Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nơi lưu giữ những giá trị văn hóa và sự kiện cách mạng

Lăng Ông Nam Hải tọa lạc tại xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang được thành lập vào năm 1905 tại ấp Xóm Lăng do ông Nguyên Văn Lung sáng lập (nay là ấp 4, xã Tân Phước). Ban đầu có tên là “Phước Hiệp Hội” - nơi sinh hoạt cộng đồng của ngư dân địa phương. Do muốn có một nơi để cúng bái, cầu an lành cho những chuyến đi biển, năm 1925, nhân dân ấp Xóm Lăng đã chọn cơ sở này thờ cá Ông và gọi trang trọng là “Lăng Ông Tân Phước” cho đến nay.

Báo Tiền GiangBáo Tiền Giang08/05/2025

GIÁ TRỊ VĂN HÓA, TÍN NGƯỠNG

Lăng Ông nằm cách trung tâm TP. Gò Công 17 km về hướng Đông Bắc, cách UBND xã Tân Phước khoảng 2,5 km. Trải qua hơn 100 năm tồn tại, chịu nhiều ảnh hưởng của chiến tranh, Lăng Ông Tân Phước vẫn tương đối giữ nguyên được những giá trị như ban đầu.

Lăng có diện tích xây dựng 824 m2 trên bờ sông Soài Rạp, gồm hàng rào xung quanh, cổng lăng, vỏ ca, chánh điện, nhà khói và kho. Vỏ ca có diện tích 210 m2, nền được lát gạch men gồm: 18 cột đỡ mái, trong đó có 6 cột gỗ vuông. Xung quanh được xây tường cao và song gỗ tạo không gian thoáng mát. Bên trong vỏ ca, nối liền với mặt dựng là sân khấu hát bội được xây bằng xi măng. Hai hàng cột từ ngoài nhìn vào trang trí câu đối:

“Quốc thới dân an, Thánh thọ vô cương”

“Phước như Đông hải, Thọ tỷ Nam sơn”.

Chánh điện có diện tích 78 m2 gồm 2 tầng mái theo kiểu mái bánh ú, có 4 cột tròn và 8 cột chạy xung quanh vách tường. Trước khi bước vào chánh điện là mặt dựng đề “Lăng Ông Đức Nam Hải” thành lập năm 1925 (Ất Sửu). Hệ thống cửa điện thờ được làm bằng gỗ theo kiểu thượng song hạ bản, gồm 1 cửa chính và 2 cửa hai bên. Trên 4 cột chánh điện trang trí 2 đôi liễn. 

Vào bên trong lăng là bàn thờ Bác Hồ, bên trong bàn thờ Bác Hồ là mặt dựng xi măng vẽ hoa sen bên dưới rất sinh động, 4 cột cái chánh tẩm đắp nổi rồng uốn mình xung quanh rất độc đáo. Bên trong 4 cột cái là bàn thờ “Thủy thần” được đắp nổi theo lối chữ Hán trên khám thờ bằng xi măng, chữ vàng nền đỏ có vẽ rồng. Hai bên bàn thờ “Thủy thần”,  trên vách tường có thờ hai đoạn cốt cá Ông được sơn màu đỏ.

Phía dưới, trên bàn thờ là 2 quách đựng cốt cá Ông được làm bằng xi măng. Bên tả và bên hữu bàn thờ “Thủy thần” là hai bàn thờ Tả ban và Hữu ban. Bàn thờ và khám thờ được làm bằng xi măng nền đỏ chữ vàng vẽ chim phượng (phụng) cách điệu, vẽ “lưỡng long tranh châu”, vẽ hoa, vẽ cảnh sơn thủy và tôm cá rất sinh động. Nhà khói và nhà kho là 2 hạng mục có diện tích 61 m2 và 34,5 m2. Đây là 2 ngôi nhà phục vụ những ngày diễn ra lễ hội tại lăng.

Hằng năm, tại Lăng có lệ cúng Nghinh Ông vào dịp rằm tháng 5 âm lịch với những nghi lễ mang đậm nét truyền thống của người dân vùng biển, cầu mong mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, thuận buồm xuôi gió những lúc ra khơi.

ĐỊA ĐIỂM GẮN VỚI NHIỀU SỰ LỊCH SỬ CÁCH MẠNG

Theo lời kể của các vị lão thành cách mạng trong xã, năm 1940, những người yêu nước xã Tân Phước tập hợp lực lượng, dùng trống, mõ khua vang tại lăng để hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Nam kỳ tại Mỹ Tho và Gò Công.

Năm 1945, Thanh niên Tiền phong xã do ông Bùi Văn Tám (Tám Linh) chọn làm nơi tập luyện lực lượng trong một khoảng thời gian dài. Năm 1948, ông Nhị (du kích xã) cùng ông Tư Phước, ông Tư Lùn, ông Nguyễn Văn Sĩ (Trung đội trưởng Trung đội 9, Chi đội 19, Khu 8) chỉ huy phong trào kháng chiến chống Pháp tại Tân Phước đã sử dụng lăng làm nơi hội họp, thảo luận, tập hợp lực lượng, chuẩn bị vũ khí để tham gia vào trận đánh trung đội lính ngụy do một sĩ quan người Pháp chỉ huy, sau đó trung đội phục kích trung đội lính Pháp do tên quan Brinion chỉ huy, ta thu 1 tiểu liên. 

Cũng trong thời gian này, ông Nguyễn Văn Thanh - Công an huyện Gò Công Đông - thường xuyên lui đến tập hợp nhân dân hoạt động kháng thực dân Pháp. Lúc bấy giờ, Lăng là nơi các lực lượng cách mạng thường xuyên về hội họp, phát động quần chúng tham gia các phong trào như: Tuyển quân, giáo dục, trừng trị những tên có nợ máu với nhân dân nên nhân dân làm nhiều hầm bí mật tại đây để phòng khi địch đi ruồng bố. Hầm bí mật được làm ở nhà bếp, bên ngoài nhà và ngay bên dưới bàn thờ.

Năm 1957, Đoàn văn công huyện Gò Công tổ chức tập luyện và biểu diễn tại lăng. Năm 1960, phong trào Đồng Khởi diễn ra mạnh mẽ ở nhiều nơi, ông Lê Văn Xum cùng đội du kích tập hợp quần chúng nhân dân tại lăng dùng trống, mõ hưởng ứng phong trào rất sôi nổi. 

Năm 1968, lăng là điểm tuyển quân, bổ sung bộ đội cho lực lượng vũ trang để phục vụ cho các trận đánh lớn chống Mỹ - ngụy đi càn ở Gò Công. Trong thời gian này, tại lăng thường xuyên diễn ra các cuộc hội họp của lực lượng cách mạng nên đã bị địch phát hiện. 

Chúng đã tổ chức đàn áp nhân dân; đồng thời, sát hại tất cả những người bị tình nghi là nuôi giấu cán bộ cách mạng. Tại đây, tên cảnh sát Bạch đã dùng súng giết chết nhiều người dân vô tội như: Bà Năm Xưởng, bà Sáu Khê, bà Tư Cườm...

Với quyết tâm phá hủy toàn bộ cơ sở kháng chiến của ta, tại Tân Phước, từ năm 1969 đến năm 1970, Mỹ - ngụy đã đốt cháy hoàn toàn lăng. Đến năm 1972, Xóm Lăng bị địch bình định và khủng bố trắng. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4-1975, Lăng Ông Nam Hải được bà con địa phương đóng góp tiền của xây dựng lại làm nơi thờ cá Ông và sinh hoạt văn hóa cộng đồng đúng như chức năng ban đầu.

Vào năm 2012, Lăng Ông Nam Hải - xã Tân Phước được UBND tỉnh Tiền Giang công nhận Di tích lịch sử - văn hóa.

NGUYỄN MẠNH THẮNG

Nguồn: https://baoapbac.vn/van-hoa-nghe-thuat/202505/lang-ong-nam-hai-xa-tan-phuoc-noi-luu-giu-nhung-gia-tri-van-hoa-va-su-kien-cach-mang-1041896/


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm