Tỉnh chủ trì phối hợp VCCI Cần Thơ và các tỉnh tổ chức Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại tỉnh.
Liên kết các tỉnh trên nhiều lĩnh vực
Theo Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn, một trong những điểm nhấn quan trọng là việc đẩy mạnh các hoạt động liên kết vùng, hợp tác phát triển tiểu vùng, vùng ven biển, cũng như liên kết với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL. Tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị, chương trình xúc tiến thương mại, giao thương giữa doanh nghiệp (DN) địa phương với các hệ thống phân phối lớn trong vùng và cả nước như: kết nối với siêu thị Tứ Sơn ở An Giang, tham gia các hội chợ lớn tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Quảng Bình. Đây không chỉ là những cơ hội tiêu thụ sản phẩm mà còn là hành lang thúc đẩy DN mở rộng hợp tác, đổi mới cách tiếp cận thị trường.
Đáng chú ý, các giải pháp phát triển hạ tầng, từ giao thông, thủy lợi, đến cấp nước, năng lượng được tập trung đồng bộ. Nhiều công trình giao thông trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ như: cầu Rạch Miễu 2, tuyến đường bộ ven biển, cầu Cổ Chiên 2, cầu Đình Khao. Hệ thống thủy lợi được vận hành linh hoạt để ứng phó xâm nhập mặn, 67 nhà máy nước sạch đang hoạt động phục vụ hàng trăm ngàn hộ dân. Tỉnh đã có 22 dự án điện gió được phê duyệt; trong đó, có 9 dự án đã lắp đặt và vận hành, với tổng công suất trên 250MW, góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu năng lượng quốc gia.
Lĩnh vực du lịch ghi nhận sự tham gia sâu rộng vào chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Tỉnh đã cụ thể hóa nội dung liên kết này bằng kế hoạch hành động đồng bộ, triển khai các điểm đến thông minh, tích hợp bản đồ ẩm thực, mã QR tiện ích và quảng bá sâu sắc bản sắc xứ Dừa. Sự gắn kết không chỉ thúc đẩy lượng khách mà còn tạo chuỗi giá trị lan tỏa, bền vững giữa các tỉnh, thành trong khu vực.
Bên cạnh đó, tỉnh còn tổ chức đón tiếp nhiều đoàn DN, đặc biệt từ tỉnh Ehime (Nhật Bản), nhằm tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài gắn với phát triển vùng. Các hoạt động xúc tiến đầu tư được thực hiện đồng bộ cả trong và ngoài nước. Những nỗ lực liên kết này vừa giúp tỉnh quảng bá hình ảnh, vừa khơi thông dòng chảy hợp tác đa chiều trong vùng, từ hạ tầng, sản xuất đến dịch vụ, logistics.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,46%
Theo Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn, với những nỗ lực trong phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong quý I-2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 7,46% là một điểm sáng trong bối cảnh còn nhiều khó khăn. Giá trị sản xuất các khu vực, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, thu ngân sách tăng so với cùng kỳ.
Mặc dù tỷ trọng nông - lâm - ngư nghiệp vẫn còn cao, chiếm hơn 38% trong cơ cấu GRDP song sự chuyển đổi cơ cấu đang diễn ra theo hướng tích cực, với dấu ấn của các vùng sản xuất tập trung, chuỗi giá trị nông nghiệp chủ lực, đặc biệt là sản phẩm dừa, bưởi da xanh, sầu riêng và cây giống - hoa kiểng. Toàn tỉnh hiện có hơn 27.000ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP; trong đó, có 133 mã số vùng trồng dừa, 38 vùng trồng bưởi da xanh và hàng trăm mã số vùng trồng khác đã được cấp để phục vụ xuất khẩu. Đây là nền tảng quan trọng để nông sản tỉnh vươn ra thị trường quốc tế.
Song song với sản xuất nông nghiệp, tỉnh còn đẩy mạnh phát triển công nghiệp - thương mại theo hướng bền vững và có trọng tâm. Các khu công nghiệp (KCN) và cụm công nghiệp (CCN) tiếp tục được đầu tư hạ tầng, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 40%. Đặc biệt, Dự án KCN Phú Thuận đang được thi công khẩn trương, đi cùng là dự án khu nhà ở công nhân và tái định cư, nhằm phục vụ phát triển công nghiệp gắn với an sinh xã hội. Tổng thu ngân sách quý I-2025 đạt trên 2.500 tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ, phản ánh sự phục hồi và phát triển tích cực của nền kinh tế.
Tỉnh tiếp tục đầu tư mạng lưới trường lớp, hoàn thiện cơ sở vật chất. Chú trọng đào tạo nghề, đào tạo lại và chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt gần 69%, là nguồn lực quan trọng để nâng cao năng suất và thu nhập. Đặc biệt, tỉnh đang tích cực hoàn thiện Đề án thành lập Trường Đại học Tây Nam Bộ, tạo điều kiện nâng cao trình độ dân trí, phục vụ phát triển lâu dài.
Hạ tầng y tế cơ sở không ngừng được củng cố. 100% trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia và có bác sĩ. Mạng lưới khám chữa bệnh phát triển đến tận cơ sở. Việc triển khai sổ sức khỏe điện tử, phần mềm khám chữa bệnh liên thông là bước tiến trong chuyển đổi số ngành y tế. Song song đó, công tác phòng chống dịch bệnh, chăm lo người nghèo, người có công, bảo trợ xã hội tiếp tục được tỉnh quan tâm đúng mức, thể hiện rõ nét tính nhân văn trong phát triển.
Tỉnh là một trong những địa phương đi đầu trong tinh gọn bộ máy. Tỉnh đã giảm được 5 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và 18 cơ quan cấp huyện, tinh giản hơn 430 biên chế. Đồng thời, tỉnh đã hoàn thiện hồ sơ sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã và cấp tỉnh, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong thực hiện Nghị quyết Trung ương và chỉ đạo của Bộ Chính trị.
“Trong thời gian tới, tỉnh xác định cần tiếp tục phát huy vai trò trung tâm kết nối trong tiểu vùng duyên hải ĐBSCL. Chủ động đẩy mạnh hợp tác vùng trên các lĩnh vực hạ tầng, thương mại, du lịch, lao động và logistics. Đồng thời, chú trọng đầu tư đồng bộ hạ tầng, nhất là giao thông kết nối liên vùng, xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn, chuyển đổi số toàn diện và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Khát vọng phát triển phải song hành với sự quyết liệt trong hành động, thống nhất trong tổ chức, hiệu quả trong điều hành để thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết số 13-NQ/TW đề ra, đưa tỉnh và toàn vùng ĐBSCL bứt phá mạnh mẽ trong thời kỳ mới”. (Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn) |
Bài, ảnh: Cẩm Trúc
Nguồn: https://baodongkhoi.vn/phat-huy-vai-tro-trung-tam-ket-noi-trong-tieu-vung-duyen-hai-dong-bang-song-cuu-long-19052025-a146879.html
Bình luận (0)