Các nhà khoa học Australia vừa xác định được dấu chân hóa thạch lâu đời nhất của một loài động vật "giống bò sát" trên một phiến đá cát được tìm thấy gần Melbourne.
Phát hiện này cho thấy sau khi các loài động vật đầu tiên tiến hóa lên cạn cách đây khoảng 400 triệu năm, chúng đã phát triển khả năng sống hoàn toàn trên đất liền nhanh hơn nhiều so với giả thuyết trước đây.
Stuart Sumida, nhà cổ sinh vật học tại Đại học California State không tham gia nghiên cứu này, nhận xét: "Chúng tôi từng cho rằng quá trình chuyển đổi từ vây sang chi phải mất thời gian dài hơn nhiều."
Trước đó, dấu chân bò sát lâu đời nhất được tìm thấy ở Canada có niên đại 318 triệu năm.
Những dấu chân cổ đại này được phát hiện trên phiến đá cát gần Melbourne cho thấy bàn chân giống bò sát với các ngón dài và móng vuốt cong.
Các nhà khoa học ước tính động vật này dài khoảng 80cm và có thể trông giống như một loài kỳ đà hiện đại. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Nature.
Theo đồng tác giả nghiên cứu, nhà cổ sinh vật học Per Ahlberg tại Đại học Uppsala (Thụy Điển), móng vuốt cong là manh mối quan trọng để nhận dạng: "Đây là một động vật đi bộ."
Chỉ những động vật tiến hóa để sống hoàn toàn trên cạn mới phát triển móng vuốt. Các động vật có xương sống đầu tiên - cá và lưỡng cư - chưa bao giờ phát triển móng cứng và vẫn phụ thuộc vào môi trường nước để đẻ trứng và sinh sản.
Tuy nhiên, nhánh cây tiến hóa dẫn đến bò sát, chim và thú hiện đại - được gọi là amniota - đã phát triển bàn chân với móng hoặc vuốt phù hợp để đi trên mặt đất cứng. Sumida khẳng định: "Đây là bằng chứng sớm nhất chúng ta từng thấy về một động vật có móng vuốt."
Vào thời điểm loài bò sát cổ đại này sinh sống, khu vực này nóng và ẩm ướt với những cánh rừng rộng lớn bắt đầu phủ khắp hành tinh. Australia khi đó là một phần của siêu lục địa Gondwana.
Theo Ahlberg, những dấu chân hóa thạch này ghi lại một chuỗi sự kiện trong một ngày. Một con bò sát chạy nhanh qua mặt đất trước khi có cơn mưa nhẹ.
Một số vết lõm do mưa đã che khuất một phần dấu vết của nó. Sau đó, hai con bò sát khác chạy theo hướng ngược lại trước khi mặt đất cứng lại và được phủ trầm tích.
Đồng tác giả John Long, nhà cổ sinh vật học tại Đại học Flinders (Australia) nhận xét: "Những dấu vết hóa thạch rất tuyệt vời vì chúng cho chúng ta biết một sinh vật đã sống như thế nào, không chỉ đơn thuần là nó trông như thế nào"./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/phat-hien-dau-chan-hoa-thach-lau-doi-nhat-cua-bo-sat-tai-australia-post1038574.vnp
Bình luận (0)