Nhiều năm nay, người dân Thái Nguyên đã mạnh dạn đưa các giống lúa mới vào gieo trồng. |
“Điểm danh” các cây trồng thế mạnh
Có thể khẳng định, sau sáp nhập, chè tiếp tục là cây trồng chủ lực, thế mạnh của tỉnh Thái Nguyên. Trước sáp nhập, tỉnh Thái Nguyên có 22,2 nghìn héc - ta chè, tỉnh Bắc Kạn có gần 1.800ha chè. Chỉ riêng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (cũ), năng suất chè bình quân ước đạt 127tạ/ha, sản lượng chè búp tươi năm 2024 ước đạt 272,8 nghìn tấn, sản lượng chè sau chế biến ước đạt 54,6 nghìn tấn, giá trị sản phẩm trà ước đạt 13,8 nghìn tỷ đồng.
Hầu hết diện tích chè sản xuất tập trung trên địa bàn tỉnh được áp dụng theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ với khoảng 17.800ha, trong đó, diện tích được cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP đến nay có khoảng gần 6.000ha, diện tích được cấp chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ là 120ha. Hiện nay, diện tích chè giống mới có năng suất, chất lượng cao ước đạt trên 18,4 nghìn ha, chiếm 82.8% tổng diện tích chè toàn tỉnh.
Đối với tỉnh Bắc Kạn (cũ), đến nay, toàn tỉnh cũng có hằng trăm héc-ta chè được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, được chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ngoài cây chè, sản xuất lúa bao thai thành hàng hóa cũng là một thế mạnh của tỉnh Thái Nguyên sau sáp nhập. Từ 1-7, diện tích sản xuất lúa bao thai của tỉnh Thái Nguyên có khoảng gần 10 nghìn héc-ta, sản lượng dự kiến đạt trên 50 nghìn tấn mỗi năm.
Nhờ có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, gạo bao thai của Thái Nguyên không chỉ giàu dinh dưỡng, hạt gạo trắng, khi nấu thành cơm có vị ngọt đậm đặc trưng mà còn chế biến thành bún, phở khô… được người tiêu dùng ưa chuộng. Mỗi năm, giá trị thu được từ sản xuất lúa bao thai có thể lên đến vài trăm tỷ đồng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Một số cây trồng thế mạnh khác của Thái Nguyên phải kể đến là cam, quýt. Nhiều năm nay, tỉnh Bắc Kạn (cũ), đã phát triển và xây dựng thành công thương hiệu các loại quả đặc sản này. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 4.200ha trồng cam, quýt, mỗi năm mang lại nguồn thu hằng trăm tỷ đồng. Cùng với đó, hồng không hạt, bí thơm, quả mơ, chuối “tây”… cũng là những cây trồng mang lại nguồn thu cho người dân Thái Nguyên.
Như vậy, sau sáp nhập, Thái Nguyên có khá nhiều cây trồng thế mạnh. Nếu khai thác tốt các tiềm năng này, việc nâng cao giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh không còn là bài toán khó giải…
Hợp tác xã chè Hảo Đạt là một trong những đơn vị tích cực ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. |
Đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng
Trước sáp nhập Thái Nguyên có hơn 185 nghìn héc-ta, Bắc Kạn có hơn 400 nghìn hec-ta đất lâm nghiệp. Sau sáp nhập, phát triển kinh tế rừng theo hướng bền vững, gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường theo chức năng của từng loại rừng tiếp tục là hướng đi đúng của tỉnh.
Trong đó, trồng rừng gỗ lớn và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, tạo vùng nguyên liệu ổn định cung cấp cho nhà máy, cơ sở chế biến trên địa bàn sẽ tiếp tục được quan tâm. Việc mở rộng vùng trồng quế tại các địa bàn có thổ nhưỡng khí hậu phù hợp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao cũng được chú trọng.
Đến nay, chỉ riêng tỉnh Thái Nguyên (cũ) đã phát triển được gần 16 nghìn héc-ta rừng gỗ lớn, hơn 5.000ha quế và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC (SA-FM/COC) cho hơn 11,3 nghìn héc-ta rừng.
Để nâng cao giá trị kinh tế rừng, việc phát triển trồng rừng, chế biến gỗ từ rừng trồng là hướng đi mà Thái Nguyên nên tiếp tục quan tâm sau sáp nhập. Trong đó, các cấp, ngành chức năng cần căn cứ địa hình, khí hậu, thực tế sản xuất của người dân và các địa phương để tiến hành rà soát, phân vùng các loại cây trồng. Đồng thời đánh giá tiềm năng, nhu cầu của các chủ sở hữu rừng để chuyển đổi theo hướng tập trung, đáp ứng nhu cầu chế biến quy mô lớn. Chủ động nghiên cứu, tuyển chọn các loại cây lâm nghiệp có giá trị cao, nhất là các loại cây bản địa, có giá trị trên thị trường vào trồng...
Ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất
Đáng mừng là trước khi sáp nhập, người dân 2 tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn đều đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, khoa học kỹ thuật tiên tiến, mở rộng diện tích sử dụng nhà màng, nhà lưới, ứng dụng công nghệ tưới phun, tưới nhỏ giọt có hệ thống điều khiển bán tự động; kỹ thuật canh tác giá thể; công nghệ sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; sản xuất hữu cơ.
Điểm nhấn là nông dân đã chuyển dịch cơ cấu giống lúa theo hướng tăng diện tích giống lúa có năng suất, chất lượng cao, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác lúa nhằm tăng giá trị sản phẩm, tăng năng suất, sản lượng; chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất lúa theo hướng tăng giá trị sản phẩm, hiệu quả sản xuất. Đồng thời,phát triển một số vùng sản xuất lúa đặc sản theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung, chuyên canh, có thương hiệu sản phẩm.
Trong sản xuất chè, người dân không chỉ tập trung mở rộng diện tích chè, chuyển dịch cơ cấu giống trong trồng mới, trồng thay thế bằng các giống có năng suất, chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm, an toàn thực phẩm mà còn đẩy mạnh sản xuất chè an toàn áp dụng tiêu chuẩn GAP, hữu cơ; hình thành vùng sản xuất chè tập trung ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến chè.
Riêng với cây ăn quả, cùng với thực hiện chuyển dịch cơ cấu giống, bà con đã ứng dụng công nghệ quản lý nước, tưới nước bằng hệ thống tưới tiết kiệm; ứng dụng quy trình sản xuất cây ăn quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP… vào sản xuất. Xây dựng được một số vùng cây ăn quả sản xuất tập trung, nâng cao chất lượng, mẫu mã và giá trị sản phẩm quả có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ tốt…
Thực tế cho thấy, sau sáp nhập, dù còn không ít thách thức như trình độ dân trí không đồng đều, kết cấu hạ tầng nông thôn thiếu đồng bộ… nhưng chắc chắn việc phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp của tỉnh Thái Nguyên sẽ có những bước tiến mới khi chúng ta khai thác có hiệu quả thế mạnh đối với các cây trồng chủ lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm…
Nguồn: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202507/phat-huy-the-manh-nong-lam-nghiep-cua-tinh-moi-73e18cc/
Bình luận (0)