Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phát huy lợi thế nuôi thủy sản nước ngọt

Phát huy lợi thế về hệ thống sông ngòi dày đặc và nguồn nước phong phú, thời gian qua, nhiều mô hình nuôi thủy sản nước ngọt trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là hướng đi đang được các địa phương tích cực nhân rộng, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích trong lĩnh vực nông nghiệp.

Báo Thái BìnhBáo Thái Bình22/04/2025


Gia đình anh Nguyễn Văn Duẩn, xã Vũ Vân (Vũ Thư) hiện có 24 lồng cá trắm và chép giòn.

Nuôi cá nước ngọt hiệu quả

Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi cá lồng trên sông Hồng của gia đình anh Nguyễn Văn Duẩn, xã Vũ Vân (Vũ Thư) khi anh đang thả cá giống vụ xuân hè. Anh cho biết: Trước khi bắt tay vào nuôi thủy sản, tôi đã dành thời gian tìm hiểu những giống cá phù hợp nuôi trên sông, cho giá trị kinh tế cao và được thị trường ưa chuộng như: trắm, chép giòn, cá lăng. Khác với cách nuôi cá trong ao, nuôi cá lồng trên sông tận dụng được nhiều lợi thế về mặt nước do dòng chảy liên tục nên nước ít bị ô nhiễm. Nếu thời tiết thuận lợi, dòng nước ổn định, không có dịch bệnh và người nuôi nắm vững kỹ thuật, chuẩn bị tốt các biện pháp phòng, chống thiên tai để bảo vệ lồng nuôi thì sẽ cho hiệu quả kinh tế cao và ổn định. Năm 2024, với 24 lồng cá trắm, chép giòn, gia đình anh Duẩn đã thu về 4 tỷ đồng.

Đối với ông Nguyễn Văn Phương, xã Vũ Bình (Kiến Xương), nuôi cá theo mô hình ao bán nổi cũng là một trong những hướng đi hiệu quả trong phát triển kinh tế. Nhiều năm qua, mô hình này đã giúp ông Phương làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Ông chia sẻ: Năm 2017, tôi bắt đầu nuôi cá trong ao bán nổi, gồm 1 ao cá thương phẩm, 6 ao nuôi cá giống. Tôi nhập cá bột với nhiều loại kích cỡ khác nhau để nuôi và bán tùy theo nhu cầu của khách hàng. Ưu điểm nổi bật của mô hình là không cần đào ao, chỉ tạo bờ trên mặt ruộng rồi trải bạt chống xói lở. Do đó, không làm mất đi điều kiện trồng lúa trở lại, không làm biến dạng mặt bằng, không gây ô nhiễm môi trường, không ảnh hưởng đến công trình giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất. Bình quân mỗi năm, tôi bán trên 27 tấn cá thương phẩm và cá giống, thu về hơn 500 triệu đồng, hiệu quả gấp 5 lần so với mô hình nuôi thủy sản truyền thống.

Giải pháp phát triển bền vững

Hiệu quả kinh tế từ các mô hình nuôi thủy sản nước ngọt là rõ rệt, không chỉ thuận lợi trong khai thác, thu hoạch, vệ sinh, cải tạo ao mà còn tiết kiệm chi phí đầu tư, giảm chi phí lao động thường xuyên, không gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, nhiều hộ dân đã tập trung đầu tư vốn, công sức và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển nuôi thủy sản theo hướng thâm canh tập trung, quy mô trang trại.

Đến nay, diện tích nuôi thủy sản nước ngọt toàn tỉnh đạt gần 8.940ha, trong đó diện tích nuôi kết hợp với trồng lúa trong ao bán nổi đạt hơn 300ha. Toàn tỉnh hiện có 706 lồng nuôi cá trên sông và 2.152 bè nuôi hàu.

Thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong giai đoạn 2021 - 2030, Thái Bình định hướng chuyển đổi khoảng 2.800ha diện tích đất bãi bồi, đất trồng lúa hiệu quả thấp sang nuôi thủy sản trong ao bán nổi. Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Biển và Thủy sản cho biết: Để thực hiện tốt chiến lược này, đồng thời phát triển nuôi thủy sản nước ngọt bền vững, thời gian tới, các địa phương sẽ khuyến khích tổ chức, cá nhân tập trung tích tụ đất đai, đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, phát triển nuôi thủy sản quy mô lớn; áp dụng quy trình công nghệ mới, nuôi theo hình thức thâm canh, siêu thâm canh có chứng nhận; cấp mã số cơ sở nuôi, chứng nhận điều kiện sản xuất, an toàn thực phẩm, nhằm cung cấp sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Tỉnh sẽ tổ chức sản xuất thủy sản gắn với liên kết chuỗi từ cung cấp nguyên liệu đầu vào đến thu mua, tiêu thụ sản phẩm đầu ra, nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản trên thị trường.

Bên cạnh đó, tiếp tục khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, ương dưỡng giống thủy sản đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật, bổ sung, thay thế đàn giống bố mẹ bảo đảm chất lượng theo quy định. Tổ chức sản xuất, kinh doanh, ương dưỡng giống để cung cấp đủ 100% số lượng giống phục vụ nhu cầu nuôi thương phẩm trong tỉnh; thực hiện quản lý chặt chẽ chất lượng giống thủy sản theo đúng quy định. Tỉnh cũng sẽ xây dựng và triển khai kế hoạch quan trắc, cảnh báo môi trường; giám sát, phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản.

Nuôi tôm trên ao bán nổi tại xã Nam Phú (Tiền Hải).

Mạnh Thắng

Nguồn: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/4/222409/phat-huy-loi-the-nuoi-thuy-san-nuoc-ngot


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Vì sao Kiên Giang lọt tốp ‘điểm đến thân thân thiện nhất thế giới’
Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm