Thông qua hình thức hội thảo, tuyên truyền lưu động, phát tờ rơi, sinh hoạt cộng đồng, câu lạc bộ, các buổi nói chuyện chuyên đề... Hội đã mang nội dung tuyên truyền gần gũi, dễ hiểu đến từng khu dân cư, giúp phụ nữ dân tộc và người có uy tín trong cộng đồng dễ tiếp cận và tiếp thu.
Bà Phan Thị Thùy Vân – Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: “Chúng tôi xác định tuyên truyền phải đi vào chiều sâu, từ nhận thức đến hành động. Các cấp Hội đã linh hoạt, sáng tạo trong triển khai hoạt động, phát huy vai trò của người có uy tín để tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân tộc thiểu số”.
Trong năm 2023, 2024, tỉnh Hội phối hợp Văn phòng UBND tỉnh tổ chức 20 buổi truyền thông tại các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, thu hút hơn 1.400 lượt người tham dự; triển khai cấp phát hơn 9.000 cuốn tài liệu và tờ rơi tuyên truyền. Hội cũng phối hợp Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tổ chức truyền thông và tư vấn pháp luật cho 350 phụ nữ dân tộc, góp phần trang bị kiến thức pháp lý cơ bản để phòng ngừa rủi ro, xâm hại.
Các cấp Hội phối hợp thành lập 13 tổ truyền thông cộng đồng với 158 thành viên nòng cốt tại các địa bàn trọng điểm. Trong giai đoạn 2023–2024, các tổ này đã phối hợp với mô hình đặc thù tại cơ sở như: “Phụ nữ dân tộc với pháp luật”, “Tổ phụ nữ không bạo lực gia đình trong đồng bào Chăm”… để tổ chức 43 cuộc truyền thông trực tiếp, nội dung gần gũi, gắn với đời sống thực tiễn. Mô hình tổ truyền thông cộng đồng được xem là cầu nối hiệu quả, tạo mạng lưới hỗ trợ bền vững giữa Hội với người dân.
Bên cạnh đó, nhằm giải quyết căn cơ vấn đề tảo hôn do đói nghèo và thiếu hiểu biết, Hội LHPN tỉnh còn chú trọng các hoạt động hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số. Thông qua các chương trình như “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, dạy nghề cho phụ nữ nông thôn, Hội đã triển khai nhiều mô hình phù hợp với điều kiện địa phương như chăn nuôi bò sinh sản, trồng rau sạch, đan giỏ nhựa giả mây… Từ năm 2023 đến nay, Hội đã hỗ trợ vay vốn cho 51 hội viên với tổng số tiền hơn 1,3 tỷ đồng; trao vốn khởi nghiệp cho 49 phụ nữ với số tiền 300 triệu đồng; khám chữa bệnh miễn phí, hỗ trợ an sinh xã hội cho gần 350 phụ nữ, với tổng kính phí trên 3 tỷ đồng".
Chị Thị Sa Ki Dá (sinh năm 1978), đồng bào dân tộc Chăm Islam ngụ khu phố 2, phường 1, thành phố Tây Ninh chia sẻ: “Nhờ có các chị ở Hội phụ nữ quan tâm, hỗ trợ cho tôi bò sinh sản, gia đình tôi rất biết ơn và đang chăm sóc, nuôi dưỡng bò phát triển khoẻ mạnh, sinh sản tốt để tạo nguồn thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Tôi cũng được tham gia sinh hoạt, hiểu thêm pháp luật và vận động con cháu không tảo hôn, anh em trong dòng họ không nên kết hôn với nhau”.
Để công tác phòng, chống tảo hôn đạt hiệu quả bền vững, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Tây Ninh, Kim Thị Minh cho biết “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường truyền thông đa dạng, phù hợp từng vùng, từng đối tượng phụ nữ dân tộc; khai thác mạng xã hội để lan tỏa thông điệp hiệu quả hơn; tạo điều kiện đào tạo, hỗ trợ sinh kế gắn với phát triển kinh tế hộ dân tộc thiểu số; tăng cường đầu tư cho phụ nữ khởi nghiệp tại vùng sâu, vùng biên; đẩy mạnh việc xây dựng cơ chế phối hợp giữa Hội Phụ nữ và các lực lượng chức năng như công an, tư pháp, y tế… để phát hiện, can thiệp, ngăn chặn kịp thời các nguy cơ tảo hôn; qua đó vừa góp phần bảo vệ quyền lợi trẻ em gái, vừa thể hiện rõ vai trò của tổ chức Hội trong việc chung tay vì sự tiến bộ và bình đẳng cho phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.
Vân Vũ
Nguồn: https://baotayninh.vn/phat-huy-vai-tro-cua-hoi-phu-nu-trong-phong-chong-tao-hon-va-hon-nhan-can-huyet-thong-a190547.html
Bình luận (0)