Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến

Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã và đang tập trung nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng, tăng tỉ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân, doanh nghiệp..., góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.

Báo Phú YênBáo Phú Yên27/05/2025

Công chức huyện Sơn Hòa hướng dẫn người dân đăng ký hồ sơ qua Cổng dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: PHẠM THÙY
Công chức huyện Sơn Hòa hướng dẫn người dân đăng ký hồ sơ qua Cổng dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: PHẠM THÙY

Đánh giá cao sự thay đổi của chính quyền trong việc hiện đại hóa hành chính, các tổ chức, cá nhân cũng bày tỏ mong muốn các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) tiếp tục được hoàn thiện về kỹ thuật và đơn giản hóa giao diện sử dụng để tiếp cận dễ dàng hơn, đặc biệt với người lớn tuổi hoặc người ít rành công nghệ.

Không ngừng nỗ lực cải thiện dịch vụ

Điều dễ nhận thấy trong thời gian qua là các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh không ngừng nỗ lực để đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp trong tiến trình số hóa. Đặc biệt, tỉnh đã và đang đầu tư mạnh vào hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng kho dữ liệu dùng chung, hệ thống xác thực điện tử và chữ ký số..., từ đó tạo nền tảng vững chắc cho việc vận hành DVCTT một cách ổn định, an toàn.

Không chỉ chính quyền các cấp, người dân và doanh nghiệp cũng đã cảm nhận rõ những tiện ích mà DVCTT mang lại. Anh Lê Văn Hòa, chủ một doanh nghiệp tại TX Sông Cầu chia sẻ: “Trước đây, mỗi lần làm thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh, tôi phải đi lại nhiều lần, xếp hàng chờ đợi rất mất thời gian. Nhưng giờ đây, tôi có thể nộp hồ sơ online, nhận kết quả qua bưu điện. Mọi thứ minh bạch, rõ ràng hơn trước rất nhiều”.

Thời gian đến, các sở, ban ngành, địa phương tiếp tục tối ưu hóa quy trình xử lý hồ sơ Cổng DVCTT, đảm bảo thời gian giải quyết đúng; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm việc tại bộ phận một cửa, nhất là kỹ năng hướng dẫn người dân thao tác trực tuyến. Đặc biệt, tăng cường đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin tại các vùng sâu, vùng xa. Cải cách hành chính và chuyển đổi số muốn đi xa phải có sự đồng bộ từ thể chế, con người đến công nghệ.

Đồng chí Lê Tấn Hổ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh

Còn bà Trần Thị Bích Nhung, xã Hòa Tân Tây (huyện Tây Hòa) tâm đắc: Tôi lớn tuổi nên ban đầu cũng e ngại khi dùng DVCTT. Nhưng sau nhiều lần được cán bộ xã hướng dẫn cụ thể, tôi thấy việc làm giấy tờ hộ khẩu, khai sinh cho cháu… đều rất thuận tiện. Không cần phải đi lại nhiều lần, chỉ cần vài thao tác qua điện thoại là xong.

Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa Trần Minh Trí cho biết: Trong cải cách hành chính, huyện xác định DVCTT là khâu then chốt để xây dựng chính quyền số. Theo đó, huyện đã rà soát, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính, đồng thời đầu tư nâng cấp hệ thống một cửa điện tử hiện đại, liên thông với Cổng DVC quốc gia. Đội ngũ cán bộ được tập huấn thường xuyên để nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm phục vụ người dân nhanh chóng, minh bạch và thuận tiện nhất.

Theo Sở KH&CN, đến nay, hạ tầng thông tin và truyền thông tiếp tục được đầu tư đồng bộ, hệ thống quản lý và điều hành qua mạng ổn định. Hệ thống dữ liệu và tích hợp kết nối với trung ương. Trung tâm dữ liệu tỉnh đang vận hành. Hệ thống quản lý văn bản, DVCTT và thông tin một cửa điện tử hoạt động liên thông từ cấp xã đến tỉnh hiệu quả; vận hành ổn định. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (Cổng DVCTT) của tỉnh phối hợp các đơn vị thực hiện rà soát, tổng hợp và trình UBND tỉnh công bố danh mục DVCTT toàn trình trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh. Đồng thời tiếp tục duy trì đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ kết nối khi Đề án 06 cần triển khai các dịch vụ. Cổng DVCTT của tỉnh đã kết nối hoàn tất với các hệ thống và cơ sở dữ liệu theo yêu cầu… Hiện cán bộ công nghệ thông tin có chuyên môn đại học trở lên đạt trên 95%; có hơn 500 tổ công nghệ số cộng đồng, với gần 3.150 thành viên tại các thôn, buôn, khu phố hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ số.

Cán bộ bộ phận một cửa xã Hòa Tân Tây (huyện Tây Hòa) tuyên truyền về lợi ích của việc nộp hồ sơ trực tuyến cho người dân. Ảnh: PHẠM THÙY

Phát huy vai trò người đứng đầu

Từ thực tiễn triển khai tại các cơ quan, địa phương cho thấy, vai trò của người đứng đầu trong công cuộc cải cách hành chính và chuyển đổi số là yếu tố then chốt, mang tính quyết định đến hiệu quả thực thi. Người đứng đầu không chỉ là người định hướng chiến lược mà còn phải trực tiếp chỉ đạo, theo dõi và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện. Từ cấp tỉnh đến cấp xã, nếu người đứng đầu quyết liệt, sâu sát, thì bộ máy hành chính sẽ vận hành hiệu quả, cán bộ sẽ chuyển biến tích cực và người dân sẽ được phục vụ tốt hơn.

Theo Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa Lê Văn Quy, để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân giải quyết thủ tục hành chính trên hệ thống DVCTT, lãnh đạo huyện thường xuyên đôn đốc việc nâng cao thái độ phục vụ của đội ngũ công chức, trong đó chú ý đến việc nêu gương, tạo áp lực tích cực từ người đứng đầu góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hành vi và nhận thức của đội ngũ cán bộ công chức, hướng tới nền hành chính phục vụ thực chất, không hình thức.

Giám đốc Sở Nội vụ Trương Ngọc Tuấn cho biết: Đến nay, nhiều tiêu chí về cung cấp DVCTT tiếp tục duy trì ở mức cao và cao hơn mức trung bình cả nước, như: tỉ lệ hồ sơ trực tuyến của tỉnh là 93,55% (tỉ lệ trung bình của cả nước là 57,58%); tỉ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa đạt 88,32% (cả nước là 37,45%); tỉ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử đạt 99,25% (cả nước là 73,3%); tỉ lệ hồ sơ thủ tục hành chính số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết đạt 99,14% (cả nước là 70,69%)... Những kết quả này cho thấy, từ sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu đến những hành động cụ thể ở cơ sở, chính quyền các cấp đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền hành chính hiện đại, thân thiện và hiệu quả. Việc cải thiện DVCTT không chỉ là nhiệm vụ kỹ thuật, mà là cam kết chính trị, là trách nhiệm phục vụ của chính quyền đối với người dân và doanh nghiệp trong kỷ nguyên số.

Mặc dù DVCTT đang mang lại nhiều tiện ích rõ rệt, nhưng trong quá trình triển khai thực tế, người dân vẫn gặp không ít khó khăn và bất cập khiến việc tiếp cận và sử dụng chưa thực sự thuận lợi, nhất là người lớn tuổi, người dân vùng sâu, vùng xa. Để khắc phục điều này, đồng chí Lê Tấn Hổ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh cho biết: UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phải coi việc cải thiện chất lượng DVCTT là nhiệm vụ chính trị quan trọng, gắn chặt với trách nhiệm của người đứng đầu. Không được để tình trạng người dân nộp hồ sơ điện tử mà vẫn phải đến trực tiếp để bổ sung giấy tờ. Đồng thời, các cơ quan, địa phương tiếp tục chỉ đạo, quán triệt cán bộ, công chức, viên chức người lao động tuyên truyền, vận động người thân, gia đình và các tầng lớp nhân dân nơi cư trú nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, giá trị, lợi ích của DVCTT. Các cơ quan, đơn vị phải phân công công chức, viên chức hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến khi người dân, doanh nghiệp đến giao dịch, trong đó, người đứng đầu phải chủ động, tích cực vào cuộc, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện đúng tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ được giao; tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, trong đó rà soát, phát hiện, kịp thời sửa đổi, bổ sung những bất cập, mâu thuẫn trong hệ thống các quy định, văn bản quy phạm pháp luật và các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện.

Nguồn: https://baophuyen.vn/xa-hoi/202505/nang-cao-chat-luong-dich-vu-cong-truc-tuyen-e235948/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm