Từ gian khó đi lên
Gia đình ông Giấy đông anh em, ông thứ 12. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, ông bắt tay vào phát triển kinh tế gia đình, tự học điện và sống được với nghề này. Ban ngày ông đi làm, tối lên TP.HCM học thêm để nâng cao tay nghề. Song song đó, vợ chồng ông làm nông nghiệp trên phần đất cha mẹ cho.
Nhận thấy trồng lúa hiệu quả không cao nên ông mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Lúc đó, nhiều người bàn tán vì vùng này chưa ai làm như ông nhưng ông vẫn quyết tâm. Ông trồng táo, vụ đầu tiên đã trúng mùa, mua được 3 lượng vàng. Sau vài năm, ông trồng mướp, rau ăn lá,... đều thành công ngoài mong đợi.
Ông Giấy cho biết, vùng đất Long Khê thổ nhưỡng rất tốt. Lúc đó, trồng cây gì, rau gì cũng phát triển, trồng bao nhiêu bán hết bấy nhiêu nhưng đường sá chưa đồng bộ, vận chuyển khó khăn nên khó mở rộng diện tích. Dần dần, Nhà nước đầu tư giao thông nên việc canh tác trở nên dễ dàng, hiệu quả hơn.
Ông Lê Văn Giấy (ấp 4, xã Long Khê, huyện Cần Đước) là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, luôn hỗ trợ, sẻ chia kiến thức với mọi người
Đến năm 2007, ông tăng diện tích trồng lên 6.000m2, mỗi năm làm 4-5 vụ, năng suất hơn 10 tấn/vụ. Đến nay, ông có 3ha rau vừa đất nhà, vừa đất thuê. Nhờ ứng dụng kỹ thuật cao vào trồng trọt nên ngoài các loại rau chủ lực, ông còn trồng những mặt hàng khó để cung ứng cho thị trường.
Ông Giấy chia sẻ: “Đối với nông nghiệp hiện nay, nếu muốn làm giàu, hiệu quả thì tôi thấy có 2 đường, một là phải có diện tích canh tác lớn, hai là phải ứng dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại”. Ông Giấy kể, có thời gian ông gặp khó khăn vì cải bẹ xanh (cây chủ lực) bị dịch bệnh, chết hàng loạt dù chỉ còn 4-5 ngày nữa là thu hoạch.
Thị trường khi đó rất hiếm mặt hàng này. Không bỏ cuộc, ông tìm tòi, nghiên cứu nhiều tài liệu, học hỏi nhiều nguồn, nghe ở đâu có tổ chức tập huấn ông đều tham gia, kết hợp kinh nghiệm dân gian. Nhờ đó, ông dần khắc phục được tình trạng trên, kinh tế ngày càng phát triển.
Theo ông Giấy, trồng rau ăn lá phụ thuộc 80% vào thời tiết. Việc sử dụng lưới che giúp rau không bị giập lúc mưa và hạn chế sâu, rầy gây hại. Ngoài ra, ông còn sử dụng hệ thống tưới tự động, sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP. Thành công của ông Giấy đã cổ vũ, khích lệ tinh thần của người dân trong vùng.
Chia sẻ, cùng nhau làm giàu
Thấy ông Giấy làm giàu với cây rau, nhiều người học theo. Ai đến học hỏi kinh nghiệm ông đều tận tình chỉ dẫn, nhất là khâu ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.
Năm 2017, ông thành lập Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Mười Hai và đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc. Ông cho biết: “Ông bà xưa dạy “buôn có bạn, bán có phường”, nếu hợp tác, đoàn kết sẽ dễ bán hơn, việc hỗ trợ, giúp đỡ nhau cũng dễ dàng hơn”.
Nhờ liên kết thành vùng chuyên canh nên ai cần cải bẹ xanh, cải ngọt chỉ cần đến đây là có. Hàng không đứt nguồn cung nên thương lái rất thích. Hiện tại, HTX có 60 thành viên với diện tích 30ha. Việc bảo đảm an toàn nông sản được ông thực hiện rất nghiêm ngặt, thành viên phải ký cam kết, nếu hộ nào không tuân thủ sẽ không được trả tiền vụ đó. Nhờ vậy, sản phẩm của HTX ngày càng được thị trường ưa chuộng, đánh giá cao. Mới đây, sản phẩm rau an toàn của HTX đã xuất khẩu thành công sang Anh.
Công nhân sắp xếp, phân loại rau trong Hợp tác xã Rau an toàn Mười Hai
Theo ông Giấy, 1.000m2 rau đạt năng suất 3 tấn/vụ là trúng mùa. Trung bình mỗi hộ làm 6-9 vụ/năm, cá biệt có hộ làm 11 vụ/năm. Với giá thị trường hiện nay, nông dân thu lợi nhuận 5.000 đồng/kg. Người trồng 3.000-4.000m2 mỗi năm lợi nhuận vài trăm triệu đồng là bình thường, cao gấp nhiều lần trồng lúa. “Ngày trước, khu này có thể nói là nghèo nhất ấp 4, nhờ trồng rau mà ai cũng khá, nhà cửa khang trang” - ông Giấy nói.
Nhiều năm qua, ông Lê Văn Giấy luôn nhiệt tình trong các hoạt động xã hội. Ông rất “có duyên” trong việc vận động làm đường giao thông nông thôn. Cầu Miễu nối với xã Phước Lý ngày nay là cây cầu bêtông khang trang.
Ngày trước, chính ông Giấy là người đi xin cây, xẻ ván bắc cầu, giúp rút ngắn đoạn đường từ 7km còn khoảng 3km. Khi địa phương vận động hỗ trợ hộ nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn,... ông đều nhiệt tình tham gia. Nhiều năm, ông Lê Văn Giấy là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh./.
Châu Thanh
Nguồn: https://baolongan.vn/no-luc-lam-giau-se-chia-cung-phat-trien-a193625.html
Bình luận (0)