Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Trường học thực hiện kiểm toán rác thải

Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi (VCMI) đã và đang tiên phong trong việc triển khai các hoạt động thiết thực nhằm “xanh hóa” môi trường giáo dục nghề nghiệp, trong đó có việc thực hiện kiểm toán rác thải (KTRT) định kỳ hàng năm và đưa vào giảng dạy module Xanh. Những hoạt động này nhằm góp phần xây dựng một thế hệ công dân có ý thức và hành động vì môi trường.

Báo Đồng NaiBáo Đồng Nai09/07/2025

Nhân viên Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi hướng dẫn học sinh Trường trung học cơ sở Hòa Bình (phường Hố Nai) phân loại rác. Ảnh: NTCC
Nhân viên Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi hướng dẫn học sinh Trường trung học cơ sở Hòa Bình (phường Hố Nai) phân loại rác. Ảnh: NTCC

Đưa module Xanh vào chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo

VCMI là trường học được thụ hưởng dự án từ Cộng hòa liên bang Đức nhằm hỗ trợ nhà trường phát triển thành một trung tâm giáo dục kỹ thuật và đào tạo nghề xanh chất lượng cao. Theo đó, nhà trường có 2 chương trình đào tạo nghề xanh, gồm: công nghệ điện tử và năng lượng toàn nhà; công nghệ sưởi ấm và điều hòa không khí.

Cùng với đó, nhà trường cũng được các chuyên gia Đức hỗ trợ xây dựng module cơ bản là Bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên (gọi tắt là module Xanh). Module này đã được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, thương binh và xã hội (nay là Cục Giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục và đào tạo) công nhận và khuyến nghị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đưa vào các hoạt động của nhà trường và lồng ghép trong chương trình đào tạo.

Module Xanh được VCMI xây dựng thành một giáo trình gồm 36 giờ, lồng ghép trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp của trường, bắt đầu từ năm 2017 và chính thức áp dụng từ năm 2019.

Sau khi được chuyển giao và xây dựng, VCMI đã lồng ghép module Xanh vào 100% chương trình đào tạo của trường. Đặc biệt, 100% giáo viên đều được tập huấn để được cấp chứng nhận về module Xanh, và học sinh, sinh viên (HSSV) học module này cũng được cấp chứng nhận khi ra trường.

Những nỗ lực của VCMI trong việc triển khai KTRT và module Xanh không chỉ góp phần giải quyết vấn đề rác thải trong trường học, mà còn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, giúp nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, nhân viên và HSSV về tầm quan trọng của việc quản lý rác thải một cách khoa học và bền vững. Quan trọng hơn, thông qua những hoạt động này, HSSV được rèn luyện ý thức trách nhiệm với môi trường, trở thành những nhân tố tích cực trong hoạt động bảo vệ môi trường.

Không chỉ dạy trực tiếp, nhà trường còn đưa module Xanh lên phần mềm dạy học trực tuyến, tạo điều kiện cho HSSV lựa chọn học trực tiếp hoặc học online, kèm theo đó là các bài đánh giá để được cấp chứng nhận khi đạt kết quả. Mặc dù hiện tại module Xanh chưa phải là nội dung học tập bắt buộc, nhưng đã được đưa vào chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo.

Theo Phó hiệu trưởng VCMI Lê Minh Nguyệt, trong những năm qua, VCMI đã tổ chức nhiều hội thảo, chuyển giao module Xanh cho gần 40 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc. Mới đây nhất, VCMI đã chuyển giao cho Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai và nhận được phản hồi rất tích cực.

Cùng với đó, VCMI cũng triển khai chương trình tuyên truyền về hoạt động xanh hóa đến các trường phổ thông. Nội dung chủ yếu của chương trình này bao gồm tuyên truyền các vấn đề về bảo vệ môi trường, tiết kiệm điện, nước, phân loại rác, tái chế rác và quản lý nguồn rác thải.

“Đây cũng là một trong những nội dung của Chiến dịch KTRT” - cô Nguyệt cho hay.

Cân, đo, đong, đếm rác thải

Chiến dịch KTRT là một trong những hoạt động mà VCMI được tiếp cận từ các chuyên gia Đức từ năm 2020 và duy trì hàng năm cho đến nay. KTRT trong trường học được xem như một quá trình “chẩn đoán” thực trạng tiêu thụ và xử lý rác thải, nhằm đánh giá tổng quan lượng rác phát sinh cũng như hiệu quả của hệ thống quản lý rác hiện tại. Hoạt động này giúp nhà trường nhận diện những vấn đề tồn đọng trong việc thu gom, phân loại và tái chế rác, từ đó đưa ra các giải pháp cải thiện phù hợp.

Phó hiệu trưởng VCMI Lê Minh Nguyệt chia sẻ: “Chương trình KTRT được thực hiện định kỳ hàng năm và thường kéo dài một tháng. Trong chương trình, giảng viên, nhân viên, HSSV sẽ phân loại và định lượng từng loại rác thải, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm hạn chế nguồn rác thải đó”.

Hoạt động này giúp giảng viên, nhân viên, HSSV nhận thức rõ hơn về tác động của rác thải đối với môi trường, hiểu được quy trình phân loại, tái chế và xử lý rác. HSSV không chỉ tiếp thu kiến thức, mà còn có cơ hội trải nghiệm thực tiễn, từ đó hình thành những thói quen tốt và ý thức bảo vệ môi trường.

Theo cô Lê Minh Nguyệt, VCMI đã biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn KTRT để HSSV thực hiện. Hoạt động KTRT có thể thực hiện được ở các trường phổ thông và sẽ là yếu tố quan trọng góp phần giảm thiểu rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa.

“VCMI rất mong muốn lan tỏa tất cả hoạt động xanh hóa này tới các trường phổ thông và cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác. Điều này thể hiện cam kết mạnh mẽ của VCMI trong việc xây dựng một tương lai xanh và bền vững cho thế hệ mai sau” - cô Nguyệt bày tỏ.    

Hải Yến

Nguồn: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202507/truong-hoc-thuc-hien-kiem-toan-rac-thai-83f1707/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm