Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phát triển bản thân cùng sách

Đi đến năm thứ 7, Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm nay không còn là một hoạt động mà dần trở thành phong trào, khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa đọc trong xã hội hiện đại.

Báo Đồng NaiBáo Đồng Nai04/07/2025

Cô và trò Trường trung học phổ thông Phước Bình (phường Phước Bình) trong buổi tổng kết trao Giải Đại sứ văn hóa đọc lần thứ VII-2025. Ảnh: P.Dung

Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, việc giữ gìn và phát huy thói quen đọc sách, nhất là đối với thế hệ trẻ trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Cuộc thi tạo ra không gian để học sinh khám phá và thể hiện tình yêu với sách, hình thành thói quen, kỹ năng đọc sách, từ đó góp phần khôi phục tinh thần đọc trong cộng đồng.

Những câu chuyện truyền cảm hứng

Đọc sách không chỉ là thói quen mà còn là hành trình khám phá, nguồn cảm hứng bất tận cho mỗi người. Với phần dự thi đầy cảm xúc và sâu sắc, em Phạm Thị Thu Thảo, học sinh lớp 10D1, Trường trung học phổ thông Phước Bình, phường Phước Bình, đã khẳng định sức mạnh của sách đối với quá trình phát triển bản thân. Với đề thi viết bài tự luận về một tác phẩm có tác động mạnh mẽ đến  ý chí phấn đấu tự tin, bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc, em Thu Thảo đã chọn cuốn sách Không có đỉnh quá cao của giáo sư Phan Văn Trường để làm bài dự thi.

Trong bài dự thi, Thu Thảo viết: “Đôi khi trong đời, ta sẽ bắt gặp một cuốn sách không chỉ để đọc, mà để lắng nghe chính mình. Một cuốn sách không chỉ để “hay” mà để “ở lại”... Cảm ơn cuốn sách đã không chỉ truyền cảm hứng, mà còn nhẹ nhàng đánh thức trong tôi một niềm tin bền bỉ, rằng chẳng có đỉnh cao nào là quá xa vời, nếu ta biết giữ vững lòng tin, không ngừng cố gắng và dám sống thật với chính bản thân mình”. Thu Thảo cho biết: “Nhờ cuốn sách, tôi không còn nhìn những giới hạn là rào cản, mà là những chặng thử thách lặng thầm, mời gọi tôi bước tiếp mỗi ngày, bằng tất cả sự chân thành và quyết tâm không ngừng nỗ lực, với niềm tin và ý chí vững vàng, để từng ngày được sống trọn vẹn với ước mơ và câu chuyện riêng của mình”.

Còn nhân vật truyền cảm hứng cho em Võ Phan Minh Thư, học sinh lớp 8A7, Trường trung học cơ sở Tân Phú, xã Đồng Phú, là thầy Nguyễn Ngọc Ký, tác giả cuốn sách Tôi đi học xuất bản lần đầu vào năm 1970.

Minh Thư bộc bạch: “Đọc xong quyển sách, tôi lại nhìn vào bản thân mình, có cơ thể lành lặn, được sống trong thời đại đất nước phát triển, được ba mẹ yêu thương, được đi học đầy đủ vậy mà chẳng có nổi chút quyết tâm, nỗ lực hay sự cố gắng nào, tất cả những gì tôi có lúc bấy giờ chỉ là sự tự ti, sợ hãi, sợ thất bại, sợ vấp ngã... Tôi bắt đầu thay đổi bản thân mình, thay đổi cách suy nghĩ, nhận thức, hành động của bản thân. Tôi dần trở nên tự tin hơn, mạnh dạn hơn. Tôi bắt đấu tham gia nhiều hơn các hoạt động, các cuộc thi mà nhà trường, địa phương tổ chức. Ban đầu, khi được phân công tham gia tôi cũng đã rất lo lắng, sợ hãi mình sẽ không thể làm được, nhưng rồi lại nhớ đến thầy Ký, nhớ đến hành trình vượt lên số phận, nhớ đến những nỗ lực, cố gắng của thầy, tôi đã có thêm dũng khí, có thêm quyết tâm để cố gắng”.

Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc được phát động từ tháng 3-2025, thu hút 686 bài viết và 7 video của học sinh từ các trường học. Sau 3 vòng chấm nghiêm túc, Ban tổ chức đã trao giải cho 40 tác phẩm xuất sắc và chọn 6 bài đoạt giải cao nhất tham gia dự thi vòng chung khảo cấp quốc gia.

Lặng lẽ phục hồi văn hóa đọc

Năm nay, nhiều bài dự thi tham gia Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc tạo ấn tượng với ban giám khảo bởi cách chọn cuốn sách có ý nghĩa sâu sắc, giải pháp hay lan tỏa tình yêu đối với sách. Có những bài thi được trình bày công phu, đẹp mắt, chững chạc trong cách hành văn, sâu sắc trong suy nghĩ và sự hồn nhiên trong cảm nhận.

Bà Nguyễn Thị Túy Vân, thành viên Ban giám khảo, chia sẻ: “Những sáng tác, chia sẻ đầy xúc động, chân thành đã khiến ban giám khảo tin rằng đối với các bạn học sinh, sách là người bạn đồng hành vô cùng thân thiết của các em trong suốt cuộc đời. Chúng tôi đánh giá cao bài  thi của em Phạm Thị Thu Thảo, học sinh lớp 10D1, Trường trung học phổ thông Phước Bình, bởi cảm xúc tốt, lập luận chặt chẽ, thuyết phục. Hay bài của em Lê Ngọc Cát Tường, học sinh lớp 3/4 Trường tiểu học Thanh An với cách viết ngây thơ, hồn nhiên và cách diễn đạt phù hợp với độ tuổi”.

Âm thầm giúp các em học sinh khẳng định giá trị của sách trong hành trình phát triển bản thân, nhất là hình thành tư duy linh hoạt và khả năng suy nghĩ độc lập, khuyến khích sự sáng tạo là các thầy cô và nhà trường. Cô Trần Hoài Phương, Tổ trưởng Tổ Ngữ Văn, Trường trung học phổ thông Phước Bình (phường Phước Bình) - trường có nhiều thí sinh đạt nhiều giải nhất (với 11 giải) - cho biết: “Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc là nỗ lực đáng trân trọng trong việc xây dựng một thế hệ trẻ yêu thích đọc sách góp phần hình thành một xã hội học tập phát triển và bền vững. Để giúp các em nâng cao văn hóa đọc, nhà trường luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện để xây dựng phong trào, từ việc chọn người phụ trách phù hợp đến việc đầu tư vật chất và tinh thần để phát triển văn hóa đọc. Bản thân tôi là người phụ trách kiêm Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, tôi thường xuyên triển khai, nhắc nhở giáo viên trong tổ, giáo viên chủ nhiệm các lớp quan tâm đến văn hóa đọc của học sinh và lồng ghép ngay trong môn học, hoạt động”.

Học sinh Trường tiểu học Tân Khai A (xã Tân Khai) đọc sách tại Ngày hội Đọc sách tổ chức tại trường.
Học sinh Trường tiểu học Tân Khai A (xã Tân Khai) đọc sách tại Ngày hội Đọc sách tổ chức tại trường.

Là trường đã nhiều năm tham gia Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc và đoạt rất nhiều giải trong những năm qua, năm nay, trường trung học cơ sở Tân Phú, xã Đồng Phú, tiếp tục đoạt giải có nhiều thí sinh tham gia nhất (214 em) và 7 giải cá nhân. Cô Lưu Thị Thoan, cán bộ Thư viện nhà trường, chia sẻ thêm: “Tôi chủ động phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn Ngữ văn để phổ biến thông tin rộng rãi về cuộc thi, tạo động lực tinh thần bằng cách nêu gương các học sinh từng đoạt giải cao trong những năm trước. Cùng với đó, tôi lồng ghép nội dung “văn hóa đọc” trong các buổi sinh hoạt lớp, chào cờ, trưng bày giới thiệu những cuốn sách mới và hay thu hút các em đến thư viện đọc sách. Tăng cường các buổi đọc sách tại trường như: tổ chức Ngày hội Đọc sách, hoặc Thư viện mở thân thiện; khuyến khích học sinh viết Nhật ký đọc sách, chia sẻ cảm nhận về cuốn sách hay; treo băng rôn, khẩu hiệu nhằm tạo không khí sôi nổi, lan tỏa tinh thần yêu sách trong học sinh; thành lập nhóm những em có kinh nghiệm trao đổi những bài viết hay đã đoạt giải để các em học tập lẫn nhau”.

 Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm nay đã về đích thành công. Các đại sứ năm nay đã lộ diện, qua bài thi đã thể hiện tình yêu sách, khẳng định giá trị của sách trong hành trình phát triển bản thân của riêng mình. Qua việc đọc, học sinh không chỉ tiếp thu kiến thức mà còn hình thành những giá trị sống, kỹ năng và phẩm chất để trở thành những công dân tốt trong tương lai.

 Phương Dung

Nguồn: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202507/phat-trien-ban-than-cung-sach-9bb13ee/


Chủ đề: Văn hoá đọc

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm