Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nông dân Lục Ba 'không cho đất nghỉ'

Lục Ba là một trong những xã của huyện Đại Từ nằm trong vùng bán ngập hồ Núi Cốc, nhiều diện tích đất nằm dưới cao trình 48,25m nên hạn chế canh tác. Đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp nên mỗi người dân Lục Ba đều nỗ lực, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh, gối vụ, tăng vòng quay của đất nhằm nâng giá trị nông sản trên cùng một diện tích.

Báo Thái NguyênBáo Thái Nguyên03/04/2025

Nông dân xã Lục Ba (Đại Từ) chăm sóc diện tích chè cành mới trồng.
Nông dân xã Lục Ba (Đại Từ) chăm sóc diện tích chè cành mới trồng.

Chúng tôi vòng vèo qua nhưng cung đường bê tông, xuyên qua những đồi chè búp non mơn mởn, những ruộng lúa xanh thì con gái…, gặp vợ chồng anh Nguyễn Quang Hải ở xóm Văn Thanh đang cuốc bãi, tra hạt vừng. Anh bảo: Đất đủ nước, gia đình tôi trồng lúa, đất thiếu nước thì trồng vừng, có vụ lại trồng khoai, sắn… Nhà nông mà cho đất “nghỉ” là đói nhà báo ạ!

Câu nói dí dỏm của anh khiến tôi bất giác cảm nhận sâu sắc hơn về đất đai - nguồn tư liệu sản xuất quan trọng nhất đối với người nông dân, chủ yếu mang lại nguồn sống cho họ. Chẳng thế mà qua các xóm Bình Hương, Đồng Mưa, Đầm Giáo, Văn Thanh, Thành Lập… chúng tôi không nhìn thấy một vuông đất trống.

Đồi cao được phủ bằng cây keo, đồi thấp trồng chè, chân ruộng trồng ngô, lúa, lạc, vừng… Mùa nào thức ấy, người dân Lục Ba đầu tư vào thâm canh, gối vụ, nâng cao vòng quay của đất nhằm tăng giá trị cây trồng trên cùng 1ha đất.

Gặp ông Dương Văn Tại, xóm Bình Hương, đang hái chè, biết chúng tôi là nhà báo ông dừng tay, vui vẻ trò chuyện: Kinh tế gia đình tôi chủ yếu dựa vào hơn 6 sào chè. Để đảm bảo chất lượng và nâng cao giá thành, tôi chăm sóc theo quy trình VietGAP. Nhà có bao nhiêu đất đều được phủ kín bằng cây ăn quả, cây chè. Đất với nhà nông chúng tôi là quý nhất. Có đất tăng gia sản xuất thì nồi cơm lúc nào cũng đầy, thiếu đất sản xuất thì phải đi làm thuê, làm mướn, bữa đói bữa no.

Ông Dương Văn Tại (ở xóm Bình Hương, xã Lục Ba, Đại Từ) thu hái chè.
Ông Dương Văn Tại (ở xóm Bình Hương, xã Lục Ba, Đại Từ) thu hái chè.

Đã là người nông dân thì ai cũng quý đất đai, nhưng có lẽ người nông dân Lục Ba hiểu sâu sắc hơn về những giá trị căn cốt mà đất đai mang lại, bởi có nhiều hộ trước đây nằm trong vùng bán ngập, vào mùa mưa lũ, đến chỗ ở còn khó bảo toàn huống chi nói đến đất đai để sản xuất. Tối ngủ thì nơm nớp lo sợ nước ngập giường, sập nhà, sáng mở mắt ra lại nẫu ruột nhìn đồng ruộng ngập trong “biển nước”.

Chưa kể, địa hình của xã lại có nhiều đồi núi thấp và mấp mô, nên việc phát triển nông nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Nhưng nhiều năm trở lại đây, người nông dân Lục Ba đã không chỉ đảm bảo nguồn lương thực tại chỗ mà còn vươn lên làm giàu bằng cây chè, cây ăn quả, kết hợp chăn nuôi lợn, gà… có thu nhập ổn định từ 100-200 triệu đồng/năm như gia đình ông Trần Tiến Dũng, Đinh Anh Tuấn… ở xóm Bình Hương.

Với tổng diện tích lúa gieo cấy hơn 140ha (2 vụ) và hơn 112ha vụ mầu được gieo trồng bằng các giống cho năng suất, chất lượng cao, được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật đã cho sản lượng lượng thực của xã tăng qua các năm, tính riêng năm 2024 đạt hơn 810 tấn, bằng 101% kế hoạch.

Ngoài ra, người dân tập trung chăm sóc hơn 310ha chè, trong đó có hơn 30ha chè đông, cho sản lượng hơn 3.800 tấn, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho những hộ trồng chè. Ông Dương Văn Tại bảo: Tiền nuôi con ăn học, xây nhà, tậu xe máy… cũng nhờ tiền bán chè mà có.

Trên đồng ruộng, người dân Lục Ba chăm chỉ, cần mẫn 4 mùa với lúa, ngô, khoai, sắn…; trong chuồng, chăn nuôi thêm lợn, gà, trâu sinh sản… với số lượng luôn vượt các chỉ tiêu xã đề ra, như đàn trâu hơn 240 con, đạt 121% kế hoạch;  đàn lợn hơn 2.000 con, đạt 168%; đàn gia cầm hơn 56.000 con, bằng 101% kế hoạch… Nhờ tích cực trong sản xuất nông, lâm nghiệp, phát triển chăn nuôi… xã lục Ba chỉ còn 27 hộ nghèo, chiếm hơn 2% tổng số dân trong xã.   

Kinh tế phát triển, người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc đóng góp sức người, sức của xây dựng nông thôn mới nâng cao, trong đó có phong trào mở rộng đường xóm 6m.

Hiện nay, xã đã đổ bê tông và giải phóng mặt bằng, mở rộng hành lang đường được gần 4km/4,3km theo kế hoạch. 100% xóm đạt xóm văn hóa. Tính riêng năm 2024, xã được đầu tư gần 7 tỷ đồng để sửa chữa nhà lớp học, cải tạo, nâng cấp đường liên xã. Hiện nay, xã đạt 18/19 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.

“Năm 2025 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, nên có những yếu tố mang tính quyết định, do đó đòi hỏi cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Lục Ba phải nỗ lực phấn đấu cao để tận dụng những cơ hội, khắc phục những khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ, mục tiêu đề ra. Chúng tôi xác định sẽ tiếp tục khai thác hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng để phát triển kinh tế. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thâm canh, tăng giá trị một cách bền vững. Trong đó, tập trung đưa các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất, như J02, Dự hương 8, Syn98, HKT99, TH3-7…, khuyến khích người dân sản xuất lúa theo hướng VietGAP, hữu cơ; tăng diện tích trồng các loại cây mầu cho giá trị kinh tế cao; tập trung phát triển cây chè, cây kinh tế chủ lực của xã, tuyên truyền, khích lệ bà con phát triển sản phẩm OCOP… Phấn đấu xây dưng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong quý II-2025” - Đồng chí Trần Đức Tuân, Chủ tịch UBND xã Lục Ba, chia sẻ với chúng tôi.

Rời Lục Ba khi Mặt trời bắt đầu xuống núi, chúng tôi bắt gặp những người nông dân thong thả trở về nhà sau buổi lao động trên đồng ruộng. Cảnh làng quê thật thanh bình.

Nguồn: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202504/nong-dan-luc-ba-khong-cho-dat-nghi-8382ba8/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm