Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, với những đóng góp to lớn đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận; với thành tựu 50 năm xây dựng và phát triển, sau khi tinh gọn, sắp xếp bộ máy, Viện Hàn lâm cần tập trung làm những việc lớn và quan trọng, xứng đáng với tầm vóc cũng như vị thế của đơn vị.
Bên cạnh đó, Viện Hàn lâm cần xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới; định hướng cụ thể từng nhiệm vụ trong mỗi giai đoạn; đồng thời, chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc nhằm kịp thời tháo gỡ.
Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đại biểu tham dự: “Trên tinh thần trao đổi cởi mở, thẳng thắn, những ý kiến đóng góp cần trực tiếp và đi vào những vấn đề cốt lõi như thể chế, nguồn nhân lực, thương mại hóa các sản phẩm sau nghiên cứu…”.
Báo cáo Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng và Đoàn công tác, đồng chí Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, trong hơn 1 năm qua, Trung ương đã ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng đối với việc phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như: Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/12/2023 của Ban Chấp hành Trung ương; Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị... Trong đó, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ chính trị về đột phá phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
![]() |
Đồng chí Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam báo cáo Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng về kết quả triển khai, thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị. |
Những Nghị quyết này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mang tính đột phá, đặt ra những yêu cầu rất quyết liệt trong việc tháo gỡ các điểm “nghẽn”, khơi thông nguồn lực quốc gia cho khoa học-công nghệ, cũng như đưa ra giải pháp mạnh mẽ nhằm giải phóng sức sáng tạo của các nhà khoa học tại Việt Nam nói chung và tại Viện Hàn lâm nói riêng. Đồng thời là tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ đến năm 2030, nâng tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia lên 3% và tăng dần theo yêu cầu phát triển, trong đó ít nhất 15% ngân sách nhà nước chi sự nghiệp khoa học phục vụ nghiên cứu công nghệ chiến lược.
Nhận rõ tầm quan trọng của việc thực hiện Nghị quyết 57, Viện Hàn lâm cũng đã tập trung xây dựng các chương trình nghiên cứu, phát triển các công nghệ chiến lược, công nghệ nền tảng; đổi mới cách thức hoạt động của các hội đồng ngành hướng khoa học ưu tiên; kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu... Bên cạnh đó, hiện nay Viện cũng được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ giao chuẩn bị một số đề án quan trọng trong phòng chống thiên tai, nghiên cứu cơ bản, công nghệ cao...
Tại buổi làm việc, các đại biểu đại diện các đơn vị của Viện cũng nêu lên những tồn tại, hạn chế; khó khăn, vướng mắc trong nghiên cứu cơ bản; nghiên cứu phát triển công nghệ và ứng dụng; công tác điều tra cơ bản; tăng cường tiềm lực nghiên cứu khoa học; công tác giải ngân trong nghiên cứu khoa học; lĩnh vực tổ chức cán bộ; triển khai các hoạt động khoa học và công nghệ; về cơ sở vật chất chưa đạt chuẩn quốc tế…
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ được nghiên cứu và tiếp tục nghiên cứu một số lĩnh vực mới như: Điện nhiệt hạch (điện hạt nhân), không gian vũ trụ, các loại vật liệu mới, công nghệ hydro xanh… Thành lập quỹ nghiên cứu khoa học và công nghệ quốc gia để bảo đảm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hạn chế chảy máu chất xám.
Phát biểu ý kiến kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng ghi nhận những kết quả mà Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua, nhất là những hướng nghiên cứu khoa học-công nghệ trọng điểm mà Viện đang triển khai thực hiện và những nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ giao.
Phó Thủ tướng Chính phủ lưu ý về một số thách thức lớn của Viện cần được giải quyết trong thời gian tới gồm: Khả năng tự chủ về tài chính và nghiên cứu khoa học còn thấp; cơ sở vật chất chưa đồng bộ, một số phòng thí nghiệm lạc hậu chưa đạt chuẩn quốc tế. Các hoạt động hợp tác quốc tế còn chưa nhiều, số bài báo quốc tế có tăng qua từng năm nhưng chưa cao.
Hành lang pháp lý chưa đồng bộ, thiếu cơ chế khuyến khích thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Tầm ảnh hưởng chủ yếu ở trong nước, chưa tạo được dấu ấn mạnh mẽ trong khu vực và trên trường quốc tế. Hiệu quả đào tạo nhân lực chất lượng cao chưa tương xứng với tiềm năng. Đây cũng là chức năng chính của Viện Hàn lâm nhưng thực sự chưa hiệu quả.
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trên cơ sở chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm và các nhiệm vụ triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam được xác định trở thành trung tâm khoa học-công nghệ hàng đầu Việt Nam, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực khoa học-công nghệ trình độ cao.
Tiếp tục phát huy vai trò "đầu tàu" trong nghiên cứu khoa học và công nghệ; trở thành một trong các cơ quan tư vấn hàng đầu của Nhà nước trong hoạch định chính sách, chiến lược phát triển khoa học-công nghệ và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Nâng cao năng lực nghiên cứu thông qua việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Thúc đẩy chuyển giao và thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nâng tầm ảnh hưởng nghiên cứu khoa học. Nâng cấp cơ sở vật chất, đa dạng hóa nguồn lực tài chính, tăng tính tự chủ...
Trước những khó khăn, vướng mắc của Viện Hàn lâm, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đề nghị Viện tăng cường trao đổi học thuật và cử các nhà khoa học trẻ ra nước ngoài học tập, nghiên cứu. Tăng tỷ lệ chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ. Về cơ chế, chính sách chung, Viện Hàn lâm cần phối hợp các bộ, nhất là Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính trong quá trình sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước, Luật Khoa học và Công nghệ và Đổi mới sáng tạo; Luật Quản lý tài sản công.
Đối với các cơ chế đặc thù, đề nghị Viện chủ trì, phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất thí điểm các cơ chế tự chủ tài chính và tổ chức phù hợp với đặc thù của Viện; Cơ chế đãi ngộ đặc thù cho các nhà khoa học đầu ngành và nhà khoa học nước ngoài làm việc tại Viện; Các khu thử nghiệm và triển khai công nghệ với các cơ chế hoạt động ưu đãi để thu hút doanh nghiệp,... báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét trong quý III/2025.
Về đầu tư, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng giao Bộ Tài chính nghiên cứu xem xét, ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước đối với các lĩnh vực ưu tiên, đột phá, phù hợp với từng giai đoạn phát triển như: Công nghệ vũ trụ, khoa học vật liệu, công nghệ sinh học, khoa học biển... Dự án đầu tư phát triển Trung tâm quốc tế về đa dạng sinh học đặt tại Viện Hàn lâm dưới sự bảo trợ của UNESCO và các dự án đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế…
Nguồn: https://nhandan.vn/phat-huy-tinh-than-dam-nghi-dam-lam-dam-thu-dam-tien-phong-trong-nghien-cuu-co-ban-va-phat-trien-cong-nghe-chien-luoc-post870147.html
Bình luận (0)