Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nơi hội tụ nhiều “rồng” ra biển

↵ Sau khi sáp nhập 3 tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre, tỉnh mới Vĩnh Long rộng 6.296,2km², với quy mô dân số khoảng 4.194.633 người, trở thành một đơn vị hành chính quan trọng tại ĐBSCL. Tỉnh có 130km bờ biển mở ra một tầm nhìn mới, kiến tạo một tỉnh ven biển có sức cạnh tranh vùng và quốc tế, với kinh tế biển làm động lực tăng trưởng chủ lực trong kỷ nguyên vươn mình cùng đất nước.

Báo Vĩnh LongBáo Vĩnh Long09/07/2025

Sau khi sáp nhập 3 tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre, tỉnh mới Vĩnh Long rộng 6.296,2km², với quy mô dân số khoảng 4.194.633 người, trở thành một đơn vị hành chính quan trọng tại ĐBSCL. Tỉnh có 130km bờ biển mở ra một tầm nhìn mới, kiến tạo một tỉnh ven biển có sức cạnh tranh vùng và quốc tế, với kinh tế biển làm động lực tăng trưởng chủ lực trong kỷ nguyên vươn mình cùng đất nước.

Tỉnh Vĩnh Long hiện có 130km bờ biển mở ra một tầm nhìn mới, kiến tạo một tỉnh ven biển có sức cạnh tranh vùng và quốc tế, với kinh tế biển làm động lực tăng trưởng chủ lực. Ảnh: TRUNG HIẾU
Tỉnh Vĩnh Long hiện có 130km bờ biển mở ra một tầm nhìn mới, kiến tạo một tỉnh ven biển có sức cạnh tranh vùng và quốc tế, với kinh tế biển làm động lực tăng trưởng chủ lực. Ảnh: TRUNG HIẾU

Động lực mới hướng biển

Các nhà chiến lược cho rằng, việc hợp nhất Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre mang tên “tỉnh Vĩnh Long”, trung tâm hành chính đặt tại Vĩnh Long sẽ trở thành một trong những trung tâm của vùng ĐBSCL lấy biển làm động lực phát triển. Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vinh (ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh), nhóm kinh tế biển sẽ là mũi nhọn kinh tế của tỉnh Vĩnh Long vì địa phương này sở hữu đường bờ biển dài, tiếp giáp Biển Đông qua các khu vực ven.

Đây là nơi quy tụ các cửa sông lớn như Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, Định An- tiềm năng chiến lược cho phát triển cảng biển, logistics ven biển và nuôi trồng thủy sản quy mô lớn. Các khu đất ven biển, vùng đầm mặn và bãi bồi rất phù hợp cho điện gió ngoài khơi và tiềm năng phát triển điện mặt trời trong các trang trại.

Sự kết nối tự nhiên giữa 3 tỉnh cuối nguồn Cửu Long vốn đã hình thành từ lâu. Nếu như Vĩnh Long (cũ) là hậu phương nông nghiệp và công nghiệp thì Trà Vinh và Bến Tre là hai “cửa ngõ hướng biển” với tiềm năng lớn về điện gió, nuôi trồng thủy sản, cảng biển và du lịch sinh thái.

Việc hợp nhất thành tỉnh Vĩnh Long mới không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho quy hoạch không gian thống nhất mà còn tăng năng lực cạnh tranh cấp vùng, giảm phân tán nguồn lực và tối ưu hóa đầu tư công. Dù nằm giữa trung tâm ĐBSCL, Vĩnh Long cũ không giáp biển, trong khi Trà Vinh và Bến Tre sở hữu những lợi thế biển nhưng chưa được khai thác đúng mức, thiếu trung tâm điều phối chiến lược và nuôi biển quy mô lớn vẫn tự phát.

Khi trở thành một tỉnh thống nhất, Vĩnh Long mới sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch lấn biển 50.000ha của Bến Tre đã được Chính phủ phê duyệt, đồng thời mở rộng cảng Định An thành cảng trung chuyển quốc gia, phát triển cụm điện gió ven biển công suất lớn, tái cấu trúc ngành thủy sản theo hướng công nghệ cao và sinh thái, cũng như định hình khu kinh tế biển và chuỗi đô thị ven biển hiện đại.

Tỉnh Vĩnh Long mới sẽ đóng vai trò then chốt trong chiến lược liên kết vùng Tây Nam Bộ- TP Hồ Chí Minh, trở thành cửa ngõ xuất khẩu mới, giảm áp lực lên cảng Cát Lái, đồng thời thúc đẩy phát triển cụm cảng biển- logistics cho toàn khu vực.

Tỉnh Vĩnh Long mới không chỉ là một phép cộng hành chính mà là một “thực thể chiến lược” đại diện cho tư duy phát triển mới, lấy biển làm động lực, lấy kết nối làm trọng tâm, lấy đổi mới làm phương tiện và lấy bền vững làm mục tiêu cuối cùng.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vinh nhận định, trong bối cảnh xu hướng tổ chức lại đơn vị hành chính vì sự phát triển bền vững, tỉnh Vĩnh Long sau sáp nhập hứa hẹn trở thành trụ cột kinh tế, xã hội và bền vững cho vùng ĐBSCL. Theo đó, các nhóm “rất tiềm năng” bao gồm kinh tế biển; logistics- giao thông thủy; tài nguyên nước- thủy lợi; nông nghiệp- chế biến- xuất khẩu; công nghiệp- năng lượng sạch cùng vài nhóm tiềm năng khác.

Nơi “rồng” hội tụ Biển Đông

Theo TS Trần Hữu Hiệp- chuyên gia kinh tế vùng ĐBSCL, việc hợp nhất 3 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và Vĩnh Long để hình thành “tỉnh mới hướng ra Biển Đông” chính là bước chuyển mình chiến lược, tạo ra không gian phát triển mới, khai thác lợi thế tự nhiên và kết nối nội vùng, mở ra đà tăng trưởng đột phá cho cả ĐBSCL.

Phát triển kinh tế biển đa ngành, đa dạng sẽ là trục xương sống. Bến Tre và Trà Vinh với đường bờ biển dài sở hữu tiềm năng nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, từ tôm sinh thái đến cá tra quy mô hàng hóa, nâng cao năng suất, giảm thiểu rủi ro dịch bệnh và tạo nền tảng cho chuỗi chế biến sâu, đóng gói xuất khẩu đạt chuẩn quốc tế. Đồng thời, việc tổ chức đội tàu khai thác xa bờ, trang bị hệ thống giám sát IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định) sẽ tối ưu hóa nguồn lợi hải sản và bảo vệ môi trường biển.

Song song đó, vùng ven biển Bến Tre- Trà Vinh có thế mạnh lớn về năng lượng tái tạo. Điện gió ngoài khơi kết hợp điện mặt trời sẽ cung cấp nguồn điện sạch, ổn định, thu hút đầu tư quy mô vào chuỗi phụ trợ. Dù Vĩnh Long (cũ) không tiếp giáp biển, tỉnh mới sẽ trở thành “nguồn lực hậu phương” cho các dự án năng lượng, đảm bảo cân đối điện- nước- nguyên liệu, đồng thời góp phần đa dạng hóa cơ cấu kinh tế toàn vùng.

Du lịch biển và sinh thái là kênh tăng trưởng quan trọng tiếp theo. Sự pha trộn giữa văn hóa sông nước ĐBSCL và hệ sinh thái rừng ngập mặn tạo nên dấu ấn độc đáo, từ tour khám phá cù lao, homestay ven rừng đước đến hành trình trải nghiệm làng nghề. Việc phát triển khu nghỉ dưỡng cao cấp cùng các sản phẩm du lịch gắn kết cộng đồng không chỉ gia tăng thu nhập mà còn bảo tồn văn hóa truyền thống một cách bền vững.

Tổng Bí thư Tô Lâm

“Tỉnh mới hình thành từ Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, nơi có đến 6/9 con rồng Cửu Long hội tụ ở đây, sớm sẽ trở thành cực tăng trưởng năng động, bền vững, giàu bản sắc và thực sự vì Nhân dân”.

Việc hợp nhất 3 tỉnh không chỉ là giải pháp tổ chức lại địa giới hành chính mà quan trọng hơn là một sự lựa chọn tính đột phá nhằm tái thiết cấu trúc phát triển theo hướng tích hợp đồng bộ và có hiệu quả. Sự hợp nhất này sẽ mở ra không gian mới để phát huy tối đa những lợi thế và bổ trợ lẫn nhau giữa các địa phương, thúc đẩy liên kết kinh tế một cách thực chất.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, điều quan trọng là sự hợp nhất này phải đi đôi với tư duy quản trị mới: tinh gọn bộ máy, minh bạch vận hành, hiện đại công nghệ và linh hoạt điều phối nhằm hình thành một trong những trung tâm tăng trưởng, đủ sức dẫn dắt của ĐBSCL.

Tỉnh Vĩnh Long mới sẽ hình thành các vùng động lực kinh tế liên kết quy mô lớn, có năng lực lan tỏa cao. Hợp nhất 3 tỉnh sẽ có điều kiện ưu tiên đầu tư đồng bộ vào hệ thống hạ tầng chiến lược vùng như QL60, các tuyến ven biển, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Cà Mau, đường nội thủy, nội địa và hệ thống cảng biển, cảng sông nhằm mở rộng không gian phát triển, nâng cao năng lực logistics và thu hút đầu tư chất lượng cao.

ĐẤT VIỆT

Nguồn: https://baovinhlong.com.vn/thoi-su/202507/noi-hoi-tu-nhieu-rong-ra-bien-5d10d7f/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm