bàn, còn người dân thì lúng túng, không rõ liên hệ với ai khi có sự cố. Mong địa phương sớm kiện toàn Ban Chỉ huy, phân công rõ người, rõ việc để chủ động hơn khi thiên tai xảy ra”.

thien-tai-2.jpg

Xây dựng công trình khẩn cấp khắc phục sự cố đê tả Bùi, đoạn xã Quảng Bị.

Chạy đua với thiên tai

Cuối tháng 6, khi công tác sắp xếp lại bộ máy hành chính hai cấp dần hoàn tất, Hà Nội cũng bước vào cao điểm mùa mưa bão. Trước những nguy cơ hiện hữu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu chủ tịch UBND các xã, phường mới thành lập theo dõi sát diễn biến thời tiết, xây dựng kịch bản ứng phó theo từng cấp độ rủi ro thiên tai. Các địa phương được chỉ đạo khẩn trương huy động nguồn lực để sửa chữa công trình hư hỏng, củng cố lực lượng xung kích, bố trí đầy đủ vật tư, phương tiện; đồng thời tổ chức tập huấn, diễn tập theo phương án mới phù hợp với địa bàn sau sáp nhập.

Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng lưu ý các sở, ngành và địa phương cần đặc biệt quan tâm tới những điểm có nguy cơ cao như khu vực từng xảy ra úng ngập, sạt lở đất, các tuyến đê, bối xuống cấp, trạm bơm tiêu hư hỏng... để chủ động sửa chữa, phòng ngừa.

Triển khai chỉ đạo của Thành phố, các sở, ngành và địa phương đang khẩn trương vào cuộc để sẵn sàng ứng phó mùa mưa lũ năm nay.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Hà Nội Nguyễn Đình Hoa đề nghị các công ty thủy lợi nhanh chóng rà soát, sửa chữa, vận hành thử các trạm bơm tiêu úng, đồng thời chuẩn bị vật tư, sẵn sàng lắp đặt trạm bơm dã chiến khi cần. Sở cũng đang phối hợp với các địa phương để hướng dẫn xây dựng phương án phòng, chống thiên tai phù hợp với địa bàn mới mở rộng, đồng thời tổ chức tập huấn, diễn tập theo kế hoạch.

Các sở, ngành khác cũng tích cực triển khai các nhiệm vụ liên quan. Sở Xây dựng kiểm tra hệ thống tiêu thoát nước đô thị, đánh giá an toàn hồ chứa, rà soát các tuyến giao thông huyết mạch dễ bị chia cắt do mưa lũ để xây dựng phương án điều tiết, đảm bảo an toàn cầu cống và hệ thống biển báo.

Sở Y tế xây dựng phương án phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai, chuẩn bị thuốc men và vật tư y tế thiết yếu cho các khu vực có nguy cơ cao.

Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền kỹ năng phòng, tránh thiên tai trên các nền tảng số, đồng thời đảm bảo thông tin thông suốt trong tình huống khẩn cấp. Các lực lượng công an, quân đội cũng được huy động sẵn sàng tham gia ứng cứu và hỗ trợ sơ tán dân cư khi có tình huống nguy hiểm xảy ra...

Tại cấp xã, công tác chuẩn bị cũng đang được triển khai gấp rút. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Phú Nghĩa, ông Trịnh Tiến Tường cho biết: “Chúng tôi đã giao cơ quan chuyên môn hoàn thiện phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai; chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, nhân lực. Chậm nhất trước ngày 15-7, mọi khâu phải hoàn tất để sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra trên địa bàn”.

Không ỷ lại vào chính quyền, nhiều người dân tại các xã như Suối Hai, Hát Môn, Kiều Phú, Ứng Thiên... đã chủ động kiểm tra, gia cố nhà cửa, cắt tỉa cây cối, chuẩn bị vật tư sẵn sàng tham gia cùng địa phương làm nhiệm vụ hộ đê. Tại các thôn, xóm ven đê, người dân còn được phân công theo dõi đê điều, kịp thời phát hiện và báo động khi có sự cố bất thường xảy ra...

Giữ vững "lá chắn" phòng, chống thiên tai không chỉ là câu chuyện kỹ thuật, mà còn là trách nhiệm chính trị và đạo lý. Trong bối cảnh mới, Hà Nội kiên quyết không để trống vị trí, không để vắng trách nhiệm. Quan trọng hơn, đây là công việc của toàn xã hội, với tinh thần: “Không ai đứng ngoài chiến tuyến với thiên tai”.


Nguồn: https://hanoimoi.vn/no-luc-cung-co-la-chan-thien-tai-709018.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm