Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nơi cuối nguồn Thạch Hãn

Giữa tháng Tư lịch sử, tôi đứng ở cuối nguồn sông Thạch Hãn, nơi có cù lao Bắc Phước (xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) chỉ cách “vài sải tay bơi” là biển Cửa Việt.

Báo Đắk NôngBáo Đắk Nông04/05/2025

Thạch Hãn là con sông dài nhất tỉnh Quảng Trị, gần 160 cây số, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn Đông. Con sông đã chứng kiến nhiều cuộc trường chinh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc, cả chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cứu nước. Sông chảy qua bao làng quê yên bình tạo nên những vùng đất trù phú, là nơi sinh ra những nhân vật có nhiều dấu ấn trong lịch sử quê nhà.

Con sông được định hình với “căn cước” của mình là nguồn nước do... đá đổ mồ hôi mà có, như nhiều văn nghệ sĩ lý giải, mà cụ thể qua bài hát "Mồ hôi đá" của Xuân Vũ. Từ thôn Vụng Kho của xã Đakrông, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị sát con đường xuyên Á-Quốc lộ 9, sông hợp lưu 2 nguồn từ Rào Quán (huyện Hướng Hóa) và nguồn Đakrông (huyện Đakrông) mà tiếp tục chảy về xuôi. Qua Chiến khu Ba Lòng thì gọi sông Ba Lòng rồi tiếp tục xuôi về miệt Hải Lăng, Triệu Phong hợp lưu với sông Hiếu từ Cam Lộ (Quảng Trị)chảy về rồi đổ ra Cửa Việt.

Ở đoạn ngã ba sông, thôn Vụng Kho, nơi in dấu chân Vua Hàm Nghi cùng đoàn tùy tùng khi bôn tẩu, nếm mật nằm gai chống giặc Pháp. Người Vân Kiều ở đây kể lại rằng, ở phía sát mép sông, đoạn gần cầu Bông Kho đã đào được một cái nồi đồng khổng lồ. Đó là kỷ vật lưu dấu của đoàn trên bước đường từ thành Tân Sở (Cam Lộ) theo đường thượng đạo ra Hương Sơn (Hà Tĩnh) kháng Pháp trong Phong trào Cần Vương. Theo tiếng Bru-Vân Kiều, kho là cái nồi nên thôn Vụng Kho có tên gọi từ đó.

Sông Thạch Hãn đoạn qua cù lao Bắc Phước (Quảng Trị).

Có thể nói, thượng nguồn của sông Hãn mạnh mẽ, như chàng trai Vân Kiều vạm vỡ, băng nhiều thác ghềnh và con nước hung hãn, rồi dịu êm, sâu lắng ở phía đồng bằng như cô gái người Kinh với nhiều nét đoan trang, lãng mạn... Sông Hãn là sông Cái trong tâm thức người dân Quảng Trị. Cùng với non Mai-núi Mai Lĩnh ở thị trấn Krông Klang (huyện Đakrông) thành cặp biểu tượng non Mai-sông Hãn như sông Hương-núi Ngự ở Huế; núi Ấn-sông Trà của xứ Quảng...

Trước khi trườn mình ra biển lớn, Thạch Hãn hòa mình với sông Hiếu đã kịp để lại phù sa bồi đắp thành những cù lao màu mỡ như Cồn Nông, Bắc Phước ngay sát cửa biển. Cù lao Bắc Phước trước đây có 3 thôn, gồm Dương Xuân, Duy Phiên và Hà La. Nay nhập thành một gọi là thôn Bắc Phước. Trên cù lao có hệ thống đầm phá với đủ 3 loại nước gồm đầm nước ngọt, nước lợ và nước mặn nên ở đây có thể gọi là một phá Tam Giang của xứ Thừa Thiên Huế thu nhỏ. Do đặc tính đó nên cá tôm ở đây rất đa dạng và được xem là ngon bậc nhất tỉnh Quảng Trị.

Cù lao bốn bề sông nước, mỗi mùa nước lớn, sông dâng cao, nước cuồn cuộn, cù lao nhỏ bé như một chiếc lá trước dòng trôi, dễ chừng như truột ra biển trước cơn thịnh nộ của đất trời. Ngày xưa muốn qua cù lao thì phải đi đò. Bến đò đón khách qua sông nằm ở Cồn Đống thuộc làng An Cư, nằm phía hữu ngạn của dòng sông. An Cư xưa nay nổi tiếng đất học và đỗ đạt làm quan. Người nổi tiếng nhất có lẽ là Quận công Nguyễn Văn Tường, một danh thần có vai trò rất lớn trong triều đình nhà Nguyễn. Ông từng làm tri huyện Thành Hóa (Hướng Hóa, Đakrông và Cam Lộ ngày nay) nên am tường về địa hình, địa vật cũng như nhân tâm của con người địa phương. Thế nên ông là người thai nghén và kiến thiết thành Tân Sở ở xứ Cùa, huyện Cam Lộ, chuẩn bị cho Phong trào Cần Vương chống Pháp sau này. Từ kinh thành Huế, lương thảo, vũ khí theo sông Ô Lâu, sông Vĩnh Định ra sông Thạch Hãn rồi theo sông Hiếu lên Cam Lộ để vào xứ Cùa.

Ngược dòng lịch sử gần 500 năm trước, nơi cửa biển này cũng chứng kiến đoàn tùy tùng của Chúa Nguyễn Hoàng theo hướng sông Hãn vào định đô tại gò Phù Sa thuộc Ái Tử để bắt đầu công cuộc mở cõi, tiến vào Nam. Giờ đi qua cù lao không còn đi đò như xưa. Chiếc cầu bề thế đã bắc qua sông đem lại sự thuận tiện, kết nối ốc đảo với đôi bờ. Người ở quê giờ vẫn nhắc lại câu cửa miệng ngày xưa của dân cù lao, rằng “nhất chú Thích, nhì chủ tịch”. Chú Thích vốn là người lái đò lâu năm ở cù lao. Muốn sang sông thì phải lụy đò, và chú Thích trở thành người quan trọng hơn cả ông chủ tịch xã. Đó là cách ví von có phần hài hước nhưng đã thấy rõ tầm quan trọng của người chèo đò qua sông trong giai đoạn khó khăn của quê hương này.

Dân cù lao chỉ vẻn vẹn khoảng 300 hộ, nghề chính là chài lưới ven sông, đầm phá và nuôi tôm. Do đặc tính nước phèn chua nên canh tác lúa cho năng suất thấp, ruộng chỉ làm được một vụ/năm. Tuy nhiên, giống gạo huyết rồng hay còn gọi là gạo đỏ, gạo nước mặn ở đây rất nổi tiếng. Đó là thứ gạo khô, khó nhai nhưng lại trở thành sản vật được nhiều người săn lùng khi đến cù lao. Và ngày nay, gạo huyết rồng Bắc Phước đã trở thành đặc sản để “leo lên” máy bay, tàu hỏa đi khắp nơi; trở thành món quà sáng giá khi nhắc về cù lao. Hiện nay, diện tích canh tác lúa huyết rồng giảm dần, nhường chỗ cho những ao tôm. Gạo huyết rồng Bắc Phước đã quý nay càng trở nên hiếm.

Sát mép sông ở làng Hà La là chợ Bắc Phước. Buổi sáng nơi này thật nhộn nhịp, trên bờ người thu mua cá, dưới sông thuyền ghe từ các mạn Cửa Việt, Triệu An, Triệu Độ đánh bắt cả đêm ghé vô xả hàng. Từ đây, cá tôm theo xe khách lên các huyện, thị cung ứng cho khách hàng. Xa nhất có thể đi tới biên giới Lao Bảo và qua nước bạn Lào. Chợ họp nhanh, chóng vánh nhưng sản vật rất phong phú. Ngoài cá tôm, những sản vật khác không thể thiếu của xứ cù lao như rong câu, bột lọc (bột sắn) được trồng ở nơi này và những món ăn vặt mang đậm chất sông nước.

Cù lao rộng khoảng 4 cây số vuông. Xung quanh được bao bọc bởi con đê khá bề thế. Từ đê trở ra là những cánh rừng ngập mặn với cây chủ lực là bần. Rừng bần che chắn gió bão, là nơi trú ngụ của cá tôm và các loài cò, sếu. Cù lao có khoảng 100ha mặt nước, họ thành lập hợp tác xã rồi cùng nhau nuôi trồng và chia lợi tức vào cuối năm.

Lớn nhất là đầm Duy Phiên, nơi có hệ sinh thái khá hoàn hảo để cá tôm lớn lên một cách tự nhiên mà không cần thức ăn. Người nhận nuôi (đấu đầm) chỉ cần mua con giống thật tốt và thả xuống, bỏ công bảo vệ rồi đến mùa đánh bắt, khai thác. Vậy nên cá tôm ở đây thuộc loại thực phẩm sạch, được khách hàng khắp nơi tự tin tiêu dùng. Hằng năm, phần lợi tức có được từ việc cho thuê đầm phá được tái đầu tư kênh mương nội đồng, các công trình phúc lợi, các thiết chế văn hóa của thôn. Sau khi hạch toán, phần lợi tức còn lại đem chia đều cho các khẩu. Thế nên, nhiều năm nay, mỗi mùa xuân đến, cư dân địa phương đều nhận được một khoản “lộc” trên dưới 2 triệu đồng/người. Đó là phần thu nhập có được nhờ thiên nhiên ban tặng cho xứ này.

Dù cách trung tâm tỉnh lỵ Đông Hà không xa, chỉ 15 cây số nhưng không gian cù lao thật yên bình, như một chốn nghỉ ngơi đầy sức hút với sông nước, rừng cây, đàn cò sếu... Bức tranh thiên nhiên yên bình cùng với ẩm thực phong phú đã khiến nhiều người muốn đến đây nghỉ ngơi.

Lữ khách đã đến cù lao không thể nào quên được món canh chua nấu với cá bống thệ hay cá tràu (cá lóc). Đã có thời gian, chỉ cần đi dọc mép sông, lật từng viên đá là có thể bắt được cá bống thệ. Ra vườn hái một nắm cà chua gạo là có thể nấu được bát canh ngon lành. Xứ này nổi tiếng với món dưa chua vì nguồn nước làm dưa, theo lý giải của người dân địa phương do vị chua phèn của nguồn nước mới có thứ dưa giòn ngon như thế. Ở đây có cách nấu canh xổi khá lạ. Cá tươi từ dưới đầm bắt lên, rửa sạch, không làm ruột (vì cá ăn thức ăn tự nhiên nên ruột thơm, béo), nấu một nồi nước thật sôi rồi bỏ vào. Ném, hành, ớt giã nhỏ, đợi nồi cá sôi là bỏ vào và nêm muối. Đây là món canh xổi trứ danh, nó đậm vị hơn canh bình thường và nhạt hơn cách kho truyền thống. Chén cơm gạo đỏ nóng hổi mà chan nước canh này vào thì ăn ngon hết sẩy. Vị cay nồng của ớt, vị đắng và béo của cá làm nên một hỗn hợp dư vị không lẫn vào đâu được. Vừa ăn vừa hít hà, vã cả mồ hôi mà vẫn khen lấy khen để. Người dân lý giải món canh xổi ở đây ngon vì có cá tươi, cá tự nhiên và đặc biệt là nguồn nước. Chính nguồn nước làm nên sự khác biệt. Thế nên có khách ở thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị và các vùng lân cận đến cù lao mua cá, mua ném thì họ không quên bới một ít nước để lên nấu cho đúng điệu!

Đứng giữa trời độc lập, tự do hôm nay, trong những ngày tháng Tư lịch sử, tôi mường tượng về một ngày cù lao quê tôi trở thành một điểm dừng chân nghỉ ngơi của du khách. Bởi các điều kiện tự nhiên đã có đủ, chỉ cần có những chính sách và mô hình phù hợp thì cù lao sẽ chuyển mình. Ngoài những điều kể trên, có lẽ hiếm có một nơi nào như ở cuối nguồn sông Hãn này, người dân tối ngủ không cần khóa cửa và hằng năm, lợi tức thu được từ khai thác nguồn lợi thủy sản đã chia đều cho các hộ sau khi trừ các khoản đầu tư hạ tầng.

Bài và ảnh: YÊN MÃ SƠN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan. 

Nguồn: https://baodaknong.vn/noi-cuoi-nguon-thach-han-251385.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tạp chí danh tiếng tiết lộ những điểm đến đẹp nhất Việt Nam
Rừng Tà Kóu tôi đi
Phi công kể lại giây phút 'bay qua biển cờ đỏ ngày 30-4, tim rung lên vì Tổ quốc'
Tp. Hồ Chí Minh 50 năm sau ngày thống nhất

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm