Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nữ tình báo huyền thoại Việt Nam xuất thân 'tiểu thư lá ngọc cành vàng'

Xuất thân trong gia đình buôn bán giàu nổi tiếng ở Sài Gòn nhưng bà chọn đi theo con đường cách mạng từ sớm.

VTC NewsVTC News21/05/2025

Người được nhắc đến chính là nữ tình báo Nguyễn Thị Mỹ Nhung, bí danh Tám Thảo, sinh năm 1932, nguyên cán bộ Cụm tình báo H63, Đoàn J22, Cục Nghiên cứu, Bộ Tổng Tham mưu (Bộ Quốc phòng).

Bà Mỹ Nhung sinh ra trong gia đình giàu có, bề thế, cha mẹ buôn bán ở chợ Bến Thành. Năm 12 tuổi, thấy nữ chiến sĩ rải truyền đơn, bà dần dần mê công việc này. 4 năm sau, bà quyết định đi theo con đường cách mạng bằng cách làm nhiệm vụ giao liên, chèo thuyền đưa cán bộ qua sông. Từ đó bà bén duyên với công việc tình báo. Trong những chuyến đò ấy, bà gặp được nhà tình báo nổi tiếng Phạm Xuân Ẩn.

Tháo vát và duyên dáng nên cô gái Mỹ Nhung được giao nhiệm vụ chuyển tài liệu mật mà tình báo Phạm Xuân Ẩn thu thập về chiến khu. Để có vỏ bọc tốt, bà phải tạo phong cách tiểu thư, tập nhảy đầm, học tiếng Anh, tiếng Pháp...

Bà Tám Thảo khi còn trẻ. (Ảnh tư liệu)

Bà Tám Thảo khi còn trẻ. (Ảnh tư liệu)

Năm 1964, do yêu cầu nhiệm vụ, bà Tám Thảo phải tìm cách lọt vào cơ quan đầu não của địch. Với khả năng tiếng Anh lưu loát, bà xin vào làm phiên dịch trong một cơ quan Hải quân Mỹ. Tại đây, bà lần lượt giúp việc, thông dịch cho các đời trưởng phòng, cố vấn tình báo Mỹ. Tranh thủ những thuận lợi, bà tiếp cận tài liệu cung cấp cho kháng chiến.

Bà Tám Thảo từng tâm sự: "Trong những trường hợp không thể mang tài liệu về nhà, tôi phải nghĩ cách sao chép nội dung vào bộ nhớ là đầu của mình. Với tài liệu tiếng Việt mình dịch sang tiếng Anh và tài liệu tiếng Anh dịch sang tiếng Việt, cứ làm đi làm lại nhiều lần cho nhớ kỹ. Cách làm này rất hiệu quả, nhớ lâu, nhớ chính xác nhưng cũng có lần khiến tôi gặp rắc rối, suýt bị phát hiện".

Không chỉ qua mặt địch, với sự thông minh và cách ứng biến tài tình, bà Tám Thảo còn xuất sắc đánh lừa máy kiểm tra nói dối tân tiến của Mỹ, chiếm được lòng tin với sĩ quan Mỹ nên nhiệm vụ tình báo thêm thuận lợi.

Bà kể máy kiểm tra nói dối chỉ là phương pháp cân não, kiểm tra tâm lý, chứ không có máy móc nào đo được bản lĩnh của con người. Trong lúc trả lời các câu hỏi phải thật bình tĩnh, giữ cái đầu lạnh bởi chỉ cần tỏ ra hồi hộp, lo lắng là chiếc máy sẽ cho kết quả khác.

Bà Tám Thảo khi về già.

Bà Tám Thảo khi về già.

Một trong những chiến công xuất sắc của bà Tám Thảo là vận chuyển 24 cuốn phim tài liệu quan trọng từ nội thành Sài Gòn giao về chiến khu, giúp ta nắm được ý đồ, biện pháp thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” cũng như kế hoạch phối hợp của Mỹ với Việt Nam Cộng hoà đàn áp cách mạng miền Nam.

Bà cũng từng lấy được sơ đồ, bố trí lực lượng, tài liệu đánh giá của Mỹ, Việt Nam Cộng hoà về trận tấn công vào Sài Gòn - Gia Định, góp phần quan trọng vào việc hoạch định chiến lược cho cuộc chiến của ta đi đến thắng lợi cuối cùng.

Sau ngày hòa bình, bà Tám Thảo tiếp tục công tác tại Cục Nghiên cứu, Bộ Tổng Tham mưu. Năm 1979, bà chuyển ngành về Sở Văn hóa - Thông tin TP.HCM. Từ năm 1993, bà nghỉ hưu, sinh sống tại quận Phú Nhuận, TP.HCM.

Năm 2018, bà Tám Thảo vinh dự được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Thiên Bình

Nguồn: https://vtcnews.vn/nu-tinh-bao-huyen-thoai-viet-nam-xuat-than-tieu-thu-la-ngoc-canh-vang-ar944251.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người
Bãi biển 'vô cực' đẹp như tranh vẽ ở miền Trung, nổi rần rần trên mạng xã hội
 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm