Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phát huy tốt hơn tiềm năng, lợi thế, đưa vùng đất Quảng - Đà vươn ra biển lớn, xứng tầm quốc gia và quốc tế

Việt NamViệt Nam30/03/2025



Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ tỉnh Quảng Nam

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Hoài Trung cùng các Ủy viên Trung ương Đảng, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.

Về phía thành phố Đà Nẵng có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Đình Vĩnh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh; Chủ tịch HĐND thành phố Ngô Xuân Thắng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Lê Văn Trung. 

Về phía tỉnh Quảng Nam có Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết và các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Nhiều kết quả tích cực

Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố; việc triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW; Nghị quyết số 57-NQ-TW ngày 22/12//2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Theo đó, thời gian qua, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố và đạt nhiều kết quả tích cực.

Về kinh tế, GRDP giai đoạn 2012-2025 ước tăng 6,8%/năm; dự kiến quý I/2025 tăng trưởng trên 11%; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) năm 2025 ước đạt 5007 USD. Thành phố đã triển khai các chương trình an sinh xã hội nhân văn, vượt trội, riêng có như: trợ cấp hằng tháng cho người cao tuổi từ 75 tuổi đến 80 tuổi; chính sách hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế; miễn hoàn toàn học phí cho trẻ em mầm non, học sinh các cấp… Năm 2025, Đà Nẵng phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 10%.


Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng báo cáo tại buổi làm việc

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại hội nghị triển khai Nghị quyết Trung ương 10, thành phố tổ chức nghiên cứu, thảo luận và đúc rút từ thực tiễn của thành phố về “Xây dựng mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là xây dựng con người xã hội chủ nghĩa - nhìn từ thực tiễn thành phố Ðà Nẵng” và rút ra “6 đặc trưng” về con người xã hội chủ nghĩa tại thành phố trong thời kỳ hội nhập quốc tế; xây dựng mô hình xã hội chủ nghĩa tại Đà Nẵng theo tiêu chí “5 cao” và “3 bền vững”.

Trên cơ sở đó, thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và bổ sung vào Văn kiện Đại hội lần thứ XXIII Đảng bộ thành phố. Quốc phòng - an ninh chính trị của thành phố được giữ vững ổn định; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, tạo được môi trường thuận lợi cho thu hút đầu tư.

Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, bài bản, đồng bộ, có hiệu quả Chỉ thị số 35-CT/TW và Kết luận số 118-KL/TW. Công tác chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp được chủ động triển khai sớm, bảo đảm tiến độ, chất lượng theo yêu cầu đề ra.

Việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW được thực hiện nghiêm túc, kịp thời, phù hợp thực tiễn thành phố. Ban Thường vụ Thành ủy đã khẩn trương chỉ đạo xây dựng và ban hành Đề án số 09-ĐA/TU về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và Kế hoạch số 269-KH/TU về triển khai Đề án số 09-ĐA/TU.

Đến nay, thành phố đã hoàn thành theo đúng yêu cầu và chỉ đạo của Trung ương. Thành phố đã báo cáo phương án sắp xếp các đơn vị hành chính phường, xã, không tổ chức chính quyền cấp huyện. Theo đó, dự kiến thành phố có 12 phường, xã và 1 đặc khu (Hoàng Sa), giảm 75% đầu mối. Đồng thời làm tốt công tác tư tưởng và chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng, qua đó tạo được sự đồng thuận cao trong quá trình tổ chức thực hiện.

Về xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho biết, trước khi Nghị quyết số 57-NQ/TW ban hành, trong giai đoạn 2019-2024, thành phố đã ban hành khoảng 70 chủ trương, cơ chế, chính sách liên quan hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phát triển tài sản trí tuệ, chuyển đổi số và phát triển công nghệ thông tin.

Thành phố đã đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26-6-2024 với 7 nhóm chính sách đặc thù, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện ngay các chủ trương của Nghị quyết số 57-NQ/TW.

Đặc biệt, sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW, Ban Thường vụ Thành ủy đã kịp thời chỉ đạo, thành lập Ban Chỉ đạo 57 và ban hành 25 văn bản có liên quan để triển khai thực hiện; ban hành Chương trình hành động số 43-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW gắn với thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ, Thông báo số 01-TB/BCĐTW của Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW về kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương.

Về lĩnh vực trọng điểm ưu tiên đầu tư, thành phố đã tăng cường đầu tư hạ tầng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; thành lập Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch; xây dựng Đề án Phát triển chip vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trên địa bàn. Hiện nay, các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung đã được đầu tư hoàn thiện và nghiên cứu mở rộng. Thành phố có 4 khu công nghệ thông tin tập trung diện tích 140,8 ha với hơn 10.000 người làm việc.

Thành phố đã đầu tư gần 1.400 tỷ đồng để xây dựng và đưa vào hoạt động Khu Công viên phần mềm số 2 với diện tích sàn làm việc là 92.000m2; xây dựng cơ chế đặc thù để thu hút nhiều doanh nghiệp về vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo như: Marvell, FPT, Mixel, Synopsys và 19 doanh nghiệp khởi nghiệp đã đăng ký.

Thành phố cũng đã quyết định đầu tư Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trị giá trên 500 tỷ đồng để phục vụ hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố cùng với 3 khu công nghệ thông tin vốn ngoài ngân sách đang thực hiện đầu tư. Sau khi Nghị quyết số 57-NQ/TW được ban hành, thành phố chỉ đạo bố trí nguồn lực, tập trung xúc tiến đầu tư đối với các dự án như: Phòng thí nghiệm kết hợp sản xuất quy mô nhỏ công nghệ đóng gói tiên tiến vi mạch bán dẫn (Lab-Fab), phòng Lab về trí tuệ nhân tạo, thu hút đầu tư các trung tâm dữ liệu lớn.

Về xây dựng Trung tâm tài chính thành phố Đà Nẵng, thực hiện Thông báo kết luận số 47-TB/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Thành ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo và chỉ đạo các cơ quan chức năng tích cực phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính) tham mưu xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính tại Việt Nam.

Theo đó, thành phố đã có quy hoạch các quỹ đất sạch hơn 16 ha và có khả năng mở rộng thêm 62 ha. Thành phố đang triển khai các nhiệm vụ về thu hút đầu tư vào kết cấu hạ tầng khu Trung tâm tài chính, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là bộ máy quản lý Trung tâm tài chính.

Song song đó, thành phố đẩy nhanh quá trình kêu gọi nhà đầu tư tổng thể Bến cảng Liên Chiểu. Tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong các kết luận thanh tra, kiểm tra…

Nhiều kiến nghị nhằm tạo cơ chế, động lực tiếp tục phát triển thành phố

Tại buổi làm việc, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng kiến nghị nhiều vấn đề quan trọng nhằm tạo cơ chế, động lực tiếp tục phát triển thành phố trong thời gian đến.

Trong đó, đề nghị Bộ Chính trị cho phép thành phố Đà Nẵng (sau khi thực hiện hợp nhất, hình thành đơn vị hành chính mới) được tiếp tục kế thừa toàn bộ các định hướng phát triển theo Kết luận số 79-KL/TW ngày 13-5-2024 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26-6-2024, Nghị quyết số 170/2024/QH15 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố cùng các quy hoạch đã được phê duyệt của 2 địa phương tiếp tục được thực hiện và vừa làm, vừa điều chỉnh phù hợp với định hướng, quy mô mới.

Về thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, Nghị quyết số 193/2025/QH15 ngày 19-2-2025 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia mới đề cập đến một số cơ chế nhỏ trong sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước.

Do đó, đề nghị Bộ Chính trị chỉ đạo Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Chính phủ, các cơ quan chức năng liên quan nghiên cứu, sớm có cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để thu hút các nguồn lực xã hội để đầu tư nhanh kết cấu hạ tầng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, như: giao đất trực tiếp, không thu tiền sử dụng đất; quyết định chủ trương đầu tư theo thủ tục đặc biệt; sớm ban hành cơ chế, chính sách đặc biệt để trọng dụng và thu hút nhân tài trong một số ngành, lĩnh vực mà Nghị quyết số 57-NQ/TW xác định; thiết lập sàn giao dịch tín chỉ carbon, sàn giao dịch vốn của công ty khởi nghiệp sáng tạo.

Liên quan đến xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại Việt Nam, đề nghị Bộ Chính trị chỉ đạo các bộ, ngành, đơn vị có liên quan phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và cần có tư duy, quan điểm vượt qua các quy định hiện nay để thể chế hóa tại Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính tại Việt Nam với các cơ chế đặc thù, đột phá.

Đó là cho phép thành viên trong Trung tâm tài chính được đầu tư, chuyển vốn, lợi nhuận và nguồn thu hợp pháp ra nước ngoài khi thành viên trung tâm tài chính tuân thủ quy định về chế độ báo cáo; cho phép các cơ quan quản lý và giám sát Trung tâm tài chính được áp dụng thủ tục hành chính đặc biệt; cho phép thí điểm giao dịch trong Trung tâm tài chính các tài sản mã hóa, đồng tiền mã hóa phổ biến trên thị trường, vốn hóa lớn, tính thanh khoản cao; thí điểm giao dịch, thanh toán một số dịch vụ du lịch, thương mại bằng tiền mã hóa...

Phát huy tốt hơn tiềm năng, lợi thế, đưa vùng đất Quảng - Đà vươn ra biển lớn, xứng tầm quốc gia và quốc tế

Sau khi nghe 2 địa phương báo cáo, các ý kiến đề xuất, kiến nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, chủ trương sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện là định hướng lớn, mang tầm chiến lược của Trung ương đang được triển khai rất quyết liệt, kiên quyết và dứt khoát trên cơ sở tham vấn rộng rãi, được sự đồng thuận cao. Đây là bước đột phá về thể chế để chuẩn bị cho tầm nhìn 100 năm phát triển đất nước. Mọi cải cách thể chế đều vì lợi ích thiết thực, lâu dài của nhân dân, vì sự phát triển của đất nước.

Việc cải cách bộ máy hành chính, sáp nhập địa giới hành chính đợt này tập trung vào những mục tiêu tái định vị không gian phát triển tự nhiên về kinh tế, gắn kết lịch sử văn hóa và địa lý, từ đó mở rộng tầm nhìn phát triển, hình thành nên thực thể hành chính kinh tế có quy mô đủ lớn, năng lực quản trị đủ mạnh, cạnh tranh cao để hội nhập sâu vào chuỗi giá trị quốc gia cũng như toàn cầu. Việc giảm tầng nấc quản lý, rút ngắn quy trình xử lý công việc để tái phân bổ nguồn lực, tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực ưu tiên.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu kết luận

Tổng Bí thư cho biết, sắp tới Trung ương và Quốc hội sẽ thảo luận về vấn đề sáp nhập tỉnh, trong đó dự kiến có khả năng Quảng Nam sẽ nhập với Đà Nẵng. 

Tổng Bí thư đề nghị cần đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, gắn với đổi mới mô hình tổ chức, siết chặt kỷ luật, nâng cao năng lực, phẩm chất cán bộ. Cán bộ phải thực sự là trung tâm đổi mới, là người gắn bó với dân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, và là người lan tỏa niềm tin trong nhân dân. Việc tinh giảm biên chế phải giữ lại được những người giỏi. Chính sách an sinh xã hội, người có công, người yếu thế cần tiếp tục là ưu tiên hàng đầu.

Đối với Quảng Nam và Đà Nẵng, Tổng Bí thư cho rằng, mỗi địa phương đều đang tồn tại những vấn đề. Vì vậy, việc nghiên cứu, triển khai các mô hình mới, kể cả việc điều chỉnh đơn vị hành chính đã trở thành yêu cầu cấp thiết để mở rộng dư địa tăng trưởng, tái cấu trúc không gian phát triển. Đà Nẵng - Quảng Nam mới phải phát huy tốt hơn tiềm năng, lợi thế vốn có của hai địa phương.

Từ đó, Tổng Bí thư nêu một số gợi ý, định hướng xây dựng Đà Nẵng - Quảng Nam mới bảo đảm trở thành cực tăng trưởng của Việt Nam và là một trong những thành phố có năng lực cạnh tranh cao của quốc gia và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Một Đà Nẵng - Quảng Nam mới cần định vị không chỉ là trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung, mà còn thể hiện vai trò tiên phong trong quá trình phát triển hiện đại.

Tổng Bí thư đề nghị Đà Nẵng và Quảng Nam đẩy mạnh tái cấu trúc kinh tế theo hướng nâng cao năng suất lao động, phát huy tối đa tiềm năng lợi thế, xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế, Khu thương mại tự do, khu đô thị hiện đại, trung tâm du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao. Không gian phát triển mới phải xác định vai trò, lợi thế chiến lược riêng như cực phát triển công nghiệp, logistics Chu Lai, Trung tâm du lịch văn hóa Hội An, Mỹ Sơn, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

"Phải quy hoạch tổng thể, phát triển cân bằng, không thể xảy ra tình trạng tập trung quá mức vào Đà Nẵng, mà lãng quên tiềm năng quý báu của Quảng Nam”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư cũng yêu cầu lãnh đạo địa phương tập trung triển khai các nhiệm vụ: Xây dựng Đà Nẵng - Quảng Nam mới trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, công nghệ cao và khởi nghiệp quốc gia; triển khai ngay mô hình chính quyền số, đô thị thông minh, nền hành chính hiện đại; chú trọng nâng cao vốn con người xứ Quảng, thu hút nhân tài, xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng cao và tổ chức Đảng gắn với mô hình quản trị mới.

Song song đó, tiếp tục nâng cao đời sống nhân dân và công tác xóa đói giảm nghèo, chăm đời sống, bảo đảm việc làm cho thế hệ trẻ. Tăng cường năng lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền, duy trì hòa bình ổn định. Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tư nhân, giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, nguồn lực đất đai…; tăng cường liên kết vùng, phát triển theo tư duy không biên giới hành chính giữa các địa phương.


Tổng Bí thư Tô Lâm cùng lãnh đạo Trung ương chụp ảnh lưu niệm với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam

Theo Tổng Bí thư, sáp nhập không chỉ là thay đổi hành chính, mà đó là cơ hội lịch sử để Quảng Nam và Đà Nẵng cùng nhau xây dựng một trung tâm kinh tế, văn hóa, đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực; cần phát huy thế mạnh đôi bên, cùng quy hoạch tầm nhìn dài hạn, chia sẻ lợi ích, trách nhiệm và khát vọng phát triển, để vùng đất Quảng - Đà thực sự vươn ra biển lớn với vị thế xứng tầm quốc gia và quốc tế.

Tổng Bí thư khẳng định, Đà Nẵng và Quảng Nam mới sau khi sáp nhập sẽ tiếp tục kế thừa các định hướng phát triển, các cơ chế, chính sách đặc thù của Đà Nẵng.

Tổng Bí thư đề nghị các cơ quan Trung ương, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ để Đà Nẵng - Quảng Nam mới thực hiện tốt các chủ trương lớn của Đảng, nhất là những đề xuất có tính đột phá về cơ chế tài chính, về quy hoạch, tổ chức bộ máy, thử nghiệm các lĩnh vực mới nhằm tạo động lực phát triển không chỉ cho Đà Nẵng - Quảng Nam mới, mà còn cho cả khu vực miền Trung và đất nước.

Tổng Bí thư tin tưởng Đà Nẵng - Quảng Nam mới sẽ tiếp tục là cực tăng trưởng chiến lược, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống hàng đầu, góp phần đưa Việt Nam vững bước vào kỷ nguyên phát triển bền vững và thịnh vượng.

MAI QUANG



Nguồn: https://www.danang.gov.vn/web/guest/chinh-quyen/chi-tiet?id=63129&_c=3

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng
Hình ảnh Việt Nam "Bling Bling" sau 50 năm thống nhất đất nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm