Khu vực phía Tây tỉnh Quảng Trị đã trở thành “thủ phủ” điện gió - Ảnh: T.T
Bứt phá mạnh mẽ trên lĩnh vực năng lượng tái tạo
Một trong những thành tựu nổi bật nhất của ngành công thương trong những năm gần đây chính là sự trỗi dậy mạnh mẽ của lĩnh vực năng lượng tái tạo. Tính đến nay, tỉnh đã phê duyệt quy hoạch cho 43 dự án điện gió với tổng công suất lên đến 1.800 MW, 3 dự án điện mặt trời với tổng công suất khoảng 149,5 MWp (tương đương 119,6 MW) và 17 dự án thủy điện với tổng công suất 260,5 MW.
Trong đó có 20 dự án điện gió, 3 dự án điện mặt trời, 10 dự án thủy điện và hệ thống điện mặt trời mái nhà hòa lưới thành công, mang lại nguồn năng lượng sạch và đóng góp vào lưới điện quốc gia. Tổng công suất năng lượng tái tạo đã hoàn thành và đi vào vận hành thương mại trên địa bàn tỉnh đạt 1.119,5 MW, tăng gần 3,5 lần so với đầu nhiệm kỳ.
Bên cạnh đó, còn 11 dự án điện gió với tổng công suất 424 MW và 7 dự án thủy điện nhỏ với tổng công suất 93 MW đã được cấp chủ trương đầu tư và đang triển khai xây dựng, 12 dự án điện gió với tổng công suất 632,6MW vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung, cập nhật Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Ngoài lĩnh vực năng lượng tái tạo, Khu kinh tế (KKT) Đông Nam Quảng Trị đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư điện khí với tổng công suất các dự án đề xuất lên đến 6.340 MW. Trong đó, Dự án Nhà máy điện tua bin khí chu trình hỗn hợp Quảng Trị sử dụng khí từ mỏ Báo Vàng do Tập đoàn Gazprom (Nga) làm chủ đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch.
Một dự án trọng điểm khác là Dự án LNG Hải Lăng giai đoạn 1 (1.500 MW) do liên danh nhà đầu tư Việt Nam và Hàn Quốc thực hiện cũng đang tích cực triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng. Ngoài ra, Quy hoạch điện VIII còn cập nhật các dự án điện khí tiềm năng khác với tổng công suất ấn tượng 4.500 MW.
Hạ tầng công nghiệp tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng
Nếu như năm 1989, Quảng Trị chỉ có 1.635 cơ sở sản xuất công nghiệp nhỏ lẻ, thì sau 35 năm lập lại tỉnh đã chứng kiến sự thay đổi ngoạn mục trong phát triển hạ tầng công nghiệp với 8.015 cơ sở. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp liên tục tăng, bình quân tăng 13,1%/năm.
Tính chung sau 35 năm, số cơ sở sản xuất công nghiệp tăng lên 4,8 lần, lao động tăng 2,6 lần, giá trị sản xuất đã tăng hơn 40 lần. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành và đưa vào hoạt động 2 KKT và 3 khu công nghiệp (KCN), tạo động lực mạnh mẽ để thu hút đầu tư và phát triển sản xuất quy mô lớn.
Toàn tỉnh có 16 CCN đã đi vào hoạt động trên tổng diện tích 434,5 ha, thu hút 176 dự án đầu tư, đạt tỉ lệ lấp đầy bình quân 69,2%. Sự phát triển của hệ thống khu, CCN đã góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất công nghiệp theo hướng chuyên nghiệp, tập trung và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Từ một nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm, thủy sản vào năm 1989, với khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chỉ chiếm 37,7%, đến năm 2024, tỉ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ đã tăng lên 81,98%. Tính chung giai đoạn 1989-2024, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của tỉnh đạt 7,7%/năm, trong đó khu vực công nghiệp - xây dựng tăng trưởng bình quân 14,1%/năm và khu vực dịch vụ tăng bình quân 8%/năm.
Hàng loạt dự án công nghiệp trọng điểm đã được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động hiệu quả. Tiêu biểu có thể kể đến các nhà máy sản xuất ván gỗ MDF (tổng công suất 180.000 m3/ năm), nhà máy bia Camel, bia Hà Nội - Quảng Trị, nhà máy may xuất khẩu Hòa Thọ - Đông Hà, nhà máy phân bón NPK Bình Điền, trạm nghiền xi măng Bỉm Sơn Quảng Trị, các nhà máy thủy điện, điện gió, nhà máy chế biến titan, nhà máy sản xuất nước uống tăng lực Super Horse, nhà máy sản xuất săm lốp xe máy Camel, cùng các nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu, mủ cao su, cà phê, tinh bột sắn và các dự án phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời).
Đặc biệt, tiềm năng chế biến vật liệu xây dựng thủy tinh từ nguồn cát dồi dào, giàu silic của tỉnh cũng đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Từ một nền kinh tế mà sản xuất còn chưa đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, sau 35 năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu của Quảng Trị đã có sự tăng trưởng đáng kể và dần đi vào ổn định. Năm 2024, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 331,1 triệu USD, với tốc độ tăng bình quân 15%/năm trong giai đoạn 1989-2024. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu bao gồm cà phê, tinh bột sắn, sản phẩm từ gỗ, hàng nông sản và các hàng hóa khác.
Hoạt động nhập khẩu đã hướng vào mục tiêu chính là phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trên địa bàn, góp phần đổi mới trang thiết bị, công nghệ sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh. Năm 2024, giá trị nhập khẩu đạt 269,4 triệu USD với tốc độ tăng bình quân 14%/năm trong giai đoạn 1989-2024.
KKT Thương mại đặc biệt Lao Bảo tiếp tục được đầu tư và phát triển hạ tầng, từng bước hình thành một trung tâm kinh tế thương mại quan trọng trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây. Cửa khẩu La Lay đã được nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế, mở ra nhiều cơ hội giao thương và hợp tác quốc tế. Lĩnh vực thương mại dịch vụ đã có sự phát triển mạnh mẽ về quy mô và chất lượng, đóng góp ngày càng lớn vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Trường Khoa cho biết, để khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế sẵn có, ngành công thương tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Trong đó, KKT Đông Nam Quảng Trị được xác định là hạt nhân phát triển công nghiệp, với ưu tiên giải quyết vướng mắc, hỗ trợ các dự án trọng điểm.
Tỉnh cũng chú trọng quy hoạch và phát triển công nghiệp phụ trợ dọc các tuyến giao thông huyết mạch như Quốc lộ 15D và 49C nhằm kết nối Cửa khẩu quốc tế La Lay với KKT Đông Nam Quảng Trị và cảng biển Mỹ Thủy, hướng tới mục tiêu hình thành hành lang kinh tế PARA EWEC. Tiếp tiếp tục mở rộng cửa đón các dự án đầu tư phù hợp vào các KCN hiện có và tăng tốc triển khai các KCN mới.
Đồng thời tiếp tục phát triển mạnh mẽ ngành dịch vụ, du lịch, kỳ vọng sẽ đóng góp tỉ trọng lớn hơn vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh. Các hoạt động xúc tiến thương mại được nâng cao về chất lượng và hiệu quả, tăng cường kết nối giao thương, hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa, mở rộng thị trường thông qua liên kết, hợp tác và xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chủ lực.
Tỉnh cũng nỗ lực thu hút đầu tư và phát triển mạnh mẽ dịch vụ vận tải, mạng lưới kho tàng, bến bãi và logistics, với mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành điểm trung chuyển hàng hóa quan trọng của khu vực vào năm 2030.
Thanh Trúc
Nguồn: https://baoquangtri.vn/phat-huy-tiem-nang-the-manh-cua-nganh-cong-thuong-193263.htm
Bình luận (0)